Đề xuất có quỹ hỗ trợ người lao động khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội một lần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đại biểu Quốc hội cho rằng, để giữ chân người lao động ở lại với chính sách dân sinh như bảo hiểm xã hội (BHXH) thì cần có giải pháp tổng thể hỗ trợ họ trong giai đoạn khó khăn, để họ không phải chọn giải pháp rút BHXH một lần.
Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) phát biểu tại Hội trường sáng 27/5. Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) phát biểu tại Hội trường sáng 27/5.

Ngày 27/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Quốc hội dành ngày làm việc đầu tiên của tuần làm việc thứ hai để bàn về những ý kiến khác nhau đối với dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp này.

Một trong những vấn đề "nóng" nhất, được nhiều đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến nhất là sửa quy định về rút BHXH một lần sao cho vừa đảm bảo tính ưu việt của chính sách an sinh xã hội vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Tại dự thảo lần này, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định hai phương án về rút BHXH một lần.

Phương án một là phân loại hai nhóm lao động để giải quyết rút BHXH một lần. Người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) sau 12 tháng nghỉ việc và có nhu cầu thì được rút. Người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần, trừ trường hợp theo quy định.

Phương án hai là lao động được giải quyết 50% tổng thời gian đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu trong hệ thống để sau này hưởng chế độ. Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm dưới 20 năm mà sau 12 tháng không thuộc diện tham gia khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện, muốn rút một lần

Cần có giải pháp tổng thể bảo vệ người lao động

Đóng góp ý kiến về nội dung này, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đề xuất lựa chọn phương án 1, vì phương án này cơ bản bảo đảm kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và không tạo ra sự xáo trộn trong xã hội; đồng thời hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần như thời gian qua, góp phần giúp tăng số người được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy thông qua tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động để họ vượt qua khó khăn trong giai đoạn mất việc làm, như tín dụng ưu đãi, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động để giảm thiểu tình trạng người lao động chọn rút BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí về sau.

"Người lao động rút BHXH một lần có nhiều lý do, như mức lương thấp, không đảm bảo được cuộc sống tối thiểu, hoàn cảnh khó khăn, chưa tin tưởng vào quyền lợi mà BHXH mang lại hay do áp lực về việc làm, lo lắng bị doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng sớm không thể đợi đến ngày về hưu. Do vậy, cần nghiên cứu có các quy định và giải pháp tổng thể để bảo vệ quyền lợi của người lao động để phù hợp với thực tiễn và nguyên lý của bảo hiểm xã hội", bà Hương nhấn mạnh.

Cần tham khảo các nước quy định về vấn đề rút BHXH một lần

Bàn về vấn đề này, đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) cũng cho rằng, hai phương án được đưa ra trong dự thảo luật đều chưa phải là những phương án tối ưu vì chưa giải quyết được triệt để tình trạng rút BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao.

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình)

Theo Báo cáo BHXH Việt Nam, đến năm 2023 số người tham gia BHXH là 39,25% so với lực lượng lao động trong độ tuổi và có bảo hiểm thất nghiệp tỷ lệ 31,52%. Nhưng, số người hưởng các chế độ bảo hiểm cũng đều tăng, trong đó tính đến ngày 31/12/2023 số người nghỉ việc hưởng BHXH một lần tăng 20,58%.

"Điều này có nghĩa hàng triệu người lao động bị ra khỏi lưới an sinh và không được đảm bảo cuộc sống sau này", bà Thu nhấn mạnh.

Theo đại biểu, để đảm bảo mục tiêu nguyên lý của BHXH là đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động và hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện thì phương án một cơ bản đảm bảo tính kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội và hạn chế được tình trạng một số bộ phận người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần trong thời gian qua.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nếu chọn phương án 1 cần có giải pháp để khắc phục các hạn chế đã nêu trong Báo cáo 840 và về lâu dài cũng cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế và lương hưu khi về già.

Ngoài ra, việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình trạng phát triển kinh tế, xã hội cũng như lao động, việc làm. Bà Thu đề xuất cần tham khảo thêm các nước nước đã áp dụng các xu thế này cho phù hợp với hiện tại và lâu dài.

Đề xuất cho lao động thất nghiệp vay không lãi hoặc lãi suất thấp

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM, Phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM) cho rằng, cả hai phương án đều không ổn. Vấn đề mấu chốt hiện nay là chưa có chính sách chăm lo cho người lao động khiến họ muốn rút BHXH một lần để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Khi bản thân hoặc gia đình ốm đau, nhiều người phải nhắm mắt vay tiền xã hội đen nên cần cân nhắc khi không cho người lao động được quyền lựa chọn rút BHXH một lần.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng cả hai phương án cho người lao động rút BHXH quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đều không ổn.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng cả hai phương án cho người lao động rút BHXH quy định tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đều không ổn.

Nhằm hạn chế ồ ạt rút BHXH một lần, đại biểu đoàn TP.HCM đề xuất giao BHXH phối hợp với Ngân hàng Chính sách hỗ trợ cho người lao động được vay không lãi suất hoặc lãi suất rất thấp. Mức vay tối đa bằng số tiền họ được hưởng nếu rút BHXH một lần và đây sẽ như một sự đảm bảo cho khoản vay.

"Thủ tục vay vốn phải rất đơn giản, không cần chứng minh tài sản, thu nhập. Nếu người lao động không đồng ý vay thì nên cho họ được rút BHXH một lần để chi tiêu cho cuộc sống", bà Hạnh nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Phó trưởng đoàn Bến Tre) cũng đề nghị cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi cho người lao động mất việc làm, bệnh tật, để họ vượt qua khó khăn trước mắt.

Cần có quỹ cho người lao động khó khăn vay như cho học sinh vay du học

Ủng hộ quan điểm của đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, cả 2 phương án đều có những mặt lợi và mặt chưa lợi.

Thực tiễn cho thấy là không nhiều người muốn rút khỏi thị trường lao động khi mình đang còn tuổi, còn sức khỏe, họ chỉ rút khi không còn sự lựa chọn nào khác. Tuy nhiên, trong cuộc sống có những phát sinh khó khăn, buộc họ phải có một khoản kinh phí để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM)

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP.HCM)

"Bài toán đặt ra là làm thế nào để giữ chân người lao động trong hệ thống an sinh xã hội? Phương án 2 là cho rút một phần. Vậy còn giải pháp nào không? Theo tôi vẫn còn, đó là có thể có một nguồn quỹ nào đó cho họ vay để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời điểm hiện tại và khi họ trở lại thị trường lao động thì họ đi làm lại và có thể trả khoản nợ này, giống như chúng ta cho sinh viên vay để đi học", bà Yến đề xuất.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung ghi nhận những ý kiến đóng góp của ĐBQH cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Về vấn đề quy định đối với việc hưởng BHXH một lần, Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với các đại biểu Quốc hội rằng cần nhiều giải pháp để hộ trợ người lao động gặp khó khăn, giúp họ không phải chọn giải pháp rút BHXH một lần.

"Trong đó có giải pháp hỗ trợ về tín dụng, về gói hỗ trợ khác...; nhưng những hỗ trợ này không thể đưa vào Luật Bảo hiểm Xã hội mà phải ở các văn bản luật khác", người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội giải thích.

Năm 2024 dự báo sẽ có khoảng 1,4 triệu người rút BHXH một lần

Đến tháng 4/2024, số người nghỉ việc hưởng BHXH một lần cao nhất từ trước đến nay. Dự báo nếu theo đà này thì đến năm 2024, ước có khoảng 1,4 triệu người hưởng BHXH một lần.

Ở giai đoạn 2016 đến 2021, trung bình mỗi năm chỉ có hơn 700.000 người và riêng năm 2022 có gần 900.000 người hưởng BHXH một lần. Trong khi mục tiêu của Nghị quyết 28 đặt ra tỷ lệ bao phủ đạt 45% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và bảo hiểm thất nghiệp đạt 35%.

(Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục