Công ty chứng khoán cần có thông tin tín dụng để kiểm soát rủi ro
Thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi) trong dự án Luật sửa đổi bổ sung 7 luật về tài chính sáng 7/11, đại biểu Phạm Đức Ấn (đoàn TP Hà Nội) đồng thuận với chủ trương sửa đổi Luật Chứng khoán lần này, với quan điểm thị trường chứng khoán an toàn sẽ là một kênh "chia lửa" cho thị trường tín dụng.
Bởi vì, tỷ trọng tín dụng trên GDP của Việt Nam đang là một trong những nước cao nhất thế giới. Trong khi đó, hiện nay các khách hàng tham gia vay ký quỹ ở rất nhiều tổ chức chứng khoán khác nhau và một chứng khoán có thể được cầm cố tại rất nhiều tổ chức chứng khoán khác nhau, trong trường hợp cần phải xử lý chứng khoán đó có thể dẫn đến rủi ro.
Dẫn số liệu thống kê mới nhất, đại biểu cho biết, tỷ trọng cho vay cầm cố tại các công ty chứng khoán đã lên đến 230.000 tỷ đồng, đòi hỏi phải có chính sách quản lý mới.
Từ đó, đại biểu đề nghị: "Cần áp dụng tại các công ty chứng khoán tương tự như hệ thống ngân hàng là có phòng thông tin tín dụng. Các công ty chứng khoán cần có những thông tin liên quan tương tự như thông tin tín dụng. Điều này nên giao quyền cho Bộ Tài chính thiết lập bộ phận này để đảm bảo tính minh bạch và các công ty chứng khoán có thể dựa trên đó để nắm được thông tin, quản lý rủi ro của mình".
Đảm bảo tính hiệu quả của việc xếp hạng tín nhiệm
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nhìn nhận, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật quy định việc bổ sung điểm g khoản 3 Điều 15 của luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và xếp hạng tín nhiệm là cần thiết.
Tuy nhiên, việc xếp hạng tín nhiệm, theo đại biểu cần phải thực hiện rõ ràng để đảm bảo tính hiệu quả. Vì vậy, bà Mai đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và quy định tại các văn bản dưới luật về các tiêu chuẩn, tiêu chí để xếp hạng tín nhiệm sao cho phát huy được hiệu quả cũng như thực chất về xếp hạng tín nhiệm.
|
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) |
Tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng chứng khoán chào bán riêng lẻ từ 1 lên 3 năm là không cần thiết
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán (quy định tại khoản 8 Điều 1 của dự thảo), đại biểu cho rằng ban soạn thảo đề xuất tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu chào bán riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền chào bán riêng lẻ bị hạn chế tối thiểu từ 1 lên 3 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, theo bà Mai là chưa thật sự phù hợp.
Lý do là trái phiếu chào bán riêng lẻ, đặc biệt là các loại trái phiếu do các doanh nghiệp chưa niêm yết phát hành là một loại sản phẩm có mức độ rủi ro cao, mặc dù pháp luật của một số quốc gia trên thế giới không cấm nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân tham gia thị trường này, nhưng trên thực tế, hoạt động giao dịch mua, bán, đầu tư trái phiếu riêng lẻ thường chỉ được thực hiện giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như các công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư và các ngân hàng đầu tư.
Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm về chính sách trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đồng thời với việc hoàn thiện, thống nhất các quy định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp của công ty đại chúng và công ty không phải là đại chúng để thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Cụ thể, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng (khoản 2 Điều 1) là bổ sung "ngoại trừ chào bán cho các cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu thì không phải đạt tỷ lệ tối thiểu 70% số cổ phiếu được chào bán trong trường hợp chào bán ra công chúng nhằm mục đích huy động phần vốn để thực hiện dự án của tổ chức phát hành".
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định (khoản 3 Điều 1) chào bán trái phiếu ra công chúng: "điều kiện chào bán trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc được bảo lãnh ngân hàng theo quy định của pháp luật, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định của Chính phủ".
Về đình chỉ và hủy bỏ đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ (quy định tại khoản 9 Điều 1), đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, việc bổ sung quy định này là cần thiết, tuy nhiên cần rà soát xây dựng và giao Chính phủ quy định trình tự, trách nhiệm của tổ chức phát hành bị đình chỉ, chế tài và trách nhiệm đối với nhà đầu tư, đồng thời quy định điều kiện khắc phục để không bị đình chỉ hoặc chấm dứt việc đình chỉ.
Cân nhắc quy định doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ khi mua cổ phiếu của người lao động
Tại phiên thảo luận, đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP. Hồ Chí Minh) phản ánh, quy định giảm vốn điều lệ của doanh nghiệp khi mua lại cổ phiếu của chính mình (tại khoản 5 và khoản 6 của Điều 36 Luật Chứng khoán hiện hành) áp dụng cho cả các trường hợp mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp là không hợp lý.
Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy quy định này làm phát sinh nhiều thủ tục và gây khó khăn cho doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý.
|
Đại biểu Đỗ Đức Hiển (đoàn TP.HCM) |
Thứ nhất, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thường có chủ trương phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Đồng thời, theo thông lệ những cổ phiếu này sẽ được doanh nghiệp mua lại trong một số trường hợp như người lao động nghỉ việc trước thời hạn hoặc vi phạm quy chế phát hành.
Như vậy, việc mua lại cổ phiếu của người lao động là ngoài ý muốn của doanh nghiệp, nhưng khi mua lại cổ phiếu để bảo đảm công bằng cho người lao động và bảo đảm phù hợp với quy định thì doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ trong khi doanh nghiệp không có chủ trương này.
Thứ hai, do phải thực hiện giảm vốn điều lệ sau khi thực hiện mua lại cổ phiếu của người lao động, doanh nghiệp phải báo cáo đại hội đồng cổ đông thường niên để được thông qua việc giảm vốn điều lệ và phải làm các thủ tục giảm vốn điều lệ như ghi giảm vốn điều lệ trong báo cáo tài chính, thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thậm chí có trường hợp làm cho tỷ lệ sở hữu nước ngoài tăng vượt quá mức cho phép.
Thứ ba, đối với cơ quan quản lý, giám sát thì phải có trách nhiệm cấp lại giấy đăng ký doanh nghiệp, phải giám sát việc mua cổ phiếu, giảm vốn điều lệ, đảm bảo tuân thủ quy định và được đại hội đồng thông qua.
"Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cắt giảm các thủ tục, chi phí tuân thủ không cần thiết theo đúng chủ trương cải cách hành chính, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 36 của Luật Chứng khoán theo hướng không quy định bắt buộc doanh nghiệp phải giảm vốn điều lệ khi mua lại cổ phiếu của người lao động trong doanh nghiệp", đại biểu Đỗ Đức Hiển đề nghị.