Chính phủ vừa gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đây là nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào cuối giờ sáng 13/2 và được trình Quốc hội vào sáng 15/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ chín.
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất thí điểm đối với 4 nhóm chính sách về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Gồm chính sách về tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước; cơ chế hoạt động của tổ chức công lập và nhân lực trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Chính sách tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư, đầu tư công, đấu thầu phục vụ các hoạt động chuyển đổi số quốc gia, phát triển hạ tầng 5G, phát triển công nghiệp công nghệ số. Chính sách về thử nghiệm có kiểm soát, trong đó có các quy định mới (đối với vệ tinh quỹ đạo tầm thấp-LEO) và các sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số, mô hình kinh doanh mới để thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, giải phóng, khơi thông nguồn lực để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Mỗi nhóm chính sách lại có nhiều quy định cụ thể. Trong các chính sách thí điểm gỡ khó về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chính phủ đề xuất quy định viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia góp vốn, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do tổ chức đó thành lập hoặc tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do tổ chức đó tạo ra khi được sự đồng ý của người đứng đầu tổ chức.
Bổ sung quy định miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại cho Nhà nước trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, không phải trả lại kinh phí đã sử dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Dự thảo quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng. Quy định nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ. Theo đó, kinh phí nhà nước cấp hằng năm cho quỹ khoa học và công nghệ bao gồm kinh phí cho các nhiệm vụ mở mới và chuyển tiếp, được cấp bằng lệnh chi tiền vào tài khoản tiền gửi của quỹ tại Kho bạc nhà nước. Đồng thời, dự toán dành cho các nhiệm vụ mở mới được xác định dựa trên cơ sở dự kiến số lượng và kinh phí trung bình của các nhiệm vụ sẽ được phê duyệt trong năm kế hoạch.
Với ưu đãi thuế, dự thảo quy định các khoản thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập khác từ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước là các khoản thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Chính phủ cũng đề xuất các khoản đầu tư, tài trợ của doanh nghiệp cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý, hợp lệ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Về chuyển đổi số, dự thảo quy định các dự án đầu tư các tuyến cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển có trạm cập bờ tại Việt Nam mà doanh nghiệp viễn thông tham gia góp vốn hoặc là chủ đầu tư được áp dụng quy trình thủ tục quy định cho dự án đầu tư tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đầu tư.
Dự thảo cũng quy định chính sách cho phép thí điểm thử nghiệm có kiểm soát mô hình đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài. Việc cho phép triển khai mô hình kinh doanh dịch vụ có hạ tầng mạng không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt ra các vấn đề về bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chính phủ đề xuất giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các yêu cầu, điều kiện triển khai thí điểm cụ thể về bảo đảm quốc phòng, an ninh mà doanh nghiệp phải tuân thủ khi thực hiện thí điểm.
Dự thảo cũng quy định các biện pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới ứng dụng vào các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội thông qua cơ chế thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số; xác định mục tiêu; nguyên tắc xét duyệt; điều kiện, tiêu chí; cơ quan có thẩm quyền cho phép thử nghiệm; thời gian, không gian thử nghiệm; các trường hợp kết thúc thử nghiệm; bảo vệ quyền người sử dụng trong và sau thử nghiệm; trách nhiệm của các bên liên quan; miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm.
Ngoài ra, Chính phủ còn đề xuất quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu triển khai Nghị quyết xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.