Chiều ngày 25/11, Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam (VBA) chủ trì tổ chức Hội thảo Công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia” do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương - Bộ Công thương, và Viện Nghiên cứu Đồ uống Việt Nam phối hợp với nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Tổng cục Thống kê (TCTK) thực hiện.
Dự thảo Luật thuế TTĐB đang sửa đổi theo hướng điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng bia (mức thuế hiện nay là 65%) với 02 phương án được đề xuất: Phương án 1 (PA1) tăng thuế từ năm 2026, tăng theo từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 90%; Phương án 2 (PA2) tăng thuế từ năm 2026 với mức tăng 15%, sau đó từ năm 2027 tăng từng năm và mỗi năm tăng 5% để tới năm 2030 thuế suất thuế TTĐB đối với bia là 100%.
|
VBA đề xuất thêm Phương án 3 (PA3) lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027, đồng thời tăng thuế ở mức 5% và với lộ trình tăng 2 năm một lần, đến mức 80% vào năm 2031, để phù hợp với bối cảnh kinh tế, thực trạng doanh nghiệp và để doanh nghiệp có khả năng trụ vững, thích ứng và điều chỉnh; qua đó giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực quá mức tới ngành, giúp ngành tồn tại, phát triển và đóng góp chung cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Trong nền kinh tế, sự tồn tại và phát triển của một ngành không phải là đơn lẻ và độc lập. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của một ngành trong nền kinh tế sẽ có mối liên kết với các ngành khác,” bà Nguyễn Minh Thảo (CIEM), đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ tại hội thảo.
|
Một số kết quả thu được qua phân tích định lượng |
Với các minh chứng dựa trên dữ liệu chính thống, phương pháp khoa học và phân tích các thông tin cập nhật của ngành, nhóm nghiên cứu nhận thấy, về tác động kinh tế, cả ba phương án tăng thuế đều ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của 21 ngành làm đầu vào cho ngành bia trong nền kinh tế. Khi tăng thuế TTĐB đối với bia thì nguồn thu NSNN từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) trong cả ba phương án đều tăng. Tuy nhiên, nguồn thu NSNN từ thuế gián thu chỉ tăng trong ngắn hạn. Mặt khác, việc tăng thuế ảnh hưởng tiếp đến cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động. Hệ quả là làm suy giảm GDP của nền kinh tế.
“Vì vậy, trên cơ sở căn cứ vào tổng quan, thực trạng chung của doanh nghiệp ngành bia là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách, nhóm nghiên cứu đề xuất cân nhắc lựa chọn PA3 để hài hòa các mục tiêu, tác động tiêu cực tới nền kinh tế ở mức giảm nhẹ hơn, đảm bảo mức độ ổn định tương đối về chính sách, hạn chế được những rủi ro ảnh hưởng tới cơ hội việc làm và thu nhập của người lao động, an sinh xã hội,” bà Thảo cho biết.
Ông Phạm Tuấn Khải, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính phủ đánh giá cao báo cáo có tính hiện đại, thời sự, các ý tưởng đề xuất rất thực tế của các viện nghiên cứu. Kết quả này nên được gửi tới các nhà hoạch định chính sách để tham khảo với những thông tin hữu ích, số liệu đánh giá tin cậy, toàn diện với cả 3 phương án.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế đánh giá cao đề tài, thực hiện rất kỹ càng. Đề tài nghiên cứu có số liệu cụ thể, có nhiều thông tin phong phú để xem xét toàn diện ngành bia.
Bà Cúc đồng tình quan điểm của Quốc hội, Chính phủ cần phải điều chỉnh tăng thuế để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, tăng thu ngân sách, hạn chế mặt hàng này. Bà cũng nêu ý kiến cho rằng PA 2 quá cao và sốc, PA1 tăng 5% là tương đối hợp đối hợp lý, còn lộ trình 2 năm 1 lần hay 1 năm 1 lần cần lưu ý, cần kết hợp các biện pháp khác nữa để đảm bảo hài hòa.
Cũng tại Hội thảo, bà Phan Minh Thủy, Trưởng phòng Xây dựng Pháp luật, Ban Pháp chế VCCI chia sẻ, PA3 đã được Quốc hội thảo luận ngày 22/11 vừa qua, có thể chỉ quy định khung và sau đó giao cho Chính phủ để linh hoạt từng giai đoạn cụ thể.
Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).