Để thay đổi hiện trạng 99% nhà đầu tư là cá nhân

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán đang có cơ hội vàng để vươn lên làm tốt vai trò đòn bẩy phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, để thực thi được là câu chuyện không đơn giản, cần sự hợp sức và cần có nhiều giải pháp. 
Để thay đổi hiện trạng 99% nhà đầu tư là cá nhân

Trên cương vị Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), ông Trần Văn Dũng chia sẻ, ông sẽ cùng tập thể anh em HOSE góp sức bằng việc theo đuổi những mục tiêu giá trị cốt lõi tại Sở, đốc thúc sự minh bạch và quản trị hiệu quả của các doanh nghiệp hiện nay. 

Được biết, từ ngày 1/11/2016, ông chính thức nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE, thay cho người tiền nhiệm được nghỉ hưu theo chế độ. Xin ông chia sẻ cảm xúc của mình khi nhận nhiệm vụ mới?

Thành thật mà nói, khi được giao nhiệm vụ, cảm xúc của tôi lẫn lộn giữa lo lắng và phấn khích. Lo lắng vì tự hiểu rằng, nhiệm vụ phát triển HOSE và thị trường chứng khoán tại HOSE trong giai đoạn sắp tới là rất thách thức. Những thành quả nền tảng mà HOSE đã tạo dựng trong hơn 16 năm qua là rất lớn, do vậy, việc kế tục, phát huy là thuận lợi, nhưng không hề dễ dàng.

Cảm giác phấn khích chen lẫn vì sau 12 năm tham gia xây dựng Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tôi lại được thử sức ở một môi trường mới và đang đứng trước cơ hội rất thuận lợi để phát triển thị trường chứng khoán tại HOSE.

Để thay đổi hiện trạng 99% nhà đầu tư là cá nhân ảnh 1

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HOSE 

Kinh tế Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn tăng trưởng tốt và các quy định mới như Luật Doanh nghiệp, quyết sách nới room, từ quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa và gắn cổ phần hóa với niêm yết…, đang tạo ra những cơ hội vàng để phát triển thị trường chứng khoán nhanh hơn, hiệu quả hơn mà cứ nghĩ đến là lại muốn lao vào việc ngay.

Đặc biệt, tôi cảm nhận được đội ngũ cán bộ chủ chốt của HOSE còn trẻ, nhưng đã có nhiều kinh nghiệm xây dựng thị trường, đam mê nhờ công việc, có thể đồng cảm và đồng hành với tôi trong chặng đường sắp tới.

Gần đây, Chính phủ truyền tải mong muốn thúc đẩy thị trường vốn và phát triển các nhà đầu tư tổ chức sau gần 20 năm tạo dựng ngành chứng khoán. Để mong rằng 3 hay 5 năm tới, Việt Nam sẽ thay đổi hiện trạng 99% nhà đầu tư là các cá nhân, theo ông, cần có giải pháp gì?

Tôi cho rằng, 20 năm vừa qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngành chứng khoán đã tạo nên những kết quả ngoài sức tưởng tượng khi thu hút trên 1.000 doanh nghiệp lên sàn, trên 1,6 triệu nhà đầu tư và quy mô vốn hóa đạt 40% GDP. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu chính phủ phát triển vượt bậc. Cách đây vài năm, chắc rất ít người tin rằng, Chính phủ có thể huy động được lượng vốn lớn kỳ hạn 20 - 30 năm với lãi suất thấp để đầu tư phát triển đất nước.

Tuy nhiên, để thay đổi được một cách cơ bản hiện trạng 99% nhà đầu tư là cá nhân trong 3 - 5 năm tới là không hề đơn giản và phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp.

Thứ nhất, tôi muốn nhắc lại từ “minh bạch” vì khi có sự minh bạch thì cơ hội đầu tư là công bằng với tất cả. Khi đó, các nhà đầu tư cá nhân không có điều kiện và kỹ năng sẽ lựa chọn các nhà đầu tư chuyên nghiệp thay mình, ngành quỹ sẽ phát triển.

Thứ hai, cần có chính sách nhất quán và tạo điều kiện cho các tổ chức nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó việc nâng hạng thị trường từ “cận biên” lên “mới nổi” là một giải pháp quan trọng. Và thứ ba, về trung hạn, cần hình thành các hệ thống quỹ hưu trí, phát triển hơn nữa hệ thống doanh nghiệp bảo hiểm. Có như vậy thì tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư có tổ chức mới được tăng lên và thị trường chứng khoán sẽ phát triển bền vững hơn. 

Ông đã từng nói, điểm số về minh bạch, quản trị công ty của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước trong ASEAN vẫn rất thấp. Ông có thông điệp gì gửi đến các doanh nghiệp thúc đẩy họ minh bạch và minh bạch hơn nữa?

Minh bạch trong quản trị doanh nghiệp, trong quản lý tài chính, tuân thủ luật pháp, tôn trọng cổ đông là chìa khóa để một doanh nghiệp phát triển và phát triển bền vững. Hầu hết các doanh nghiệp thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều không thể thiếu yếu tố này. Do vậy, tôi mong rằng, các doanh nghiệp sẽ dần nhận thấy điều này, từ đó thay đổi tư duy về minh bạch và quản trị tốt.

Đừng coi minh bạch là áp lực, mà cần nhận ra minh bạch là cơ hội để giữ niềm tin với cổ đông và để phát triển. Minh bạch cũng là cơ hội để người lãnh đạo thể hiện khả năng kinh doanh, tầm nhìn và bản lĩnh vượt khó, vươn lên. 

Nếu như khi lãnh đạo HNX, ông chọn “Công khai - Minh bạch - Công bằng” là những giá trị cốt lõi, thì nay, trên cương vị lãnh đạo cao nhất tại HOSE, ông sẽ hướng HOSE theo giá trị cốt lõi nào?

Mỗi một tổ chức đều đặt ra cho mình những mục tiêu giá trị cốt lõi để cùng nhau phấn đấu xây dựng. Nếu như ở HNX là “Công khai - Minh bạch - Công bằng”, thì ở HOSE từ lâu đã xác định giá trị lõi gồm: “Hướng đến con người - Trách nhiệm tổ chức - Phát triển bền vững - Hoạt động chuyên nghiệp” (H-O-S-E).

Tôi thấy mục tiêu giá trị cốt lõi của cả hai bên đều tuyệt vời và đều hướng tới một thị trường chứng khoán hiệu quả, nhằm phát huy vai trò làm đòn bẩy phát triển kinh tế. Tôi sẽ cùng tập thể anh em HOSE tiếp tục theo đuổi những mục tiêu giá trị cốt lõi đã đặt ra.

Tường Vi thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục