Cơ quan soạn thảo phải chủ trì tham vấn và chịu trách nhiệm toàn bộ
Chiều 13/2, tiếp chương trình Kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi).
Cơ bản đồng tình với nhiều nội dung mới được sửa đổi, bổ sung lần này trong dự thảo Luật, trong đó có quy định tham vấn chính sách khi xây dựng VBQPL, song đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) còn băn khoăn về quy định phạm vi đối tượng cần tham vấn chính sách.
Ông Hoà cho rằng, đây là một vấn đề rất mới mà luật hiện hành không có, đồng thời là một khâu cực kỳ quan trọng để cơ quan trình chính sách hoặc cơ quan thẩm tra lấy ý kiến của các ngành, những người có liên quan, đặc biệt là những đối tượng bị tác động.
Hiện dự thảo Luật mới đề cập đến vai trò tham vấn của các cơ quan thuộc Quốc hội và các bộ ngành, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo lưu ý cần lấy ý kiến rộng rãi, đặt mục tiêu doanh nghiệp và người dân là trên hết, đặc biệt là những đối tượng chịu tác động liên quan đến dự thảo luật cần lấy ý kiến.
"Ý kiến tham vấn của đại biểu của Quốc hội thì cũng cần nhưng không nhất thiết phải lấy nhiều, vì đại biểu Quốc hội trong thảo luận ở hội trường, thảo luận ở tổ đã phát biểu", ông Hoà lưu ý.
Nội dung thứ hai đại biểu lưu ý là việc phân công trong tham vấn chính sách. Theo dự thảo Luật, trên cơ sở đề xuất của cơ quan lập tờ trình và theo phạm vi, quyền hạn lĩnh vực phụ trách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan khác của Quốc hội để tham vấn chính sách.
"Tôi cho rằng không nên quy định như vậy. Thay vào đó, cơ quan soạn thảo phải chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội để thực hiện nhiệm vụ tham vấn chính sách.
Ban soạn thảo phải chịu trách nhiệm từ đầu tới cuối về nội dung soạn thảo, cho đến khi thông qua Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì lúc đó thuộc phạm vi của Thường vụ Quốc hội", ông Hoà đề xuất.
Quy định tham vấn trong dự thảo Luật là chưa "đúng vai"
Hiện nay, dự thảo luật quy định các Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm cho ý kiến tham vấn. Các Ủy ban phải tổ chức hội nghị, lập báo cáo về kết quả tham vấn, chậm nhất 20 ngày kể từ ngày nhận được tài liệu thì phải gửi báo cáo kết quả tham vấn đến cơ quan soạn thảo. Các Ủy ban phải chịu trách nhiệm về nội dung tham vấn và thời hạn tham vấn.
|
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) |
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định về tham vấn chính sách tại dự thảo Luật là là cần thiết, nhưng nếu áp dụng quy định này với các Ủy ban của Quốc hội thì chưa hợp lý, vì các lý do như sau:
Một là, chưa phù hợp với Hiến pháp, vì Điều 75, Điều 76 của Hiến pháp khi quy định về chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban thì chỉ quy định chức năng thẩm tra, giám sát, không quy định trách nhiệm tham vấn đối với các vấn đề nêu trong dự thảo.
Hai là, quy định này không phù hợp với Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, chưa phù hợp với dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội trình tại kỳ họp này, chưa phù hợp với dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ của các Ủy ban, do cả ba văn bản này chỉ đều quy định về chức năng thẩm tra mà không quy định về hoạt động tham vấn đối với các Ủy ban.
Thứ ba, quy định này cũng cần cân nhắc, vì chưa thực sự phù hợp với Văn bản số 13078 của Bộ Chính trị. Theo đó, Bộ Chính trị quán triệt rất rõ ràng, đó là việc hoàn thiện Luật Ban hành VBQPPL phải hạn chế tối đa các quy trình, thủ tục và nay với quy định này thì cũng đồng nghĩa với việc thêm quy trình, thêm thủ tục.
Thứ tư, quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến hệ quả là chưa "đúng vai", quy trình lấy ý kiến hoàn thiện chính sách trước khi trình Quốc hội là trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, quy định này sẽ dẫn đến các Ủy ban của Quốc hội có thêm trách nhiệm không đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình. Cũng có một số ý kiến cho rằng tham vấn là để khi thẩm tra thì các vấn đề lớn đã được xử lý trước khi thẩm tra. Câu hỏi đặt ra là liệu như vậy có cần quy trình thẩm tra nữa hay không?
Thứ năm, đó là căn cứ thực tiễn hiện nay mặc dù chưa có quy trình tham vấn thì các Ủy ban của Quốc hội vẫn theo dõi, bám sát việc xây dựng chính sách ngay từ đầu thông qua việc tổ chức các hội thảo lấy ý kiến, thông qua việc cử người vào tổ biên tập, vào Ban soạn thảo. Theo đánh giá tại Tờ trình của Chính phủ thì việc phối hợp giữa hai cơ quan là rất tốt.
"Chính vì những lý do đó, tôi cho rằng cần cân nhắc và nên bỏ quy định về trách nhiệm tham vấn chính sách tại dự thảo luật. Việc quy định tham vấn là cần thiết, nhưng đó là tham vấn với các chuyên gia, với các nhà khoa học, với các cá nhân đại biểu Quốc hội và thậm chí với từng thành viên Ủy ban, nhưng đó là tính chất cá nhân, còn hình thành nên một quy trình để áp dụng cho một ủy ban thì chưa hợp lý.", bà Lê Mai nói.
Cụ thể hoá nội dung về tham vấn chính sách tại Hiến pháp vào dự thảo Luật
Thống nhất với ý kiến của đại biểu Lưu Mai về nội dung tham vấn chính sách, song đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) nêu ý kiến tiếp cận ở một góc độ khác.
|
Đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hoá) |
Theo quy đại khoản 3 Điều 6 và khoản 2 Điều 30 của dự thảo luật thì cơ quan lập đề xuất chính sách thực hiện tham vấn Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ đối với chính sách liên quan trực tiếp thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, theo quy định tại khoản 3 Điều 75 của Hiến pháp năm 2013 thì khi ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc, Chính phủ phải lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc. Đây là quy định của Hiến pháp, thể hiện sự khác biệt về nhiệm vụ, quyền hạn giữa Hội đồng Dân tộc với các cơ quan của Quốc hội.
"Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải cụ thể hóa nội dung tại khoản 3 Điều 15 của Hiến pháp vào dự thảo luật. Theo đó, tôi đề nghị bổ sung thêm một nội dung, đó là lấy ý kiến của Hội đồng Dân tộc đối với chính sách dân tộc (nếu có) vào Điều 6 và Điều 30 của dự thảo Luật", bà Xuân nêu ý kiến.