Thưa ông, chúng ta nên hiểu như thế nào về mở rộng hạn điền, tích tụ, tập trung ruộng đất trong bối cảnh hiện nay?
Hiện nay, quá trình tập trung ruộng đất trên thực tế diễn ra chậm, nông dân không còn tha thiết với sản xuất nông nghiệp, thậm chí có nơi còn bỏ hoang đồng ruộng.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư đồng bộ, quy mô lớn cho sản xuất nông nghiệp lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đất phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, tập trung đất nông nghiệp được xem là bước đi tất yếu để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Còn về định nghĩa, theo lẽ thông thường, mọi người thường hiểu, tích tụ là nhiều mảnh đất được mua bán về tay một ông chủ, tức là một người sẽ có nhiều đất hơn.
Còn tập trung, mặc dù sổ đỏ của ai, người đấy cầm, song người ta có thể hoán đổi để có một mảnh ruộng liền vùng, liền thửa, có diện tích lớn. Theo tôi, có thể bỏ từ tích tụ và chỉ nên dùng từ tập trung ruộng đất.
Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp trong tập trung ruộng đất để đầu tư dự án nông nghiệp?
Doanh nghiệp hiện nay có hai nhu cầu về đất. Đó là nhu cầu mua lại sổ đỏ và nhu cầu thuê lại đất. Hai nhu cầu này nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, hoặc làm vùng lõi để chế biến, thu mua sản phẩm, làm hợp đồng mua bán nông sản.
Trên thực tế, doanh nghiệp thường đi thuê. Tuy nhiên, khi đi thuê, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn, bởi họ cần đất đủ lớn, nhưng lại không thể tới từng hộ để thuê.
Đơn cử, một dự án muốn thuê đất của 1.000 hộ nông dân, trong đó, 800 nông hộ đồng ý, còn lại không đồng ý. Với trường hợp như vậy, rất cần vai trò hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc vận động người dân đi đến thống nhất.
Từ thực tiễn đó, theo ông, Chính phủ và các địa phương nên làm gì để liên kết nông dân với doanh nghiệp?
Với luật pháp hiện tại, chính quyền địa phương không được đứng ra thuê đất của dân, rồi cầm đất đó cho doanh nghiệp thuê lại.
Nếu luật pháp cho phép như vậy thì thuận tiện hơn, bởi chính quyền địa phương đứng ra thuê đất của dân thì sẽ làm theo quy hoạch, dễ tạo đồng thuận trong dân. Khi đó, doanh nghiệp thuê lại đất của chính quyền cũng sẽ ổn định hơn, dài hạn hơn, đảm bảo cho chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh hiện nay, để chính quyền đứng ra liên kết nông dân với doanh nghiệp, cần phải kích hoạt trung tâm phát triển quỹ đất. Việc này đòi hỏi phải có vốn và cơ chế cho trung tâm tham gia kinh doanh ruộng đất.
Trung tâm phát triển quỹ đất hiện trực thuộc các sở tài nguyên và môi trường, nhưng có địa phương có, có địa phương không. Trong quy định pháp luật có nói đến trung tâm này, nhưng chưa có cơ chế, nghị định hướng dẫn hoạt động.
Thực hiện tập trung ruộng đất, liên kết nông dân với doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần có chính sách gì để bảo vệ quyền và lợi ích của người nông dân, đảm bảo an sinh sau khi giao đất, thưa ông?
Thúc đẩy tập trung ruộng đất cũng đi kèm với quá trình rút lao động ra khỏi nông nghiệp. Để bảo vệ quyền lợi của người nông dân, điều quan trọng nhất là phải có việc làm cho họ. Sau đó, phải có cơ chế an sinh, như bảo hiểm xã hội.
Nếu nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và vào vùng nông thôn, thì phải có cơ chế để doanh nghiệp khi thuê đất, họ thuê luôn nông dân làm việc.
Bên cạnh đó, cũng cần phải có chính sách cho việc đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho nông dân muốn thoát ly.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp có nghiên cứu và đề xuất Chính phủ giải pháp xử lý việc tập trung đất đai nhằm tạo cơ hội cho ngành nông nghiệp bứt phá?
Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất, theo tôi, là phải kích hoạt trung tâm phát triển quỹ đất. Trung tâm sẽ thực hiện chức năng cung cấp thông tin, hỗ trợ định giá, thiết kế hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong quá trình giao dịch đất đai giữa nông hộ và doanh nghiệp.
Đây là nền tảng ban đầu để xây dựng thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp trong tương lai.
Ngoài ra, phải có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích nông dân mua cổ phần trong các doanh nghiệp có hợp đồng với nông dân trên cánh đồng lớn hoặc có hợp đồng thuê đất của nông dân.
Song song với đó, phải có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động dôi dư; tạo điều kiện vốn hóa đất đai, tài sản và phát triển bảo hiểm xã hội cho những nông dân rời bỏ nông nghiệp tham gia lĩnh vực phi nông nghiệp tại nông thôn và đô thị.