Tuy nhiên, theo quan điểm thận trọng của nhiều chuyên gia, lý do lớn nhất dẫn tới xuất siêu năm 2012 là do sự suy giảm của sản xuất và tiêu dùng trong nước, nên nhập khẩu nguyên vật liệu, thiết bị tăng thấp, chứ không phải do sức cạnh tranh của nền kinh tế đã tăng lên.
Nếu phân tích cơ cấu ngành hàng xuất khẩu cũng có thể thấy rõ tính chưa bền vững này. Theo Tổng cục Thống kê, cả năm 2012, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011; trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ khu vực FDI với giá trị 72,3 tỷ USD, tăng 31,2%, với các mặt hàng như: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện, hàng dệt may, giày dép... Các mặt hàng trên đều thuộc nhóm hàng có tỷ trọng gia công cao, phản ánh hiệu quả xuất khẩu và lượng ngoại tệ thực thu thấp. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của khối DN trong nước đạt 42,3 tỷ USD, chỉ tăng 1,3% so với năm trước đó. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là môi trường kinh doanh trong nước phát sinh nhiều vấn đề khiến sức cạnh tranh của DN giảm sút. Thậm chí, câu chuyện tự cạnh tranh giữa “người trong nhà” năm qua rất phổ biến, điển hình như trong ngành xuất khẩu cá basa, gạo, hồ tiêu…
Trong bối cảnh sản xuất suy thoái hiện nay, việc có thể duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu năm 2013 là một câu hỏi lớn. Năm 2013 này, dù kinh tế thế giới được dự báo vẫn chưa hồi phục, các đơn hàng xuất khẩu giảm sút nhưng theo dự đoán, cơ cấu thị trường và sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang các nước vẫn không có nhiều biến động. Mỹ dự kiến vẫn sẽ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho các quốc gia, trong đó có Việt Nam .
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu sản phẩm Việt Nam sang thị trường Mỹ, ông Timothy Leung, Giám đốc cao cấp Bộ phận dịch vụ và kinh doanh toàn cầu của Tập đoàn Alibaba.com chia sẻ: “Ngày càng nhiều DN nhập khẩu Mỹ chuyển hướng tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường truyền thống sang các khu vực có chi phí rẻ hơn, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á”.
Bên cạnh việc tận dụng các thế mạnh cạnh tranh là chi phí sản xuất thấp để đưa ra các mức giá cạnh tranh, các DN Việt Nam cần nhanh nhạy trước những thay đổi về nhu cầu từ người mua và cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn cao của ngành hàng nhằm tạo nên sự khác biệt so với các nhà cung cấp khác. Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá lại hiệu quả của các công cụ marketing và chọn ra những phương thức phù hợp. Các hoạt động tốn kém trước đây như tham gia hội chợ, triển lãm và gặp gỡ đối tác trực tiếp ngay tại các thị trường mục tiêu sẽ phải cắt giảm và thay thế bằng những phương thức khác ít tốn kém và hiệu quả hơn như ứng dụng thương mại điện tử, xuất khẩu trực tuyến, tham khảo thông tin từ các tổ chức xác thực và đại diện thương mại của Việt Nam tại các nước.
Ngoài những nỗ lực tìm kiếm giải pháp vượt qua khủng hoảng, DN có thể tận dụng một số chính sách hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu do Chính phủ ban hành gần đây như các ưu đãi về tín dụng, thuế suất, hay các chương trình hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức và DN trong việc thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Để hỗ trợ xuất khẩu, trong năm 2013, lãnh đạo ngành hải quan cho biết, sẽ triển khai sớm thông quan điện tử trên toàn quốc. Ngành hải quan đã và đang chuẩn bị đồng bộ các điều kiện để đảm bảo chính thức thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ ngày 1/1/2013...
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết: “Để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, ngành hải quan sẽ sẵn sàng đến mức cao nhất về người và phương tiện. Nếu có vướng mắc về thủ tục, DN có thể kiến nghị thẳng tới Tổng cục Hải quan để được xử lý trong thời gian nhanh nhất”.