Đề xuất gia hạn thêm 12 tháng với dự án nối kênh Đáy-Ninh Cơ

0:00 / 0:00
0:00
Theo cán bộ Ban Quản lý các dự án Đường thủy, hiện dự án nối kênh Đáy-Ninh Cơ đạt khoảng 44% sản lượng, tiến độ được kiểm soát theo tuần và đang được đẩy nhanh để hoàn thành vào giữa năm 2023.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có động thái xin gia hạn hiệp định vay vốn thêm 12 tháng đối với Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+). Bộ Giao thông Vận tải vừa có động thái xin gia hạn hiệp định vay vốn thêm 12 tháng đối với Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Dự kiến đến tháng 6/2022, Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ (Dự án WB6) do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan ảnh hưởng đến tiến độ dự án nên Bộ Giao thông Vận tải vừa có động thái xin gia hạn hiệp định vay vốn thêm 12 tháng.

Lý do ảnh hưởng đến tiến độ dự án mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong công văn số 1100/BGTVT-KHĐT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư là việc kéo dài thời gian do phải đấu thầu lại; ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thời tiết mưa lớn kéo dài bất thường của năm 2021 dẫn đến như sự cố sạt lở mái dốc, phải rà soát, điều chỉnh lại thiết kế và trình tự thi công tổng thể các hạng mục.

Cụ thể, văn bản do Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang ký nêu rõ: việc lựa chọn nhà thầu được bắt đầu từ quý 1 năm 2020, nhưng do tất cả các nhà thầu đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu đều chào giá vượt giá gói thầu được phê duyệt.

Do đó, theo quy định của pháp luật phải tổ chức đấu thầu lại, đến tháng 2/2021, Ban Quản lý các dự án đường thủy (đại diện chủ đầu tư) mới hoàn thành lựa chọn nhà thầu của tất cả các gói thầu xây lắp của dự án.

Do rủi ro của việc đấu thầu lại nên thời gian còn lại để thực hiện các hợp đồng phải rút ngắn từ 22 tháng xuống còn 16 tháng.

Về ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thời tiết, Bộ Giao thông Vận tải cho hay, ảnh hưởng của đại dịch dẫn đến áp dụng các đợt giãn cách xã hội đã làm cho việc huy động nhân sự, máy móc và vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ thi công trên công trường rất khó khăn. Hầu hết các nhà thầu và cán bộ Ban Quản lý các dự án đường thủy không thể tiếp cận công trường.

Ngoài ra, thời tiết tại khu vực Nam Định năm 2021 có mưa lớn bất thường dẫn đến không thể thi công. Cụ thể từ tháng 7-10/2021 lượng mưa tích lũy trong khoảng thời gian này lên tới 1.200mm; trong đó, có tháng 9/2021 là tháng xảy ra mưa nghiêm trọng nhất dẫn tới nhiều ngày công trường phải tạm dừng thi công...

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn dự án, tác động của dịch COVID-19 và thời tiết đã ảnh hưởng (làm chậm) tiến độ xây dựng lắp của dự án khoảng ba tháng.

Về sự cố kỹ thuật trên công trường, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, trong quá trình thi công tác đào đất, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã dẫn đến sạt lở mái dốc hố đào và phải điều chỉnh trình tự thi công các hạng mục công trình. Điều này dẫn đến cần phải kéo dài tiến độ thêm sáu tháng.Mặc khác, cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ có lắp đặt hệ thống cơ khí cửa âu và các hệ thống điều khiển điện liên quan. Sau lắp đặt sẽ cần thời gian khoảng hai tháng để vận hành, chạy thử, hiệu chỉnh và đào tạo hướng dẫn vận hành.

Ngoài ra, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng đường ống nước sạch đã dẫn đến chậm một trong năm gói thầu của dự án, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.

"Trên cơ sở đó, nhà thầu, tư vấn giám sát, Ban Quản lý các dự án đường thủy đã tính toán đề xuất điều chỉnh tiến độ tổng thể của công trình và đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và Hiệp định vay vốn đến 30/6/2023 (kéo dài thêm 12 tháng)," văn bản Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Với lý do nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ xem xét ý kiến Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ em xét chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư từ 30/6/2022 đến ngày 30/6/2022.

Văn bản do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang ký cũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh này không tăng tổng mức đầu tư và các chi phí phát sinh khác... của chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2094/QĐ-TTg ngày 02/11/2016 và Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 11/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn Dự án WB6.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý các dự án đường thủy, sau khi Bộ Giao thông Vận tải có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vấn đề kéo dài thực hiện dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản gửi Bộ Tài chính xin ý kiến về vấn đề này.

Đến nay, Bộ Tài chính đã có công văn phúc đáp (văn bản số 2331/BTC-QLN); trong đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh: "Trường hợp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gia hạn, Bộ Giao thông Vận tải rà soát, làm rõ nguyên nhân chậm trễ trong triển khai, đẩy nhanh thủ tục và xây dựng lộ trình khả thi đảm bảo hoàn tất đầu tư trước ngày 30/6/2023.

Trường hợp chưa hoàn thành sau ngày 30/6/2023, đề nghị hủy bỏ số vốn vay WB chưa sử dụng và Bộ Giao thông Vận tải bố trí nguồn vốn khác cho các hạng mục chưa hoàn thành."

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo khả năng cân đối kế hoạch vốn nước ngoài và đối ứng cho dự án. Trường hợp việc kéo dài thời gian đến ngày 30/6/2023 làm phát sinh thêm chi phí vốn đối ứng, đề nghị làm rõ nguồn bố trí và cân đối trong phạm vi kế hoạch đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải.

Về phía Ngân hàng Thế giới (WB), trong thư gửi Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính ngày 10/5 vừa qua, WB đã xác nhận về việc hoàn thành ba điều kiện mà WB đưa ra trước đó để WB xem xét gia hạn hiệp định. Theo đó, có điều kiện là hoàn thành di dời đường ống cấp nước của Công ty Mai Thanh đi qua dự án; dự án phải kết thúc ngày 30/6/2023.

Hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ đạt khoảng 44% sản lượng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).
Hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy-Ninh Cơ đạt khoảng 44% sản lượng. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+).

Đặc biệt, việc kéo dài thời gian cần được WB phê duyệt trước 30/6/2022. Để đảm bảo điều này cần có thư của Bộ Tài chính gửi WB trước ngày 15/6/2022 chính thức đề nghị gia hạn thời gian hiệp định tín dụng.

Liên quan đến tiến độ triển khai dự án, trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Nguyễn Quang Nhung, Trưởng Văn phòng điều hành hiện trường (Ban Quản lý các dự án Đường thủy) cho biết, cụm công trình nối kênh Đáy-Ninh Cơ gồm 5 gói thầu xây lắp: xây dựng cầu vượt kênh nối Đáy-Ninh Cơ, xây dựng đầu âu tường dẫn và tường chắn, công tác đất và xây dựng buồng âu, kênh dẫn và kè bảo vệ bờ.

"Thời gian vừa qua, dự án đẩy nhanh thi công ba ca, bốn kíp để tranh thủ thời tiết thuận lợi, cũng như lấy lại tiến độ bị chậm trễ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và sự cố sạt trượt đất (đến nay đã được xử lý).

Hiện dự án đạt khoảng 44% sản lượng. Tiến độ được kiểm soát theo tuần và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành vào giữa năm 2023," ông Nguyễn Quang Nhung chia sẻ.

Dự án WB6 có tổng mức đầu tư hơn 107 triệu USD, vốn vay WB và đối ứng trong nước. Các hạng mục chính gồm: đào tuyến kênh dài gần 1km nối sông Đáy và sông Ninh Cơ đáp ứng phương tiện thủy chở hàng trọng tải 2.000 tấn đủ tải và 3.000 tấn giảm tải lưu thông, trên kênh có âu tàu để kết hợp phục vụ giao thông thủy và ngăn mặn; xây dựng cầu bêtông cốt thép có tĩnh không 15m thuộc Tỉnh lộ 490C.

Dự án nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện tiện thủy từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục