Để phát triển ngân hàng mở, cần hành lang pháp lý song hành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành các Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về định danh và xác thực điện tử, về thanh toán...
Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” diễn ra ngày 16/3 Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” diễn ra ngày 16/3

Tại Hội thảo quốc tế “Tiềm năng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam - Những khuyến nghị về chính sách và khuôn khổ pháp lý” do Ủy ban Chính sách thuộc Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, các chuyên gia nhận định ngân hàng mở (Open Banking) là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng, giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, rút ngắn lại quá trình xử lý giao dịch, giảm thiểu các tác vụ thủ công, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng.

Cụ thể hơn, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, các ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác.

“Ngân hàng mở cho phép các bên thứ ba phát triển các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân (PFM) tốt hơn, thúc đẩy sự cạnh tranh trong ngành ngân hàng, buộc các ngân hàng truyền thống phải tăng cường các dịch vụ tài chính”, ông Hùng nhận định.

Ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, ngân hàng không chỉ đơn thuần cung cấp dịch vụ tài chính theo mô hình cũ mà thông qua Open API kết nối với các đối tác, đặc biệt là các công ty Fintech.

Ngân hàng sẽ cung cấp dịch vụ của mình theo mô hình nền tảng, tạo điều kiện cho bên thứ ba xây dựng các ứng dụng có sử dụng dữ liệu của ngân hàng, phục vụ tốt nhất cho các nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Đề cập trực tiếp về ngân hàng mở trên cơ sở thực tiễn triển khai, ông Trần Công Quỳnh Lân, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng mở sẽ giúp khách hàng nâng cao trải nghiệm giao dịch tài chính, tiết kiệm chi phí qua trung gian và quản lý tài chính tốt hơn. Đối với ngân hàng, sẽ thiết lập được hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu của khách hàng, đồng thời mở rộng dịch vụ sản phẩm, khai thác được tệp khách hàng mới.

Tuy nhiên theo ông Lân, việc triển khai ngân hàng mở cũng gặp nhiều khó khăn và thách thức, nhất là vấn đề hành lang pháp lý cụ thể, bởi hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…), đồng thời cũng chưa có tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối….

Liên quan đến vấn đề này, ông Đoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay đã có một số quy định về trách nhiệm của ngân hàng trong việc bảo mật thông tin khách hàng; quy định về quyền được cung cấp thông tin của khách hàng, đảm bảo bí mật thông tin khách hàng và Quy định về xử lý vi phạm về thông tin cá nhân được quy định cụ thể ở Bộ luật Dân sự 2015, Luật Giao dịch điện tử, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận cần hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung và ban hành các Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, về định danh và xác thực điện tử, về thanh toán.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các ngân hàng Việt Nam sẽ đi theo xu hướng của ngân hàng mở, tuy nhiên, ngân hàng mở là nội dung mới, cần tiếp tục nghiên cứu bởi những nội dung mới cần được hiểu rõ đúng đủ bản chất sự việc thì mới ban hành chính sách được. Và để làm được cần sự phối hợp chủ trì của nhiều bên liên quan.

Theo Phó Thống đốc, lộ trình trong thời gian sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt và ban hành Thông tư về Open API trong lĩnh vực thanh toán. Chính phủ cũng sẽ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh và xác thực điện tử, liên quan trực tiếp hoạt động của các ngân hàng và cả hệ thống ngân hàng nên các ngân hàng và đơn vị của Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp triển khai hiệu quả.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục