Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Dữ liệu (gồm 7 chương, 65 điều) quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Tại dự thảo Luật này, Bộ Công an đề xuất xây dựng sàn giao dịch dữ liệu, với định nghĩa là sàn giao dịch trực tuyến qua mạng tạo môi trường giao dịch dữ liệu có sự giám sát đảm bảo an toàn, tuân thủ quy định của pháp luật; phát triển các dịch vụ dữ liệu như tổng hợp, phân tích, dán nhãn dữ liệu.
Sàn giao dịch dữ liệu thực hiện chức năng giao dịch, trao đổi, mua bán, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu một cách phù hợp, chính xác và hợp pháp đến các chủ thể yêu cầu dịch vụ.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều nay (7/10), phóng viên báo Đầu tư đã đặt câu hỏi đối với Bộ Công an: Những loại dữ liệu nào sẽ lên sàn giao dịch và Bộ Công an có giải pháp nào để bảo đảm bảo mật dữ liệu cho người tham gia?
Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Luật Dữ liệu nhằm quán triệt và hiện thực hoá quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước về dữ liệu, nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số, qua đó vận dụng đồng bộ hệ thống dữ liệu, phát triển chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, phát triển trung tâm dữ liệu quốc gia.
Vì mục đích này, Bộ Công an đã soạn thảo và trình Chính phủ dự thảo Luật Dữ liệu, sắp tới sẽ đưa ra trình Quốc hội.
Theo đại diện Bộ Công an, trên thế giới hiện nay có rất nhiều sản phẩm dịch vụ dữ liệu phát triển và xu hướng này ngày càng mở rộng, gắn với các ngành kinh tế và hoạt động của xã hội như sàn giao dịch dữ liệu, dịch vụ trung gian dữ liệu, dịch vụ phân tích và tổng hợp dữ liệu... Tuy nhiên ở Việt Nam hiện chưa có cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này.
"Do vậy trong dự thảo Luật Dữ liệu, Bộ Công an đã đề xuất thành lập sàn giao dịch dữ liệu để góp phần thực hiện và gia nhập thị trường dữ liệu, đẩy mạnh phát triển sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và thúc đẩy chuyển đổi số cho nền kinh tế", ông Tuyên nói.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo chiều 7/10 (Ảnh: M.Minh) |
Tuy nhiên, ông Tuyên cũng cho hay, do đây là một lĩnh vực mới chưa bao giờ được thực hiện nên cần có cơ chế linh hoạt.
Trong quá trình Bộ Công an đề xuất, Chính phủ đã xem xét, nghiên cứu đề xuất này của Bộ Công an và thống nhất chủ trương xây dựng dự thảo luật theo hướng không quy định cụ thể nội dung này trong luật, giao Chính phủ quy định lộ trình, giải pháp phát triển thị trường phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an ninh an toàn.
"Theo đó, sẽ quy định dữ liệu nào được giao dịch, dữ liệu nào không được giao dịch, các điều kiện giao dịch dữ liệu như thế nào", ông Tuyên nói.
Tại họp báo, báo chí cũng yêu cầu Bộ Công an cung cấp thông tin về kết quả quá trình triển khai Luật Căn cước.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, Luật Căn cước mới được triển khai, đây là luật có nhiều đổi mới, không đơn giản là chỉ thay đổi cái tên, bao gồm các nội dung: thay đổi cấu trúc căn cước, bổ sung đối tượng cấp căn cước (trong đó có cả trẻ em), bổ sung dữ liệu sinh trắc học, ADN…
Trong thời gian rất ngắn, chỉ hơn 7 tháng thi hành Luật, cơ quan công an đã làm rất nhiều việc. Cụ thể, từ 1/7 đến 7/10/2024, Bộ Công an đã cấp 9,58 triệu thẻ căn cước. Trong đó có hơn 3,17 triệu cho trẻ em dưới 6 tuổi; gần 4,03 triệu cho trẻ em từ 6 tuổi đến 14 tuổi; 2,38 triệu cho người đủ 14 tuổi trở lên trên toàn quốc.
Qua đó, đã công nhận 1.500 dữ liệu sinh trắc học (hình ảnh, giọng nói...), thu nhập hơn 260 mẫu AND.
"Sau 3 tháng triển khai, việc cấp căn cước đảm bảo tiến độ và đáp ứng được nhu cầu của nhân dân", người phát ngôn Bộ Công an cho hay.
Kinh tế 9 tháng đầu năm 2024 diễn biến tích cực
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, tình hình kinh tế xã hội diễn biến tích cực, cao hơn năm ngoái. Tính chung 9 tháng 2024, tăng trưởng GDP tăng 6,82% trong đó khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ tăng tốt; chỉ số CPI tăng 3,88% trong giới hạn kiểm soát...
Toàn cảnh buổi họp báo |
Tài chính ngân sách tiếp tục được cải thiện, 9 tháng đầu năm đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trong 9 tháng đầu năm đạt 578,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 183 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và gia nhập thị trường; gần 164 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, phần lớn là doanh nghiệp lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn (chiếm 53,1%)...