Tiếp tục phiên họp thứ 40, sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 một số dự án luật, trong đó có Luật Báo chí (sửa đổi).
Tăng cường quản lý, thúc đẩy kinh tế báo chí
Theo tờ trình của Chính phủ được Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng trình bày, nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là nội dung định hướng tại Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) với 4 chính sách.
Chính sách 1: Tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về các khái niệm báo, tạp chí; điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí; thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; quản lý nhà nước về báo chí tại địa phương; quy định để tạp chí khoa học theo đúng tính chất; về văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; bổ sung quy định việc nộp lưu chiểu bản tin, đặc san.
Chính sách 2: Nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Nhà báo Việt Nam; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí; yêu cầu về bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho người làm báo trước khi cấp thẻ nhà báo lần đầu; quy định về cấp, cấp lại, thu hồi đổi thẻ nhà báo.
Chính sách 3: Thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: Phát triển mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông; Liên kết trong hoạt động báo chí; Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; Nhập khẩu báo in, tạp chí in và xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình;...
Chính sách 4. Điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các quy định về: Hoạt động trên không gian mạng của cơ quan báo chí; công cụ số để giám sát hoạt động báo chí trên không gian mạng của cơ quan quản lý nhà nước; quy định cơ chế quản lý đối với các hoạt động có ảnh hưởng đến hoạt động báo chí.
Làm rõ chính sách quản lý đối với “trang thông tin điện tử tổng hợp”
Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Uỷ ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục và Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cơ bản nhất trí với nội dung của 4 chính sách nói trên.
Về chính sách điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng, báo cáo thẩm tra nêu, mục tiêu của chính sách nhằm mở rộng không gian hoạt động của báo chí lên không gian mạng để lan tỏa nội dung báo chí đến người đọc theo những phương thức mới, định hướng dư luận trên không gian mạng...
Theo Uỷ ban Pháp luật, trong xu hướng chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ hiện nay, việc mở rộng không gian hoạt động báo chí lên không gian mạng như đề xuất của cơ quan chủ trì soạn thảo là cần thiết và phù hợp.
Tuy nhiên, tại Tờ trình số 108/TTr-BTTTT và Đề cương chi tiết, Cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đưa ra khái niệm về “không gian mạng” và chưa làm rõ được hình thức hoạt động, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng. Do đó, Uỷ ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, làm rõ hình thức, điều kiện hoạt động của báo chí trên không gian mạng.
Thường trực Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị nghiên cứu, rà soát các quy định về giải thích từ ngữ, trong đó, làm rõ khái niệm “tạp chí điện tử” và các loại hình tạp chí khác, bổ sung khái niệm “nền tảng số”, “không gian mạng”.
Uỷ ban Pháp luật đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ chính sách quản lý đối với “trang thông tin điện tử tổng hợp”, xác định rõ hoạt động của “trang thông tin điện tử tổng hợp” có nằm trong phạm vi của “hoạt động báo chí trên không gian mạng” hay không để xác định nội dung quản lý phù hợp.
Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – an ninh cho rằng, dự kiến chính sách và Đề cương dự thảo Luật chỉ đề xuất bổ sung 1 mục riêng với 2 điều về hoạt động báo chí trên không gian mạng là chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn quản lý hoạt động báo chí trên không gian mạng và giải quyết những tồn tại, hạn chế đã được đánh giá. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, đối chiếu với các luật có liên quan về không gian mạng, an ninh mạng, nghiên cứu bổ sung quy định về nội dung này.
Ngoài ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách về chuyển đổi số trong hoạt động báo chí, chuyển từ báo chí, truyền thông truyền thống sang báo chí, truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, đa dịch vụ... nhằm thực hiện nhiệm vụ dẫn dắt, định hướng xã hội trên không gian mạng để phù hợp với xu thế hiện nay và góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Xây dựng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập để thúc đẩy kinh tế báo chí
Về chính sách thúc đẩy kinh tế báo chí, giải pháp được Chính phủ đề xuất là xây dựng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập với tên gọi Tổ hợp báo chí truyền thông, là đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có nhiều cơ quan báo chí), được vận dụng cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; cho phép có doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp. Hoạt động kinh doanh nhằm tăng cường nguồn lực, bổ trợ cho hoạt động báo chí theo quy định của Luật doanh nghiệp và pháp luật liên quan.
Theo cơ quan thẩm tra, đây là chính sách mới do hiện nay chỉ khuyến khích thành lập doanh nghiệp đa sở hữu trong các viện nghiên cứu, trường đại học nhằm thực hiện hoạt động ứng dụng, triển khai, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu và đánh giá kỹ, trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và ý kiến của đối tượng chịu tác động (các cơ quan báo chí) để tiếp tục làm rõ chính sách này, lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật có liên quan về đơn vị sự nghiệp công lập và pháp luật về doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 - tháng 5/2025) đã có một số quy định liên quan đến quảng cáo trên báo chí. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát, trường hợp cần thiết thì viện dẫn các quy định liên quan đến quảng cáo trên báo chí trong Luật Quảng cáo; bảo đảm sự thống nhất giữa 2 luật, góp phần hỗ trợ cơ quan báo chí tạo nguồn thu, phát triển kinh tế báo chí.