Đề xuất phương án đầu tư 1,2 tỷ USD nâng cấp Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

0:00 / 0:00
0:00
Thay vì chọn quy mô mở rộng lên 192.000 thùng/ngày, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ chọn quy mô 171.000 thùng/ngày để phù hợp hơn.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trinh có quy mô 148.000 thùng/ngày, được đưa vào vận hành thương mại từ năm 2009. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, công trinh có quy mô 148.000 thùng/ngày, được đưa vào vận hành thương mại từ năm 2009.

Nhu cầu vốn 1,2 tỷ USD

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh quy mô của Dự án Nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 192.000 thùng/ngày (khoảng 8,5 triệu tấn dầu thô/năm) trong phương án được phê duyệt hồi năm 2014, xuống còn 171.000 thùng/ngày.

Với quy mô mới, tổng vốn đầu tư chỉ còn khoảng 1,2 tỷ USD, thay vì con số lên tới 1,8 tỷ USD như phương án năm 2014.

Theo Petrovietnam, đề xuất này xuất phát từ báo cáo của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình sơn (BSR) khi việc triển khai dự án theo các cơ sở dữ liệu đã được phê duyệt trước đây (năm 2014) không còn phù hợp, không hiệu quả và khả thi, nên cần có hướng đi phù hợp, cũng như đáp ứng yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải, phù hợp xu thế chuyển dịch năng lượng, đảm bảo tính khả thi.

Petrovietnam và BSR cũng đề nghị Chính phủ cho điều chỉnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu theo quy định tại Quyết định 49/2011/QĐ-TTg cho đến khi Dự án mở rộng được hoàn thành.

Đồng thời kiến nghị tăng hạn mức tín dụng để cho vay và cấp bảo lãnh, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.

Với phương án 171.000 thùng/ngày, một số sản phẩm như xăng RON97, nhựa đường sẽ không sản xuất nữa, hoặc dầu FO sẽ chỉ sử dụng nội bộ. Các sản phẩm khác như LPG, xăng RON92, Jet A1, dầu DO, Propylen, lưu huỳnh cũng giảm sản lượng. Đặc biệt là xăng RON95 từ chỗ không sản xuất trong phương án năm 2014, thì với phương án mới đã có sản xuất.

Dự án cũng giảm tổng mức đầu tư xuống còn 1,256 tỷ USD và được tìm kiếm từ nguồn vốn chủ sở hữu được khấu hao dồn tích, lợi nhuận sau thuế hàng năm và vốn vay dưới hình thức tín dụng xuất khẩu, từ ngân hàng thương mại.

Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai trong 37 tháng và sẽ hoàn thành vào quý IV/2025, vận hành thương mại quý I/2026.

BSR cũng cho rằng, dự án không thể triển khai tuần tự theo các bước như dự án thông thường, nên kiến nghị cần được áp dụng các giải pháp đặc cách để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong thời gian sớm nhất.

Công ty kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư, cho phép sử dụng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, chỉ định nhà tư vấn dự án, chủ đầu tư được triển khai đàm phán, ký kết mở rộng hợp đồng với các nhà bản quyền công nghệ đang có, các giải pháp triển khai nhanh…

Bên cạnh đó, BSR và Petrovietnam cũng kiến nghị cho Dự án được hưởng cơ chế thuế để nâng cao hiệu quả kinh tế như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu; giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; giãn lộ trình miễn thuế nhập khẩu xăng dầu về 0% vào năm 2024 sang năm 2028 để đảm bảo hiệu quả kinh doanh bình đẳng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Nhu cầu mở rộng thôi thúc

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có quy mô 148.000 thùng/ngày được đưa vào vận hành thương mại từ năm 2009, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu của Việt Nam vốn đang được nhập khẩu hoàn toàn. Để giúp cho nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam có được những bước đi thuận lợi, đã có một số cơ chế được áp dụng.

Cũng trong quá trình vận hành ngay sau đó, việc mở rộng và nâng cấp quy mô của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất từ 148.000 thùng/ngày lên 192.000 thùng/ngày đã được đặt ra nhằm nâng cao độ linh hoạt trong việc lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy. Cùng với đó, sản phẩm đầu ra đáp ứng tiêu chuẩn EURO V, cũng như tiêu chuẩn môi trường theo quy định.

Nhiều đối tác nước ngoài đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Báo Đầu tư cũng phản ánh nhiều hoạt động liên quan đến dự án mở rộng trong thời gian qua.

Theo Quyết định 9016/QĐ-DKVN ngày 22/12/2014 của Petrovietnam, Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có tổng tiến độ thực hiện là 78 tháng tính từ ngày phát hành hồ sơ mở thầu lựa chọn nhà thầu thiết kế tổng thể (FEED) là ngày 27/4/2015. Như vậy, Dự án được kỳ vọng hoàn tất vào tháng 10/2021.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt vào tháng 2/2019. Tới đầu năm 2020, dù đã triển khai được 56/78 tháng kể từ thời điểm phát hành hồ sơ mời thầu FEED, nhưng công tác thu xếp vốn cho Dự án vẫn chưa có gì sáng sủa.

Rồi tới tháng 10/2020, BSR và tư vấn JGC Corporation (Nhật Bản) đã tổ chức mở thầu gói “Thiết kế - mua sắm - xây dựng” Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - giai đoạn II.

Đáng chú ý là, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 6/2018, Dự án không thuộc diện được cấp bảo lãnh chính phủ, bởi vậy BSR đã tính tới phương án thu xếp tài chính khác.

Dự án có quy mô đầu tư được phê duyệt trước đây là 1,8 tỷ USD, với cơ cấu 30% vốn chủ sở hữu và 70% vốn vay. BSR đã đề ra 3 kịch bản vốn là thu xếp từ các khoản vay nước ngoài, trong nước đảm bảo bằng bảo lãnh vay vốn của Petrovietnam và khoản vay thứ cấp trực tiếp từ cổ đông/Petrovietnam.

Thậm chí, BRS đã chính thức đề nghị Petrovietnam - nơi đang thay mặt Nhà nước sở hữu 92,12% vốn tại doanh nghiệp chấp thuận chủ trương cấp bảo lãnh vay vốn cho BSR để đầu tư Dự án, bao gồm cả bảo lãnh vay vốn trong nước và nước ngoài.

BRS cũng từng đề nghị Petrovietnam chấp thuận chủ trương cho BSR vay theo hình thức sub-loan (tạm hiểu là khoản vay phụ) để đầu tư Dự án, cũng như hỗ trợ các phương án thu xếp vốn do Công ty lập.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm cuối năm 2022 này, mọi chuyện vẫn dừng lại trên giấy.

Tiền đâu để đầu tư

Góp ý về phương án điều chỉnh dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định, với tỷ lệ vốn góp cho dự án, Petrovietnam có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn với các vấn đề trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hiệu quả đầu tư dự án, đảm bảo bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước.

Về phía mình, Bộ Công thương cũng cho hay, Dự án giải quyết các hạn chế của nhà máy hiện hữu về nguồn nhiêu liệu dầu thô, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, môi trường, quy mô công suất, độ linh hoạt, khả năng chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm, hiệu quả kinh tế.

Việc công nghệ được lựa chọn và thể hiện trong hồ sơ cho phép dự án đảm bảo các mục tiêu: nâng công suất nhà máy lên 171.000 thùng/ngày, có thể chế biến nhiều hỗn hợp dầu thô khác nhau, sản xuất các sản phẩm xăng (RON 92, RON 95), LPG, propylene, polypropylene, nhiên liệu phản lực/kerosene, dầu diesel, dầu FO và lưu huỳnh đáp ứng tiêu chuẩn Euro V và tiêu chuẩn môi trường mới nhất.

Dây chuyền/thiết bị công nghệ dự kiến được lựa chọn và áp dụng cho dự án là công nghệ tiên tiến của các nước phát triển trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan, Italia và đã được kiểm chứng trong vận hành thương mại, phù hợp với công nghệ nhà máy lọc dầu hiện hữu và đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của dự án.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng bày tỏ một số vấn đề cần lưu tâm.

Cụ thể về thu xếp vốn, theo phương án cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì toàn bộ số vốn chủ sở hữu của dự án sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại hàng năm của BSR giai đoạn 2018 - 2023.

"Kết quả sản xuất, kinh doanh của BSR trong các năm từ năm 2018 (từ thời điểm cổ phần hóa), 2019 đến 2020 đạt lợi nhuận lần lượt là 250,79 tỷ đồng, 2.913,82 tỷ đồng và -2.818,84 tỷ đồng. Lũy kế lợi nhuận sau 3 năm từ khi chuyển sang công ty cổ phần là 345,77 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD) và chỉ đáp ứng được khoảng 2,7% nhu cầu vốn chủ sở hữu của dự án, dẫn đến việc thu xếp vốn cho dự án không đảm bảo", Bộ Công thương nhận xét.

Bộ cũng đề nghị trong giai đoạn triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đối với nguồn vốn chủ sở hữu khả dụng, BSR cần làm rõ hơn phương án phân phối lợi nhuận huy động vốn cho dự án.

Đối với nguồn vốn vay, BSR cần làm việc chi tiết với các tổ chức tài chính bảo đảm tính khả thi cho việc vay vốn.

Về kiến nghị điều chỉnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn xăng dầu cho đến khi dự án BSR hoàn thành, Bộ Công thương cho rằng, chủ đầu tư cần đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng yêu cầu về nâng cấp chất lượng xăng dầu, phù hợp với các cam kết quốc tế, định hướng của Việt Nam về lộ trình tiêu chuẩn chất lượng, lộ trình khí thải. Đồng thời, rà soát kỹ các quy định, số liệu đầu vào và chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án.

Còn Bộ Khoa học và Công nghệ thì đề nghị doanh nghiệp tuân thủ quy định, yêu cầu QCVN về xăng dầu, LPG. Lưu ý với các hợp đồng chuyển giao bản quyền công nghệ chỉ có thời hạn 7 năm (ký từ năm 2016) nên cần chú ý về thời hạn hợp đồng.

Kể từ khi đi vào vận hành (năm 2009) đến hết quý II/2022, BSR đã sản xuất hơn 80,1 triệu tấn sản phẩm; tổng doanh thu 1,345 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 195.000 tỷ đồng.

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, BSR đã đạt doanh thu 87.865 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước khoảng 10.636 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế của BSR được Ban lãnh đạo Công ty báo cáo với Đoàn công tác Quốc hội trong 6 tháng đầu năm 2022 bằng 50% lợi nhuận sau thuế của cả giai đoạn 2009 - 2020.

Trước đó, trong Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ được BSR công bố ngày 25/7/2022 cũng cho hay, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ở thời điểm kết thúc quý II/2022 đạt 12.177 tỷ đồng.

Bộ Công thương lưu ý BSR làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Về nguyên liệu dầu thô, theo Bộ Công thương, BSR cần đánh giá đầy đủ, thận trọng, kỹ lưỡng khả năng nhập khẩu dầu thô các rủi ro trong bối cảnh cuộc khủng hoảng giữa Nga - Ukraine đã làm thay đổi bức tranh cung - cầu; giá của thị trường năng lượng khu vực châu Âu nói riêng và thị trường năng lượng thế giới nói chung.

Liên quan tới vận hành thống nhất, tương thích giữa phần nhà máy đang hoạt động với phần đầu tư nâng cấp, mở rộng, BSR cần tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các vấn đề này trong thiết kế tổng thể điều chỉnh sau khi chủ trương đầu tư điều chỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Hoàng Nam
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục