Để vốn xanh chảy mạnh

(ĐTCK) Thực thi ESG đang được các ngân hàng Việt Nam chú trọng trong chiến lược phát triển. Trong đó, thúc đẩy dòng vốn tín dụng vào các dự án xanh, dự án bền vững là một trụ cột.
Tại SHB, dư nợ tín dụng xanh hiện đạt 50.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ.

Nắn dòng vốn vào lĩnh vực xanh

Với đặc điểm nội tại của nền kinh tế Việt Nam, là một trong các nước có tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP cao trên thế giới, nguồn vốn tín dụng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hội thảo “ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 19/11 vừa qua, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong xu hướng phát triển bền vững, các ngân hàng đang nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh, nắn dòng vốn vào các lĩnh vực thân thiện với môi trường.

Số liệu được đại diện NHNN đưa ra, tính đến ngày 30/9/2024, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Các tổ chức tín dụng đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

Từ phía ngân hàng, bà Lê Mai, Giám đốc Quan hệ khách hàng kiêm Giám đốc quốc gia về tài trợ bền vững, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khẳng định, tài trợ bền vững hay ESG là vấn đề quan tâm hàng đầu của Ngân hàng.

Trên quy mô toàn cầu, Standard Chartered cam kết giải ngân 300 tỷ USD đến năm 2030 cho tài trợ bền vững và tính đến năm 2023, Ngân hàng đã giải ngân 87,2 tỷ USD. Tại Việt Nam, Standard Chartered đang thúc đẩy để giải ngân nhiều hơn nữa cho tín dụng xanh.

“Nhu cầu vốn đầu tư lên đến 4.000 tỷ USD để các thị trường đang phát triển và phát triển đạt mục tiêu phát triển bền vững của mình. Nếu chỉ dựa vào tài chính công sẽ không đủ, mà cần đến nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Tăng trưởng tín dụng xanh rất tiềm năng để góp phần thúc đẩy phát triển bền vững”, bà Mai thông tin.

Chia sẻ kết quả triển khai ESG tại SHB, bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quốc tế - Ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho biết, với tầm nhìn trở thành ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực phát triển bền vững tại Việt Nam, SHB tích hợp các tiêu chuẩn ESG vào mọi hoạt động. Ngân hàng luôn chủ động phát triển sản phẩm, đầu tư cho vay các dự án thuộc các lĩnh vực xanh.

Tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh chiếm 10% tổng dư nợ cấp tín dụng (gần 50.000 tỷ đồng) và đã tham gia vào các dự án phát triển bền vững của các tổ chức phát triển quốc tế (nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng).

Trong khi đó, tại LPBank, ông Hồ Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng cho biết: “LPBank mong muốn chung tay cùng Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế không phát thải ròng vào năm 2050. Trong việc hỗ trợ mục tiêu này, Ngân hàng xác định vai trò và trách nhiệm của mình về hoạt động kinh doanh, song hành cùng kiến tạo giá trị cho xã hội, bảo vệ môi trường, đóng góp cho sự phát triển của một nền kinh tế xanh, xây dựng một tương lai bền vững cho thế hệ tiếp nối”.

Nhìn nhận về thực hành ESG trong ngành ngân hàng, bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam) cho rằng, các ngân hàng đã thực hiện chữ G (Quản trị) rất tốt, các yếu tố E (Môi trường) và S (Xã hội) khó hơn nhưng đang dần được gỡ khó và gỡ vướng.

Để vốn xanh chảy mạnh hơn

Thực tế, dù tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng trên dư nợ tín dụng vào lĩnh vực xanh mới chiếm hơn 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, thúc đẩy “xanh hóa” hoạt động ngân hàng, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, bà Hà Thu Giang cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng, cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành, các đơn vị liên quan.

Theo đó, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.

NHNN cũng kiến nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong việc thực thi ESG, dần tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ các ngành xanh, từ thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường cho đến quy hoạch, chiến lược phát triển… của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về tiêu chí môi trường đối với dự án đầu tư được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quốc tế SHB nhấn mạnh, việc triển khai ESG đem lại nhiều cơ hội cho các ngân hàng thương mại Việt Nam, bao gồm việc thu hút vốn đầu tư và gia tăng uy tín thương hiệu, nhưng cũng đặt ra những thách thức liên quan đến chi phí đầu tư ban đầu, sự thay đổi về quy định và các yêu cầu quản trị chặt chẽ từ các nhà đầu tư và đối tác quốc tế.

Do đó, các ngân hàng cần có chiến lược cụ thể để tận dụng các cơ hội và giảm thiểu các rủi ro tiềm tàng.

Theo đại diện SHB, để thực hành ESG trong ngân hàng hiệu quả, cần nhiều yếu tố. SHB kiến nghị Chính phủ và NHNN xây dựng một bộ khung quy định cụ thể về ESG, bao gồm các tiêu chí đánh giá và yêu cầu báo cáo minh bạch, để hướng dẫn các ngân hàng trong quá trình triển khai ESG. NHNN cần yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính công bố báo cáo ESG định kỳ, đảm bảo tính minh bạch và khả năng so sánh giữa các ngân hàng; ban hành cơ chế khen thưởng, khuyến khích các tổ chức tín dụng đạt kết quả tốt.

Các chính sách, chương trình hỗ trợ tài chính cũng cần được thực hiện để khuyến khích tài chính xanh và các sản phẩm bền vững. Đồng thời, với vai trò điều phối và giám sát, NHNN cần xây dựng các cơ chế giám sát cụ thể để đảm bảo việc thực thi ESG của các ngân hàng, từ đó có thể đánh giá mức độ tuân thủ và hiệu quả triển khai của từng ngân hàng.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục