Đề xuất “bêu” tên doanh nghiệp trốn lên sàn, UBCK nói gì?

(ĐTCK) Để xử lý các DN “trốn” lên sàn, ngoài bổ sung chế tài vào dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) còn đang tính toán thêm một số giải pháp “mềm”.
Đề xuất “bêu” tên doanh nghiệp trốn lên sàn, UBCK nói gì?

Hứa nhưng không lên sàn

Trong số hàng nghìn DN đã đăng ký là công ty đại chúng với UBCK, nhưng đến nay chưa niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, có hàng trăm công ty hình thành từ cổ phần hóa DNNN. Có những DN đã cổ phần hóa cách đây nhiều năm như: Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)… nhưng chưa lên sàn và cũng chưa thể xác định thời điểm, bất chấp sự thúc giục của cổ đông.

Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã từng có công văn gửi tới nhiều đời Bộ trưởng Bộ Công thương, mới đây nhất là gửi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị thúc đẩy Sabeco và Habeco niêm yết, nhưng đến nay chưa có động thái nào cho thấy hai “ông lớn” này sẽ lên sàn sau hơn 8 năm cổ phần hóa.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016 mới đây, HĐQT Sabeco không trình đại hội thảo luận phương án lên sàn và nhận được sự chất vấn của cổ đông: bao giờ cổ phiếu của Sabeco được niêm yết trên TTCK, bởi qua 2 lần thay đổi Chủ tịch HĐQT chỉ thấy hứa, chứ chưa thành hiện thực?

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Sabeco cho biết: “Chúng tôi muốn sớm được niêm yết để tăng thanh khoản cho giao dịch cổ phiếu của cổ đông. Tuy nhiên, việc niêm yết cần cân nhắc tới rất nhiều yếu tố. Niêm yết vào thời điểm nào để đảm bảo giữ thương hiệu và có giá trị cao nhất cho cổ phiếu, mang lại lợi ích cao nhất cho tất cả các cổ đông. “Về phía Tổng công ty, chúng tôi khẳng định mong muốn niêm yết, nhưng niêm yết như thế nào, vào thời điểm nào, thì Sebeco không tự quyết định được và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố…”, ông Hà giải thích.

Không chỉ các DN sau cổ phần hóa nhiều năm chưa lên sàn, nhiều “ông lớn” chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) gần đây cũng bị cổ đông “hỏi thẳng” vì sao chậm lên sàn. Tại ĐHCĐ thường niên năm 2016 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- CTCP (ACV), các cổ đông đại diện cho Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital và Công ty TNHH Đầu tư SCIC đề nghị Ban lãnh đạo ACV làm rõ kế hoạch lên sàn. Đại diện ACV cho biết, việc đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ không muộn hơn cuối tháng 6, đầu tháng 7/2016. ACV cũng dự kiến thực hiện niêm yết theo đúng quy định.

UBCK nói gì?

Việc các DN chậm lên sàn là không tuân thủ quy định tại Quyết định 51/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN. Bởi vậy, trước ý kiến đề nghị UBCK cần công khai danh sách các DN vi phạm quy định về tuân thủ thời hạn lên sàn để tạo sức ép đối với DN, đại diện UBCK cho biết, UBCK đang rà soát lại danh sách chi tiết các DN thuộc diện này. Trên cơ sở đó, UBCK cân nhắc đưa ra phương án yêu cầu DN giải trình rõ lý do chậm lên sàn để có hướng xử lý, trong đó có tính đến công khai danh sách các DN sau khi đã nhắc nhở, khuyến nghị, nhưng không tuân thủ quy định về thời hạn lên UPCoM hoặc niêm yết trên HOSE và HNX.

Ngoài giải pháp trên, đại diện UBCK cho hay, dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán được ban hành và đưa vào áp dụng tới đây sẽ có chế tài mạnh để xử lý hành vi không đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán, hoặc thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán không đúng thời hạn theo quy định. Khi đó, sẽ tạo chuyển biến rõ nét trong xử lý các DN chậm lên sàn như hiện tại.           

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục