Đề nghị xem xét giảm thuế suất thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Trong kiến nghị về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch, CEO Dolphin Sea Air Services Corp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội nhắc tới phương án giảm thuế suất thuế VAT.

Thưa ông, doanh nghiệp hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đang hoạt động như thế nào, ứng phó thế nào với tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp?

Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch, CEO Dolphin Sea Air Services Corp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.

Ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch, CEO Dolphin Sea Air Services Corp, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.

Vẫn là những thách thức, khó khăn do đợt dịch lần thứ tư bùng phát. Cụ thể như chuỗi cung ứng bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn như trước khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư không thể thông suốt và hiệu quả... Cơ hội tiếp cận vốn giảm, đặc biệt với các ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch như du lịch và khách sạn.

Tình hình doanh thu sụt giảm do tình trạng giãn cách và khó khăn chung của thị trường. Không ít doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với thực trạng sản xuất đình trệ. Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ phải đối mặt với một trong hai, thậm chí cả hai “gọng kìm” là hạn chế nguyên liệu đầu vào, khó tiếp cận đầu ra…

Một số doanh nghiệp hội viên của chúng tôi đã bắt buộc phải thu hẹp, chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh cũng như cân đối nguồn lực, vừa giải quyết việc làm vừa đảm bảo an toàn cho người lao động...

Doanh nghiệp logistics thì sao, thưa ông?

So với 6 tháng cuối năm 2020, thị trường kinh tế nửa đầu năm 2021 vẫn còn nhiều bất lợi. Trong ngành logistics, chúng tôi cũng vướng phải khó khăn của việc sụt giảm doanh thu, bởi những ổ dịch lớn nhất lại thuộc các khu công nghiệp trọng điểm như Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh… và hiện tại là các khu công nghiệp ở TP.HCM, Đồng Nai...

Khách hàng của chúng tôi rơi vào tình trạng đình trệ sản xuất. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân sự và vấn đề đảm bảo an toàn lao động cho cán bộ nhân viên cũng là vấn đề hết sức cần lưu tâm.

Doanh nghiệp đã có những giải pháp chủ động như thế nào?

Đây là thời điểm quan trọng để các chủ doanh nghiệp thể hiện rõ tính linh hoạt và chủ động của mình.

Ngoài việc tính toán các phương án dãn cách phù hợp cho cán bộ nhân viên, doanh nghiệp cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số để phần nào giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh – sản xuất.

Tại Dolphin Sea Air, chúng tôi đã tích cực mở rộng thị trường từ đầu năm 2021, ngay khi Hải Dương bùng phát dịch bệnh một cách nghiêm trọng. Khi đó, đội ngũ kinh doanh và marketing của hệ thống đã lên nhiều phương án khác nhau, phù hợp với các kịch bản khác nhau, tiếp cận những thị trường, ngành hàng đa dạng, song song với việc phát triển thị trường quốc tế.

Triết lý “không bao giờ đặt chung trứng vào một giỏ” được áp dụng tối đa. Chúng tôi liệt kê rõ cấu thành doanh thu của mình, từng phần chiếm tỷ trọng bao nhiêu, dự báo nguy cơ thế nào khi dịch bệnh phức tạp, để nhanh chóng có phương án “bù đắp” khi doanh thu bị ảnh hưởng.

Nhưng, sự chủ động của từng doanh nghiệp chỉ là một phần. Chúng tôi quan tâm nhất là chiến dịch vắc – xin toàn quốc. Chúng tôi sẵn sàng chung tay cùng Nhà nước trong việc đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu vắc-xin để giải quyết rủi ro một cách triệt để.

Mọi biện pháp đang áp dụng, dù rất tốt, nhưng vẫn chỉ là các biện pháp phòng thủ, muốn dành chiến thắng, chúng ta cần dành quyền chủ động và chuyển sang thế tấn công và vắc - xin là vũ khí duy nhất, tốt nhất hiện nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như điều chỉnh thuế suất, linh động mở rộng nguồn vốn, đẩy mạnh và truyền thông rộng rãi về việc áp dụng công nghệ trong thời đại 4.0.

Cụ thể các phương án doanh nghiệp đề xuất là gì, thưa ông?

Chúng tôi đề nghị Chính phủ tiếp tục cân nhắc các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Ngoài các chính sách tài khóa, tiền tệ được kéo dài thời gian áp dụng, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ đặc biệt với ngành du lịch.

Xem xét kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp khách sạn, giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp logistics kinh doanh dịch vụ kho bãi trong năm 2021; Xem xét giảm chi phí thuế cầu đường, cảng… với tình hình dịch bệnh hiện nay.

Ông dự báo thế nào về tình hình kinh doanh 6 tháng cuối năm?

Trong năm nay, chủ trương “không ngăn sông cấm chợ”, “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu chúng ta kịp thời triển khai chiến dịch vắc - xin toàn quốc, tạo miễn dịch cộng đồng hiệu quả, nền kinh tế từ giờ đến cuối năm sẽ về trạng thái bình thường và có khởi sắc rõ rệt.

Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng. Các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vắc - xin Covid-19 tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi Chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản...

Tôi vẫn có niềm tin mạnh mẽ rằng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng ở mức 6,5-6,7% trong năm 2021 như mục tiêu.

Riêng với Dolphin Sea Air, tôi cũng tin là đạt được mức tăng lợi nhuận ròng ít nhất 10% trong năm 2021. Đến hết quý II/2021, chúng tôi đã đạt được 90% mục tiêu này.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục