Chủ động công bố thông tin
Các doanh nghiệp niêm yết đã tiến một bước dài trong việc chủ động thông tin cho các nhà đầu tư hiện hữu và tiềm năng, xem báo cáo thường niên như một công cụ thông tin chủ đạo.
Tôi nhớ lần đầu tiên có cơ hội trình bày về thông lệ tốt nhất của báo cáo thường niên năm 2007 trước khi Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên tốt nhất (nay là Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết) được tổ chức lần đầu tiên, nhiều doanh nghiệp niêm yết khi ấy tỏ ra băn khoăn về việc chưa có quy định về thông tin cần đưa vào trong báo cáo thường niên, hay liệu đưa thông tin có thể gây bất lợi về cạnh tranh... Đến nay, những băn khoăn này đã không còn.
Kết quả chấm điểm của 3 năm gần nhất cho thấy, các doanh nghiệp niêm yết đã có bước tiến đáng kể trong phần báo cáo của hội đồng quản trị và ban điều hành, từ chỗ còn khá nhiều chênh lệch điểm thực tế so với điểm chuẩn, nay không còn chênh lệch đáng kể.
Các báo cáo đã không còn theo hình thức điểm danh thông tin hay theo một dàn bài mẫu nào đó, mà thực sự cung cấp cho người đọc đánh giá về môi trường, rủi ro tác động đến doanh nghiệp, việc thực hiện chiến lược/kế hoạch và kết quả đạt được. Bước tiến bộ này có hai ý nghĩa rất quan trọng.
Thứ nhất, cách công bố thông tin đã gần tiệm cận hơn với thông lệ tốt. Một trong những thách thức ngay từ ban đầu của hình thức công ty cổ phần, dẫn đến sự tách biệt của vai trò chủ sở hữu và người điều hành, là sự mất cân đối trong quyền tiếp cận thông tin.
Nghịch lý là chủ sở hữu lại có ít thông tin về doanh nghiệp hơn người điều hành, vốn không (nhất thiết) phải là chủ sở hữu. Các yêu cầu hoặc thông lệ tốt về công bố thông tin ở những thị trường phát triển đang muốn thu hẹp và xóa dần khoảng cách này.
Thứ hai, bước tiến trong phần báo cáo của hội đồng quản trị và ban điều hành thể hiện tính chịu trách nhiệm của nhân sự điều hành.
Việc cung cấp thông tin trong báo cáo của cá nhân chủ tịch hay tổng giám đốc có ý nghĩa rằng, cá nhân đó thể hiện quan điểm, chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp, điều mà bất kỳ chủ sở hữu nào cũng mong muốn từ nhân sự điều hành doanh nghiệp.
Nâng cao trách nhiệm với môi trường và xã hội
Một mảng khác thể hiện sự tiến bộ khá nhiều là công bố thông tin liên quan đến trách nhiệm môi trường và xã hội. Đây cũng là mảng có sự phân hóa rõ rệt giữa các doanh nghiệp có ý thức (và đầu tư) cao trong công bố thông tin liên quan đến môi trường, xã hội và các doanh nghiệp khác.
Các doanh nghiệp đầu tư công phu vào phần công bố thông tin này thường là các doanh nghiệp quy mô lớn và có tiềm lực tài chính. Thực tế này khá giống câu ngạn ngữ “ăn no mặc ấm” trước rồi mới tới “ăn ngon mặc đẹp”, với suy nghĩ phải đảm bảo phần kết quả kinh doanh trước rồi mới nghĩ tới mảng môi trường và xã hội.
Thế nhưng, rất nhiều sự kiện xảy ra gần đây có thể đã cho công chúng một cái nhìn khác về sự cần thiết phải quan tâm đến các vấn đề về môi trường xã hội, bởi các vấn đề này có thể có tác động đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngay trong ngắn hạn, chưa nói đến tác động dài hạn hay các mục tiêu phát triển bền vững.
Hội đồng bình chọn đôi khi phải trả lời các câu hỏi như tại sao doanh nghiệp được điểm minh bạch cao trong khi giá cổ phiếu thấp/kết quả kinh doanh thấp/nợ nhiều…?
Câu hỏi đặt ra là sự tiến bộ của các doanh nghiệp trong việc quan tâm đến các vấn đề môi trường xã hội liệu đã đủ?
Cho đến nay, phần lớn các công bố thông tin về môi trường và xã hội vẫn còn khá công thức, với các nội dung: tiêu thụ năng lượng, nước, nguyên vật liệu, tái chế, hay các hoạt động đào tạo, phát triển nhân viên, các hoạt động từ thiện và phong trào.
Chỉ một số doanh nghiệp lớn có báo cáo tác động môi trường, xã hội công phu, mới có công bố thông tin thể hiện sự cân nhắc nghiêm túc tới các vấn đề này trong chiến lược hoạt động.
Các doanh nghiệp này đều xuất phát từ những mục tiêu môi trường, xã hội mà họ ưu tiên nhất, từ đó phát triển chiến lược, chương trình hành động và các thước đo đánh giá kết quả, chứ không phải đơn thuần là công bố các chỉ số sử dụng/tiêu thụ theo mẫu định trước.
Chỉ có cách tiếp cận như vậy mới cho phép xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường và xã hội một cách thực chất.
Lấy ví dụ, nếu bạn là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, vậy có thể mối quan tâm hàng đầu của bạn là việc sử dụng bao bì ít gây tác động môi trường, hay bao bì tái chế và bạn sẽ bắt đầu xây dựng các kế hoạch để thực hiện các mục tiêu liên quan đến cấn đề này.
Trong khi đó, nếu bạn là doanh nghiệp sản xuất điện mặt trời, vậy mối quan tâm hàng đầu của bạn có thể lại là hướng xử lý chất thải công nghiệp khi hết hạn sử dụng, hay tác động đến môi trường, xã hội địa phương khi doanh nghiệp chiếm một diện tích đất đáng kể, lấy đi khả năng khai thác đất của địa phương và người dân, từ đó bạn sẽ xây dựng các kế hoạch tham gia phát triển kinh tế địa phương thông qua các kênh khác, thay cho kênh khai thác đất mà bạn đã chiếm.
Ngay cả các công ty dịch vụ hay ngành tài chính, vốn không có các hoạt động sản xuất, cũng có thể đặt ra các mục tiêu môi trường và xã hội riêng, ví dụ lượng thải carbon và các chiến lược giảm thải carbon của chính doanh nghiệp, hay của những doanh nghiệp mà mình đang đầu tư/cho vay.
Cải thiện chất lượng quản trị công ty
Trong các năm trước, các câu hỏi đánh giá về quản trị công ty là một phần trong giải thưởng báo cáo thường niên tốt nhất.
Việc có riêng một giải quản trị công ty trong hai năm gần đây đã đủ nói về tầm quan trọng của phần này trong việc phát triển thị trường minh bạch, bền vững trong tương lai.
Từ việc chưa có khái niệm quản trị công ty, cho đến xây dựng được một số quy định cụ thể về quản trị công ty, hiện chúng ta đã đưa ra được một bộ nguyên tắc quản trị công ty, dù vẫn còn ở vị trí dượt đuổi trong khu vực.
Nhờ có sự phát triển về quy định và hướng dẫn, nên việc thực hành quản trị công ty ở các doanh nghiệp niêm yết đã có sự thay đổi mạnh mẽ qua từng năm.
Các doanh nghiệp niêm yết đã có sự chuyển biến đáng kể trong xây dựng cơ cấu hội đồng quản trị và các tiểu ban, có sự tham gia nhiều hơn của các ủy viên độc lập.
Tuy nhiên, sự tham gia của các ủy viên độc lập còn khá hạn chế, cả về số lượng lẫn mức độ đa dạng về kinh nghiệm và chuyên môn.
Chưa thấy nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn, đưa ra định hướng về tính đa dạng của ủy viên hội đồng quản trị, phù hợp với chiến lược công ty.
Vai trò của các ủy viên độc lập cũng còn khá hạn chế khi tỷ lệ các ủy viên độc lập tham gia tích cực và thực hiện báo cáo cho các cổ đông còn thấp.
Nhìn lại các vụ sụp đổ doanh nghiệp trên thế giới, chúng ta đều thấy một điểm chung, là các ủy viên điều hành thường có xu hướng theo đuổi các mục tiêu ngắn hạn, hay có khẩu vị ra quyết định theo hướng chấp nhận rủi ro cao/lợi nhuận cao và các ủy viên độc lập, vì nhiều lý do khác nhau, đã không ngăn ngừa hoặc phát hiện các quyết định rủi ro kịp thời.
Dù còn nhiều hạn chế, nhưng cũng không thể phủ nhận sự tiến bộ của các doanh nghiệp niêm yết trong vấn đề minh bạch và quản trị công ty, cũng như sự chủ động, tích cực đầu tư để tiệm cận với thông lệ tốt ở những thị trường phát triển. Vậy sự đầu tư này mang lại gì cho doanh nghiệp?
Trong số liệu tổng kết không chính thức của Ban tổ chức, các doanh nghiệp đạt điểm cao trong cả hai giải báo cáo thường niên và giải quản trị công ty đều là những doanh nghiệp có giá trị thị trường tăng trưởng hàng năm.
Tuy nhiên, tổng kết này không phải không có ngoại lệ. Chúng tôi đôi khi vẫn phải trả lời các câu hỏi như tại sao doanh nghiệp được điểm cao trong khi giá cổ phiếu thấp/kết quả kinh doanh thấp/nợ nhiều…?
Câu hỏi không khó trả lời, vì mục tiêu và định hướng của giải thưởng là về công khai minh bạch và quản trị tốt, nên bảng các câu hỏi tập trung vào việc có hay không có thông tin cho người đọc (đối với giải báo cáo thường niên) và có hay không thực hiện các thông lệ và thực hành quản trị công ty tốt (đối với giải thưởng quản trị công ty).
Do đó, nếu thực hiện được hai điều trên, doanh nghiệp sẽ đạt điểm cao. Về lâu dài, tăng cường tính minh bạch và quản trị công ty tốt sẽ dẫn đến cải thiện kết quả kinh doanh, tình hình tài chính, từ đó tăng giá trị doanh nghiệp và giá cổ phiếu.
Dù như vậy, điểm băn khoăn này vẫn đáng để lưu tâm trong tương lai, nhằm có thể trả lời các câu hỏi tương tự một cách hoàn toàn thuyết phục, trong khi vẫn đảm bảo tính toàn vẹn của mục tiêu của các giải thưởng.
Điều đầu tiên cần cân nhắc là liệu có nên xem lại định hướng của giải thưởng theo cách bổ sung tiêu chí vững mạnh tài chính và chất lượng tăng trưởng vào mục tiêu chủ đạo là minh bạch và quản trị công ty, trước khi bổ sung câu hỏi.
Bởi lẽ, nếu bổ sung các câu hỏi chỉ nhằm giải quyết một số trường hợp cụ thể mà không nhìn lại định hướng thì rất dễ đánh mất tầm nhìn và có thể rơi vào vòng luẩn quẩn xử lý từng tình huống ngoại lệ.
Dù theo hướng nào, Ban tổ chức chắc chắn sẽ nghiên cứu thấu đáo nhằm nâng Cuộc bình chọn lên một tầm cao mới, góp phần giúp các doanh nghiệp niêm yết phát triển bền vững dựa trên nền tảng minh bạch và quản trị công ty tốt.