Quy mô Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (KKT Bờ Y) lên đến 70.438 ha, quy hoạch bao trọn gần như hết cả huyện Ngọc Hồi. Theo tính toán, để thực hiện được kế hoạch lớn trên, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2015 là 81.516 tỷ đồng, đến năm 2025 là trên 160.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, KKT Bờ Y sẽ trở thành khu kinh tế động lực, trung tâm Tam giác phát triển ba nước. Dự tính, đến năm 2025, Bờ Y sẽ trở thành đô thị loại II vùng biên giới. Tuy nhiên, sau 17 năm đầu tư xây dựng, tiến độ khá chậm so với quy hoạch.
Theo ông Phùng Chí Đính, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp KKT Bờ Y: “Mục tiêu đặt ra quá lớn, trong khi sau hơn 17 năm, Nhà nước chỉ đầu tư cho hạ tầng KKT hơn 1.500 tỷ đồng, tức là 10% theo quy hoạch được duyệt. Nếu tính cả vốn đầu tư xã hội thì đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, một con số rất khiêm tốn so với quy hoạch. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương điều chỉnh lại tổng thể quy hoạch chung của KKT (giảm từ 70.438 ha xuống còn khoảng 15.000 ha), Ban quản lý KKT đang tiến hành công tác điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung cho sát với điều kiện thực tiễn của KKT và tình hình của địa phương”.
Việc quy hoạch đặt ra quá nhiều mục tiêu so với khả năng đã dẫn đến việc không đáp ứng được kỳ vọng. Trước tình hình đó, tỉnh Kon Tum đã xác định lại lĩnh vực trọng điểm cần thu hút đầu tư để tạo hiệu quả cho KKT, trong đó chú trọng vào việc xúc tiến đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu, phát triển các lĩnh vực thương mại dịch vụ cửa khẩu như hệ thống kho ngoại quan, điểm tập kết kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu; các dịch vụ logistics và vận tải hàng hóa nhằm phục vụ đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Theo ông Phùng Chí Đính, mặc dù nằm ở vị trí trọng điểm ngã ba Đông Dương, tuy nhiên, KKT Bờ Y hiện nay vẫn chưa có cơ chế chính sách đặc thù nào vượt trội so với các KKT cửa khẩu biên giới đất liền khác trên cả nước. Điều này phần nào dẫn đến khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào KKT. Tại Khu kinh tế, chính sách bố trí vốn tạo mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư vẫn chưa có, các doanh nghiệp khi đầu tư vào đây phải bỏ vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trước những khó khăn trên, Ban quản lý KKT Bờ Y đã hỗ trợ nhà đầu tư bằng cách đơn giản hoá các thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khaidự án. Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ đầu tư với nhiều hình thức đầu tư mới như đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) tại KKT.
“Vừa qua, tỉnh Kon Tum cũng đã đề xuất lên Chính phủ được thành lập một khu thương mại đặc biệt nằm trong KKT Bờ Y, áp dụng quy chế đặc biệt như Khu thương mại Lao Bảo (Quảng Trị). Chính phủ cũng đã có văn bản giao Bộ Tài chínhnghiên cứu đề xuất nói trên. Nếu đề xuất được thông qua thì các hoạt động thương mại, dịch vụ và kim ngạch xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ có cơ hội tăng lên nhiều”, ông Đính cho biết.