Đề xuất sửa quy định về chuyển nhượng cổ phần và góp vốn

(ĐTCK) Đặc biệt quan tâm đến nội dung chuyển nhượng cổ phần và góp vốn tại dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2019 vừa qua, các đại diện hiệp hội doanh nghiệp đã đưa ra nhiều ý kiến sửa đổi liên quan vấn đề này. 
Đề xuất sửa quy định về chuyển nhượng cổ phần và góp vốn

Đánh giá cao sự thay đổi tích cực trong các nội dung sửa đổi liên quan tới thủ tục hành chính của loại hình công ty cổ phần và công ty tách nhiệm hữu hạn, nhất là nội dung về góp vốn/thanh toán cổ phần đã đăng ký khi thành lập, Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn độ tại Việt Nam (Incham) cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã có sự thay đổi tích cực so với Luật Doanh nghiệp 2014, song còn quan ngại về thời hạn góp vốn 90 ngày chỉ áp dụng cho lần đầu tiên vốn được góp vào công ty, trong khi chưa có quy định về các trường hợp góp vốn khác, chẳng hạn như việc tăng vốn điều lệ.

“Lợi dụng sự mơ hồ trong luật pháp, nhiều công ty đã tăng vốn vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nhưng không đóng góp, thanh toán phần vốn góp kịp thời, dẫn đến kê khai sai  số vốn điều lệ và tăng gánh nặng cho cơ quan chức năng trong việc đảm bảo giám sát, quản lý các thành viên góp vốn trong doanh nghiệp…”, đại diện InCham nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, Incham cũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất xóa bỏ yêu cầu thành lập ban kiểm soát trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên tại Điều 78 - dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

“Luật Doanh nghiệp 2014 yêu cầu đưa ban kiểm soát vào công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu để giám sát hoạt động của doanh nghiệp đó. Trên thực tế, ban kiểm soát trong nhiều trường hợp hoạt động không hiệu quả và doanh nghiệp phải thuê kiểm soát viên độc lập để công tác giám sát hiệu quả hơn. Đây là một gánh nặng đối với doanh nghiệp”, đại diện InCham phân tích.

Có cùng mối quan ngại về những vướng mắc liên quan đến thời gian hiệu lực của giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, Nhóm công tác đầu tư và thương mại VBF nêu một bất cập đang tồn tại ở một số địa phương.

Chẳng hạn, tại tỉnh Bình Dương, một số cơ quan đầu tư như Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương yêu cầu các bên phải thực hiện thanh toán tiền chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp trước khi đăng ký và sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vì cho rằng, "hoàn thành chuyển nhượng" phải bao gồm việc "hoàn thành thanh toán cho việc chuyển nhượng".

“Cách áp dụng luật này trái ngược với quy định tại Bộ luật Dân sự, như Điều 450 về thời điểm có hiệu lực của việc chuyển giao quyền tài sản: Quyền tài sản chỉ được coi là đã ‘chuyển nhượng’ khi giấy chứng nhận đăng ký đã được hoàn tất dưới tên của người mua, hay Khoản 3, Điều 434 cho phép các bên thỏa thuận thời gian thanh toán..., từ đó dễ khiến nhà đầu tư lo ngại việc sẽ bị mất tiền”, đại diện Nhóm công tác nói.

Để khắc phục việc diễn giải không nhất quán, đồng bộ giữa các quy định pháp luật của cơ quan chức năng dẫn tới tâm lý bất an cho nhà đầu tư, thậm chí gây khó khăn cho doanh nghiệp, ông Fred Burker, Trưởng Nhóm công tác cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên bổ sung quy định ghi nhận các bên trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp có thể thỏa thuận và quyết định thời gian thanh toán, cũng như thời điểm có hiệu lực cho việc giao dịch, chuyển nhượng cổ phần/phần vốn góp là khi người mua được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điều chỉnh đã được cấp cho bên mua.

Cũng liên quan đến nội dung này, Nhóm công tác còn cho rằng, phương thức thanh toán giao dịch chuyển nhượng cổ phần/ phần vốn góp trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi còn chưa rõ ràng. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 36 của Luật Doanh nghiệp yêu cầu thanh toán chuyển nhượng cổ phần và vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp (DICA) của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Nhóm công tác, yêu cầu trên là dư thừa vì các quy định về ngoại hối sẽ điều chỉnh các giao dịch ngoại hối của các nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, quy định này còn mâu thuẫn với Thông tư 06/2019/TT-NHNN, trong đó không yêu cầu thanh toán chuyển nhượng cổ phần và vốn góp giữa người mua nước ngoài và người bán nước ngoài được thực hiện thông qua DICA.

“Để tránh nhầm lẫn, nên loại bỏ quy định trên tại dự thảo Luật”, ông Fred Burker đề xuất.           

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục