Quảng cáo và phát triển kinh tế
Trên phương diện kinh tế vĩ mô, đầu tư cho quảng cáo truyền thông trực tiếp góp phần tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, đẩy mạnh năng lực sản xuất, kích thích tiêu dùng, khuyến khích sáng tạo và nâng cao tính cạnh tranh.
Quảng cáo truyền thông tạo ra một nền tảng thương mại căn bản để phát triển thành công nền kinh tế thị trường hiện đại. Các sản phẩm mới nhờ đó được tạo đà tiếp cận thị trường và người tiêu dùng nhanh và rộng hơn, thiết lập mặt bằng giá nhanh và hiệu quả hơn.
Xây dựng thương hiệu và quảng cáo là công cụ có tác động mạnh tới vị trí của một quốc gia trên trường quốc tế.
Quảng cáo truyền thông cũng giúp xây dựng và cân đối hệ thống cung cầu, quyết định sự phát triển bền vững của nhà sản xuất, nhà phân phối, các đại lý lớn, cũng như các cửa hàng bán lẻ.
Quảng cáo cũng là yếu tố then chốt để thay đổi thái độ và thói quen tiêu dùng của khách hàng, mà sự thay đổi này được quyết định dựa trên chi phí truyền thông hợp lý, để khách hàng biết những tính năng ứng dụng, tính ưu việt và lợi ích của sản phẩm.
Các số liệu nghiên cứu cho thấy, có sự liên quan mật thiết giữa mức đầu tư cho quảng cáo truyền thông và tốc độ tăng trưởng GDP. Những ngành nghề dành ngân sách lớn cho quảng cáo luôn có hệ số cạnh tranh cao nhất và cũng tạo động lực thiết yếu cho tăng trưởng.
Ngược lại, những nước có chi phí quảng cáo truyền thông thấp thường có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm. Do vậy, thông qua việc nâng cao nhận thức, nhu cầu, cải tiến, đổi mới và tiêu thụ, quảng cáo truyền thông góp phần tạo nên sự năng động và sôi động cho nền kinh tế.
Ông Saby Mishra, CEO J. Walter Thompson Vietnam
Với kinh nghiệm gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, J.Walter Thompson Việt Nam (JWT Vietnam), thành viên của tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực quảng cáo J. Walter Thompson Worldwide, đã tham gia và góp phần tạo nên cuộc cách mạng truyền thông cho thị trường tiêu dùng non trẻ, nhưng đầy năng động của Việt Nam. Kinh nghiệm của JWT cho thấy, việc hài hòa các yếu tố kinh nghiệm toàn cầu, cộng thêm sự am hiểu về văn hóa địa phương, giúp chúng tôi tiếp cận một thị trường mới một cách thoải mái và hiệu quả hơn.
Hiện JWT Vietnam đang làm việc với 15 thương hiệu mạnh ở Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp liên doanh và doanh nghiệp nội địa lớn, đi đầu trên nhiều lĩnh vực chủ chốt. Khi làm việc với khách hàng, chúng tôi tập trung vào một mục tiêu cụ thế: làm sao để giải quyết những vấn đề kinh doanh của họ bằng một ý tưởng sáng tạo tiên phong, làm sao để tạo nên danh tiếng cho thương hiệu của họ và giúp doanh nghiệp phát triển.
Mỗi thành công với các đối tác ở Việt Nam cho tới nay như Vietnam Airlines, Ford, Pepsico, Unicharm Diana, Nestle Kit Kat, KFC, K+/VSTV… đều xuất phát từ sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa, về thói quen tiêu dùng địa phương, để đạt được mục tiêu “Hiệu quả”.
Đồng hành với thăng hoa và thử thách
Mỗi chương trình truyền thông là một thách thức, nhưng JWT luôn đưa ra một giải pháp xoay quanh tương lai của thương hiệu như nâng cao tính nhận diện thương hiệu, đề cao sức mạnh của thương hiệu, tăng doanh số bán hàng và mở rộng thị phần.
Chẳng hạn, khi đảm nhận vai trò xây dựng thương hiệu toàn cầu cho Vietnam Airlines, đó thực sự là niềm vinh dự, nhưng cũng đầy thách thức với chúng tôi. Vào thời điểm đó, có rất nhiều thương hiệu hàng không mạnh đang thống trị thị trường hàng không châu Á như Singapore Airlines hay Thai Airway.Thành quả của JWT đồng hành cùng sự thăng tiến của Vietnam Airlines, với các chương trình như Touch the Lotus và Coffee Entrepreneur. Những chiến dịch này đã giúp nâng tầm những điểm đến trong đấu trường toàn cầu. Tâm điểm của chiến dịch chính là biểu tượng Hoa Sen của Việt Nam, chạm tới hành khách và mời gọi hành khách bay và trải nghiệm những điểm đến nổi bật của châu Á như Campuchia, Lào, Myanmar và cả Việt Nam.
Hay như Aquafina, một trong những thương hiệu nước đóng chai hàng đầu Việt Nam, với chương trình “Aquafina Pure Fashion” do JWT cộng tác từ những ngày đầu giới thiệu sản phẩm. Song hành với việc quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin truyền thống, chúng tôi tổ chức những cuộc thi thời trang độc đáo dành cho các nhà thiết kế trẻ của Việt Nam, với tiêu chí khích lệ các tài năng Việt.
Chương trình tạo ra sân chơi, diễn đàn cho các nhà thiết kế thể hiện tài năng trước công chúng cũng như khích lệ và tạo điều kiện cho những cá nhân xuất sắc thử sức ở các sân chơi thời trang quốc tế.
Trong lĩnh vực thực phẩm, JWT làm việc với thương hiệu Nestle Kit Kat. Trên thị trường quốc tế, thương hiệu sôcôla này đã nổi danh, nhưng hoàn toàn mới lạ tại thị trường Việt Nam. Đội ngũ sáng tạo viên JWT đã xây dựng một khái niệm sáng tạo thông qua việc truyền tải thông điệp tình yêu vào sản phẩm và ra mắt thương hiệu vào ngày Lễ Tình Nhân (Valentine). Đây thực sự là ý tưởng bất thường, nhưng lại đánh trúng tâm lý mỏi mệt vì xu hướng thương mại hóa ngày lễ Tình Nhân.
Quảng cáo điện tử lên ngôi cùng mạng xã hội
Trong nền kinh tế thị trường, quảng cáo trở thành một yếu tố không thể thiếu trong xã hội, đóng vai trò nền tảng cho tăng trưởng và đa dạng kinh tế của một quốc gia.
Vai trò của quảng cáo không chỉ bó hẹp ở mục đích thương mại là để bán một món hàng tiêu dùng hay một dịch vụ nào đó, mà quảng cáo còn ảnh hưởng tới việc truyền tải các thông điệp, hay nâng cao nhận thức cộng đồng trong các vấn đề xã hội như an toàn giao thông, vệ sinh công cộng, gìn giữ môi trường sống…
Thêm vào đó, công nghệ quảng cáo hiện đại cũng đã được ứng dụng tại nhiều nước châu Á, thậm chí được chính phủ các nước sử dụng để xây dựng thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế, với mục đích thu hút vốn đầu tư nước ngoài và xây dựng cơ sở
hạ tầng…
Xây dựng thương hiệu và quảng cáo là công cụ có tác động mạnh tới vị trí của một quốc gia trên trường quốc tế, thay đổi những quan niệm tiêu cực, tăng cường các giá trị tích cực, hiện đại hóa hình ảnh đất nước và trên tất cả là tạo sức hút cho quốc gia, thành phố hay một điểm đến.
Hiện nay, lĩnh vực quảng cáo được mở rộng một cách nhanh chóng với nhiều hình thức truyền thông marketing khác nhau qua kênh truyền thông kỹ thuật số, truyền thông điện tử và mạng xã hội. Tại Việt Nam, quảng cáo điện tử là một trong những công cụ phát huy hiệu quả nhanh chóng trong những năm gần đây và được đầu tư khá nhiều nhằm nâng cấp chất lượng, dung lượng. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời với các công ty sáng tạo nói chung và JWT nói riêng. Chúng tôi cho rằng, truyền thông điện tử là một trong những trụ cột phát triển, góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông.
Sự chuyển mình của truyền thông sáng tạo Việt
Nền kinh tế Việt Nam đang dần hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế khu vực và thế giới. Với tầm nhìn toàn cầu, các công ty trong lĩnh vực sáng tạo như JWT luôn mong muốn sát cánh cùng các công ty địa phương và các lãnh đạo doanh nghiệp có chung tầm nhìn, tham vọng, cũng như sự bền bỉ, để xây dựng thương hiệu mạnh xứng tầm khu vực và quốc tế.
Với kinh nghiệm định hướng chiến lược lâu năm, JWT tin rằng, các công ty Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng mà các công ty Hàn Quốc đã làm được cách đây 25-30 năm. Thông qua các nỗ lực hiện đại hóa, các công ty Hàn Quốc đã đầu tư khôn ngoan vào việc xây dựng thương hiệu công ty và thương hiệu sản phẩm, mà tới nay đã trở thành những hình tượng mang tính toàn cầu.
Một yếu tố hết sức quan trọng là Thương hiệu quốc gia. Đây là khe hở và cơ hội cần thiết để các quốc gia mới nổi như Việt Nam đẩy mạnh thương hiệu của mình, với những đòi hỏi cần đầu tư như chú trọng vào hoạch định chiến lượng dài hạn, sự tận tâm, đào tạo và đầu tư thương hiệu.
Một số quốc gia châu Á như Kazakhstan, Mông cổ… đang dẫn đầu cuộc đua thương hiệu quốc gia một cách bài bản tại các diễn đàn toàn cầu. Một thương hiệu mạnh, dài hạn và đầu tư tốt như Việt Nam có thể thay đổi cục diện lớn về dòng chảy FDI, thu hút du lịch và sự bùng nổ của xuất khẩu hàng hóa nông sản như cà phê, điều, gạo, hoa quả…
Thương hiệu có thể nâng cao sức mạnh về giá và thu hút người tiêu dùng. Một quốc gia giàu tiềm năng như Việt Nam, với lực lượng lao động trẻ, thông minh, năng động, sáng tạo, đây thực sự là cơ hội để Việt Nam chuyển mình và xác lập vị trí mới.