Đề xuất mở rộng "hạn điền" để có những cánh đồng sản xuất lớn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một trong những vấn đề được bàn thảo, tranh luận nhiều nhất tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là có nên bỏ trần "hạn điền" (hạn mức nhận giao, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp) hay không?
ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) ĐBQH Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước)

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 14/11 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Bình Phước) thông tin, tại Điều 180, Điều 181 dự thảo Luật đã đưa 2 phương án về hạn điền: phương án 1 nới rộng nhiều hơn 10 lần so với quy định của Luật Đất đai 2013 về hạn điền (hiện là 10 lần), phương án 2 là bỏ quy định về hạn điền.

Theo vị đại biểu, cả 2 phương án này đều có những tác động tích cực và hạn chế.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, hiện nay người dân chưa được hỗ trợ trong việc tích tụ đất nông nghiệp để phát triển sản xuất, dẫn đến phát triển nông nghiệp manh mún, không cạnh tranh được trong giá thành sản phẩm.

Vì vậy, người dân muốn tăng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp lên 15-20 lần thì mới đủ điều kiện để đầu tư sản xuất, phát triển nông nghiệp.

"Như chúng ta đã biết, muốn phát triển được nông nghiệp công nghệ cao thì phải có vùng nguyên liệu, chúng ta mới truy xuất được nguồn gốc và giá trị hàng hóa mới tương ứng với thị trường. Do vậy, Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải quy định rõ hạn điền, Nhà nước cũng cần phải có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất và sản xuất lớn", đại biểu nói.

Đồng thời, đại biểu Tuấn Anh nói rằng, bỏ quy định về hạn điền để tích tụ ruộng đất là cần thiết, nhưng phải làm thận trọng và có thời gian, không nên vội vàng, bởi có thể gây ra xáo trộn, có thể gây ra hiện tượng đầu cơ tích lũy đất.

Từ đó đại biểu đề nghị, từ nay đến khi Luật được thông qua, đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, đánh giá tác động đầy đủ hơn cả 2 phương án để làm sao có cơ sở vững chắc trước khi quyết định thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Đồng quan điểm về ủng hộ tích tụ ruộng đất, Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Luật về việc mở rộng không quá 15 lần hạn mức đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái)

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái)

"Tôi cho rằng, việc nâng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo vùng định hướng phát triển của ngành nông nghiệp", ông Luận nêu quan điểm.

Tuy nhiên, vị đại biểu này đề nghị Chính phủ cần có những quy định cụ thể, rõ ràng về đối tượng, trình tự, thủ tục thực hiện, có những chính sách ưu đãi để thu hút, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm lực về vốn, công nghệ để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, nhằm khai thác tối đa tiềm lực về đất đai, tránh thất thoát, lãng phí.

Cũng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, về hạn mức sử dụng đất, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất quy định không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp, tuy cao hơn so với Luật Đất đai năm 2013 nhưng vẫn bị hạn chế.

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc)

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc)

"Nghị quyết 18 Trung ương không khống chế trần. Tại Điều 196 đề cập tới việc Nhà nước khuyến khích tích tụ đất đai. Do vậy, tôi đề nghị bỏ trần quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp", ông Tiến nói.

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ngày 7/11, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cũng đề cập câu chuyện tích tụ ruộng đất.

Vị đại biểu là Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp công nghệ cao Dabaco nói rằng, dự thảo Luật đã nâng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp; đây là quy định khá linh hoạt; tuy vậy cần xem xét mở rộng thêm hạn mức này lên 20 - 25 lần nhằm thu hút các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 18 đề ra.

Tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật này do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hôm 30/9, GS.TS Lê Minh Tâm, nguyên Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Hiệu trưởng Đại học Luật cho rằng, không nên ghi cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai mà giao cho địa phương quy định cụ thể cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tạo điều kiện để người sử dụng đất có thể tích tụ đất cho các nhiệm vụ cụ thể.


Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục