Đề xuất hàng loạt cách tháo gỡ điểm nghẽn khi triển khai “3 tại chỗ”

0:00 / 0:00
0:00
Khi thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn liên quan việc chuẩn bị bữa ăn, thiếu hướng dẫn từ văn phòng điều hành, quy định xét nghiệm 3 ngày/lần...
Các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" kỳ vọng có thể hợp tác với các nhà hàng, khách sạn ngành du lịch đang phải tạm ngừng hoạt động trong việc cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Bếp ăn tại Co.opmart chuẩn bị suất ăn cho người dân tại khu cách ly). Các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" kỳ vọng có thể hợp tác với các nhà hàng, khách sạn ngành du lịch đang phải tạm ngừng hoạt động trong việc cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ: Bếp ăn tại Co.opmart chuẩn bị suất ăn cho người dân tại khu cách ly).

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có văn bản gửi UBND Thành phố về các khó khăn vướng mắc và kiến nghị đề xuất của doanh nghiệp sau hơn 1 ngày các doanh nghiệp triển khai hoạt động theo mô hình sản xuất 3 tại chỗ (3T).

Theo HUBA, hiện nay nhiều doanh nghiệp tuy chưa đủ điều kiện 3T đang phải tạm ngưng sản xuất, nhưng không ngừng tìm mọi cách để đáp ứng 3T nhằm tiếp tục sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một số doanh nghiệp có thể bố trí sản xuất và nghỉ ngơi tại chỗ nhưng khó khăn về việc bố trí điều kiện ăn uống tại chỗ, bởi khó bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy và vệ sinh an toàn thực phẩm cho công nhân.

Các doanh nghiệp đề xuất UBND Thành phố cho phép được hợp tác với các đơn vị nhà hàng, khách sạn ngành du lịch (đang phải ngừng nghỉ làm việc) để thực hiện cung ứng suất ăn thường xuyên cho doanh nghiệp (trong trường hợp doanh nghiệp không có điều kiện tổ chức bếp ăn tại chỗ).

Cách thức thực hiện giống như trước đây khi Thành phố đã cho phép Saigon Co.op và các khách sạn cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung.

Công tác tổ chức giao nhận đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch (nhân viên giao nhận đeo khẩu trang, kính chống tia bắn, mặc bảo hộ y tế, xét nghiệm âm tính Covid).

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HUBA cho biết, nếu được UBND Thành phố chấp thuận, điều kiện này sẽ giúp cho nhiều doanh nghiệp thực hiện được tốt yếu tố an toàn về phòng cháy chữa cháy trong sản xuất, đảm bảo chất lượng bữa ăn, sức khỏe cho người lao động, giảm tải trong công tác phục vụ công nhân và tiếp tục tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Với diễn biến liên tục thay đổi của dịch bệnh, trao đổi với baodautu.vn, ông Chu Tiến Dũng đánh giá, giải pháp 3T có thể chỉ kéo được một thời gian không dài, chủ yếu để các doanh nghiệp hoàn thành nốt các hợp đồng theo cam kết chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn về lâu dài thì bản thân chuỗi cung ứng trong nước bị đứt gãy thì cũng không thể đảm bảo cho 3T hoạt động. Nhưng ưu tiên trong giai đoạn nỗ lực chống dịch như hiện nay thì phải chấp nhận hy sinh kinh tế trong ngắn hạn.

Ngoài ra, kho bãi, vận chuyển là một phần quyết định trong việc duy trì điều kiện cho sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Hiện nay hoạt động của các kho bãi và công tác vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất và hàng hóa sản xuất ra đang gặp rất nhiều khó khăn, nhiều địa phương thuộc thành phố không cho phép các kho bãi hoạt động.

Chủ tịch HUBA cho biết, các trạm kiểm soát trong Thành phố không cho lưu thông vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa sau sản xuất đến nơi tiêu thụ, vì coi là không phải mặt hàng thiết yếu. Một số tỉnh, thành còn ban hành các quy định yêu cầu cách ly đối với người và phương tiện vận chuyển,…

Trong khi đó, nếu hoạt động kho bãi và vận chuyển lưu thông không được thực hiện thì hoạt động sản xuất của các nhà máy dù đủ 3T cũng sẽ phải ngừng sản xuất.

Vì vậy, HUBA đại diện tiếng nói của các doanh nghiệp, kiến nghị TP.HCM với vai trò hạt nhân của Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam đề nghị Chính phủ có chính sách nhất quán và chỉ đạo các tỉnh, thành thống nhất cách thực hiện, các thủ tục kiểm soát lưu thông.

Bởi hiện nay mỗi nơi áp dụng, đặt ra điều kiện khác nhau. Đây là ách tắc chính của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc thống nhất các quy định để doanh nghiệp biết cách thực hiện, tạo thuận lợi cho việc kiểm soát sự tuân thủ, có thể thực hiện việc xử phạt thật nặng hoặc đình chỉ hoạt động nếu doanh nghiệp vi phạm.

Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu thông trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 (Ảnh: Lê Toàn).
Cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ các phương tiện lưu thông trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 (Ảnh: Lê Toàn).

Thêm vào đó, ngoài nhà máy sản xuất, nhiều doanh nghiệp quy mô lớn thường phải có văn phòng điều hành ở trung tâm Thành phố để thực hiện công tác điều hành, chỉ đạo, điều phối hoạt động sản xuất, cung ứng nguyên liệu, hàng hóa, tài chính, các nguồn lực của các nhà máy tại các khu công nghiệp của Thành phố và các tỉnh.

Hoạt động sản xuất của các nhà máy không thể thiếu sự chỉ đạo, điều hành, điều phối, bảo đảm các yếu tố nguồn lực sản xuất cho nhà máy được.

Nếu văn phòng điều hành phải ngưng hoạt động thì các nhà máy cũng khó có thể hoạt động ổn định được.

Thế nên, các doanh nghiệp kiến nghị UBND Thành phố cho phép và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì văn phòng điều hành với một số lượng nhân viên tối thiểu, không vượt quá 30% (hoặc 1/3) số nhân sự thường xuyên.

Nhân sự làm việc tại văn phòng điều hành cần được cấp phép đi lại thực hiện các hoạt động tài chính, kinh doanh, hành chính thật sự cần thiết, bởi không phải tất các các hoạt động này đều có thể thực hiện qua phương thức online.

Các doanh nghiệp cam kết, chịu trách nhiệm việc tự thực hiện xét nghiệm hoặc thuê dịch vụ xét nghiệm Covid-19 thường xuyên (3 ngày 1 lần) cho nhân viên hoạt động tại văn phòng điều hành. Đồng thời, các cơ quan chức năng có thể thực hiện kiểm tra đột xuất về sự tuân thủ này của doanh nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp kỳ vọng UBND TP.HCM chỉ đạo có sự thống nhất, nhất quán cách thức đánh giá và cấp phép hoạt động cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện 3T.

Từ đó, doanh nghiệp mới có thể yên tâm hoạt động và có cơ sở pháp lý trong việc lưu thông hàng hóa, vật tư nguyên liệu được thuận lợi.

Như việc xét nghiệm nhanh cho người lao động theo quy định tại văn bản 2337/UBND-TH ngày 13/7/2021 là 7 ngày/lần. Nhưng hiện nay một số nơi, địa phương lại ban hành quy định xét nghiệm 3 ngày/lần.

Điều này dẫn đến sự không nhất quán giữa chỉ đạo của UBND Thành phố và các địa phương, cơ quan quản lý và gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Vì vậy, các doanh nghiệp kiến nghị không bắt buộc doanh nghiệp phải tổ chức xét nghiệm nhanh thường xuyên cho công nhân, chỉ quy định xét nghiệm 1 lần, bởi họ đã quản lý công nhân theo 3T không tiếp xúc bên ngoài nên không có lây nhiễm.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục