Để vốn vào TTCK, phải cải thiện niềm tin

(ĐTCK) Trò chuyện với ĐTCK nhân dịp Tết đến Xuân về, Dominic chia sẻ kỳ vọng vào sự cải cách thực sự của Việt Nam trong thời gian tới.
Để vốn vào TTCK, phải cải thiện niềm tin

Nền kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn trong mấy năm qua, nhất là với các quỹ đầu tư nước ngoại tại Việt Nam, nhưng dường như tâm huyết của ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital dành cho Việt Nam vẫn đong đầy, với bao trăn trở và kỳ vọng.

Thưa ông, con số thu hút ròng 300 triệu USD vốn nước ngoài vào TTCK năm vừa qua có đáng lạc quan?

Vốn ròng vào TTCK từ khối ngoại năm qua là 300 triệu USD, nhưng riêng các quỹ ETF đã thu hút 450 triệu USD. Như vậy, có tới 150 triệu USD đã đi ra. Vốn thu hút được là vốn ETF cực kỳ ngắn hạn, còn vốn mất dần là vốn trung và dài hạn. Cụ thể là vốn ở các quỹ đóng đang vơi dần. Vì sao lại có hiện tượng này? Vì ban đầu Việt Nam đã huy động được nhiều quá nên phải có quá trình để giảm bớt, hay Việt Nam không còn thu hút dạng vốn đó được?

Thị trường trái phiếu đã không thực hiện được vai trò là một kênh huy động vốn dài hạn cho các DN, đặc biệt là nguồn vốn dài hạn từ NĐT nước ngoài, mà nguyên nhân là kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, lạm phát còn cao, quy mô thị trường còn nhỏ và tính thanh khoản kém. Trong khi đó, ở một số nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Thái Lan, thị trường trái phiếu vẫn thu hút nguồn vốn lớn từ NĐT nước ngoài, dù lãi suất trái phiếu ở các nước đó đã giảm, chỉ bằng 1/3 so với Việt Nam.

Điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài là vốn đầu tư chiến lược vào các DN. Chỉ riêng thương vụ đầu tư vào Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTG) mới đây đã gấp hơn hai lần vốn vào TTCK. Tuy chưa có con số đầy đủ, nhưng dễ nhận thấy là vốn của NĐT chiến lược phát triển khá nhanh và thuận lợi. Nguồn vốn góp tư nhân, dạng vốn đầu tư trung và dài hạn này chưa được khai thác nhiều. Nói chung, tình hình thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài của Việt Nam chưa sáng sủa lắm.

 

Có thể là do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới nên việc huy động vốn vào TTCK Việt Nam khó khăn hơn. Nhưng lý do này có vẻ không đúng khi nhìn sang các nước trong khu vực?

Đúng thế. Trong 2 năm nay, các nước ASEAN thu hút được vốn đầu tư nước ngoài rất lớn. Chỉ số chứng khoán của Thái Lan năm ngoái tăng 35%. P/E cổ phiếu thị trường Philippines vào khoảng 17 lần. NĐT quốc tế quan sát khá kỹ và nhiệt tình đầu tư vào các nước trong khu vực, còn TTCK Việt Nam lại không thu hút được nhiều. Nguyên nhân chủ quan của Việt Nam là chính, chứ không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan.

 

Ông nhận định thế nào về triển vọng TTCK và nền kinh tế nói chung trong năm 2013 này?

Năm 2012, Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể theo 3 nhóm giải pháp chính là tái cơ cấu ngân hàng, cải cách DN nhà nước và giảm đầu tư công. Nhiều người đã kỳ vọng vào những nhóm giải pháp này, nhưng kết quả cụ thể chưa nhiều lắm. Sự chậm trễ trong cả 3 chương trình đã có ảnh hưởng không tích cực đến lòng tin của NĐT. Lý do người ta không đầu tư, không mua nhà, không tiêu dùng chủ yếu là do lòng tin, chứ không phải do không có khả năng.

Năm 2013, hy vọng phải có kết quả nhất định trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu. Vấn đề xử lý nợ xấu được nói đến khá nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa có gì mới. Chúng ta nên kỳ vọng có thêm những kết quả nhất định trong cải cách DN nhà nước, vì thực tế cho thấy nguồn lực đầu tư cho DN nhà nước không hiệu quả. Cải cách DNNN là vấn đề vô cùng khó khăn. Đã có những giải pháp có ý nghĩa được thực hiện là DNNN phải công bố thông thông tin như công ty đại chúng, nhưng đó mới là bước đi đầu. Đầu tư công đã giảm chỉ còn 33% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, cũng là con số đáng kể. Nếu các vấn đề được xử lý hiệu quả thì lòng tin sẽ được cải thiện.

Để vốn vào TTCK, phải cải thiện niềm tin ảnh 1

Sự phát triển ổn định của TTCK có tác dụng tăng nguồn đầu tư, góp phần bình ổn nhiều thị trường khác

Trong 4 tháng đầu năm 2012, TTCK cũng có một đợt tăng mạnh đến hơn 30%, nhưng sau đó lại lao dốc vì các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ chậm trễ ban hành. Cho đến cuối năm qua, một lần nữa thị trường lại hy vọng. Nếu không có kết quả cụ thể thì diễn biến thị trường 2013 sẽ lặp lại chu kỳ năm 2012.

Việt Nam đang đứng trước 2 kịch bản, chỉ vượt qua những khó khăn trước mắt hoặc thực sự cải cách trong năm nay và năm sau. Nếu kịch bản một xảy ra, TTCK có thể tăng nhưng tăng không nhiều, như vậy NĐT nước ngoài sẽ không quan tâm nhiều. Tôi mong chờ một sự táo bạo là Việt Nam sẽ hành động theo kịch bản thứ hai.

 

Trong khi chờ đợi kết quả từ 3 nhóm giải pháp lớn nêu trên thì những giải pháp thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài được nhắc đến nhiều như mở room, phát hành cổ phần không biểu quyết… có tác động tích cực, thưa ông?

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã rất tích cực và gần đây có sự ủng hộ của Bộ Tài chính nhằm đơn giản thủ tục, xóa bỏ rào cản và giảm sự can thiệp hành chính cho NĐT nước ngoài ở Việt Nam. Nhưng vấn đề nằm ở lòng tin. Tất nhiên, giới hạn sở hữu NĐT nước ngoài vào DN niêm yết là một rào cản, nhưng phát hành cổ phần không có quyền biểu quyết theo tôi cũng không phải là biện pháp dũng cảm.

Ở Anh quốc, NĐT nước ngoài sở hữu cảng biển, nhà máy điện, kênh truyền thông, ngân hàng, viễn thông, thực phẩm mà có vấn đề gì đâu. Kết quả, Anh  quốc là nước thành công nhất trong thu hút đầu tư nước ngoài ở châu Âu. Mình muốn thu hút đầu tư nước ngoài, thì phải có lời chào thích hợp. Xin mời NĐT đến Việt Nam , nhưng lại đặt điều kiện này, điều kiện kia thì rất khó.

Điển hình là trong lĩnh vực ngân hàng, đã có sự giới hạn số thành viên HĐQT là người nước ngoài không được vượt quá tỷ lệ phần trăm sở hữu của NĐT nước ngoài. Điều này khá lạc hậu. Sẽ khó hơn để tìm một người vừa độc lập, có tài, vừa có đủ thời gian để làm thành viên HĐQT mà lại loại bỏ một đối tượng không nhỏ chỉ vì không có hộ chiếu Việt Nam . Kinh nghiệm của tôi cho thấy là, không phải khi nào, công ty nào có thành viên HĐQT người nước ngoài cũng tốt, nhưng những người này thường có đóng góp tích cực mang lại giá trị gia tăng cho công ty. Họ thường đề cao trách nhiệm và uy tín cá nhân.

 

Năm nay, liệu tỷ giá, lạm phát có tiếp tục là tảng đá ngầm, cản trở sự tăng trưởng của TTCK không, thưa ông?

Hai yếu tố này không đáng lo lắm, nhưng phải theo dõi. Việt Nam đang có mặt bằng lãi suất cực kỳ cao do chính sách tiền tệ. Nguyên nhân gốc là lạm phát cao. Khi người dân còn nghi ngờ về lạm phát trong tương lai thì  phải có lãi suất cao mới thu hút được vốn và kiểm soát lạm phát. Việt Nam đã có gần 2 năm tỷ giá ổn định, còn lạm phát mới giảm được một năm. NĐT dài hạn còn chờ đợi thêm vì chưa đủ để yên tâm.

 

Nếu nền kinh tế có sự cải cách thực sự, các vấn đề vĩ mô được giải quyết, có thể hy vọng giữ lại nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn của các quỹ đầu tư nước ngoài không?

Chiếc bánh đầu tư nước ngoài to nhỏ thế nào phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính sách thu hút đầu tư có cởi mở hay không của Việt Nam . Trong chiếc bánh đó, phần của các quỹ sẽ giảm, phần đầu tư nước ngoài dưới dạng đầu tư chiến lược, vốn tư nhân… nói chung sẽ tăng. Nếu muốn tiếp thị thì Việt Nam không chỉ quảng bá qua các quỹ như trước mà còn phải đi ra nước ngoài quảng cáo về Việt Nam trực tiếp với các NĐT nước ngoài và phải chấp nhận cạnh tranh nhiều hơn. Chẳng hạn như muốn thu hút vốn đầu tư chiến lược, vốn tư nhân thì không thể chào mời bằng cổ phần không có quyền biểu quyết.

Nhưng theo tôi, yếu tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam chính là nguồn vốn trong nước. Vốn nhàn rỗi ở Việt Nam đang còn nhiều, nội lực đang chờ đợi để phát huy. 

Nguyễn Hương thực hiện
Nguyễn Hương thực hiện

Tin cùng chuyên mục