Hiện nay, họ cân nhắc cơ cấu lại các khoản đầu tư tại Việt Nam nên ảnh hưởng đến thị trường. Để TTCK phát triển bền vững, trước tiên cần đặt ra giải pháp dài hạn, cơ bản là tăng cường chế tài cho thị trường hoạt động thực sự minh bạch, đặc biệt là chế tài xử phạt, thậm chí cần có trường hợp điển hình, như rút giấy phép kinh doanh một số CTCK liên tục vi phạm, hủy hoặc không cho công ty vi phạm nặng được niêm yết trên sàn, sắp đặt và củng cố lại thị trường. Hai là công khai thông tin, với thị trường có tới 90% NĐT nhỏ thì công khai thông tin chính là biện pháp bảo vệ NĐT nhỏ trước NĐT lớn. Đây là giải pháp quan trọng vì thông thường, khả năng tiếp cận thông tin chính xác của NĐT nhỏ kém xa so với các định chế kinh doanh chứng khoán. Ba là bối cảnh thị trường xì hơi, nên tiếp tục cung cấp hàng hóa tốt cho thị trường, đó là cơ hội cho NĐT cơ cấu lại khoản đầu tư.
Để thị trường phát triển lành mạnh, bền vững, đồng thời có sự tham gia của đông đảo NĐT, cần các biện pháp khác nhau. Trước tiên, nhấn mạnh bình đẳng về thông tin, chống lại bất đối xứng về thông tin trên TTCK. Hai là phải tăng cường kiểm soát chặt với các định chế tham gia trên thị trường để họ không dùng khả năng tiền tệ hơn hẳn để vi phạm pháp luật. Ba là hình thành các quỹ đầu tư chứng khoán để NĐT nhỏ lẻ bên cạnh trực tiếp lên sàn vẫn có định chế kinh doanh được, thay vì tự mở tài khoản, quỹ này có khả năng đem lại lợi nhuận cho NĐT và thị trường bớt phụ thuộc vào một vài định chế lớn, làm thị trường méo mó. Hiện các quỹ đầu tư vào chứng khoán là quỹ nước ngoài, quỹ của Việt Nam và khả năng tập hợp NĐT chứng khoán Việt Nam hầu như chưa có. Một giải pháp nữa là cơ cấu lại CTCK, chức năng tự doanh của công ty nên loại bỏ. Nếu CTCK thích tự doanh thì hãy thành lập quỹ của mình, còn CTCK chỉ môi giới chứng khoán. Giống như sàn vàng hiện nay vừa buôn vàng, vừa là khách hàng, vừa là môi giới, xung đột về lợi ích và tình trạng lạm dụng tiền của NĐT dễ xảy ra.