Bộ Công thương và Bộ Thương mại Trung Quốc vừa tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung nhằm tập trung trao đổi các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới.
Sự kiện là hoạt động nhằm tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp trực tuyến ngày 26/12/2021 về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Tại kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung, Bộ Công thương tiếp tục đề nghị Trung Quốc khôi phục thông quan tại các cửa khẩu biên giới đang tạm dừng hoạt động; khôi phục nhập khẩu trái cây tươi, hàng đông lạnh tại một số cửa khẩu, mở rộng danh mục các cửa khẩu được chỉ định nhập khẩu trái cây, lương thực đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thông tin từ Sở Công thương Lạng Sơn, tính đến 3/1/2022, vẫn còn tới 2.400 container hàng hoá ùn ứ tại các cửa khẩu của địa phương này, 60% trong số này là xe chở trái cây tươi..
Liên quan việc hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định tại Lệnh số 248 và Lệnh số 249 của phía Trung Quốc, Bộ Công thương Việt Nam đề nghị Hải quan Trung Quốc sớm cung cấp kết quả đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã được Bộ Công thương gửi tới Hải quan Trung Quốc, tiếp tục cung cấp thông tin, hướng dẫn làm rõ và khắc phục những vấn đề bất cập có liên quan tới các doanh nghiệp và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
Bộ Công thương đề nghị phía Trung Quốc dành thời gian quá độ hoặc lùi thời hạn áp dụng 2 Lệnh này thêm 8 tháng để giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thời gian chuẩn bị, đáp ứng các quy định mới của phía Trung Quốc.
Vào tháng 4/2021, Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 về "Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu", và Lệnh 249 về "Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu". Hai lệnh này có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc tuân thủ những quy định mới.
Hai Lệnh 248, 249 cũng nhấn mạnh việc gia tăng các quy định kiểm soát gồm nâng cao tỷ lệ lấy mẫu giám sát thực phẩm nhập khẩu tương ứng. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đăng ký khi sản xuất và xuất khẩu 18 nhóm thực phẩm vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm không thuộc nhóm 18 loại này, doanh nghiệp sẽ tự nộp hồ sơ đăng ký hoặc ủy thác đại lý thực hiện.
Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, 11 tháng năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt 149,56 tỷ USD, tăng 26,94% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 50,16 tỷ USD, tăng 16,11%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 99,39 tỷ USD, 33,21%; nhập siêu ở mức 49,23 tỷ USD, tăng 56,72% so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ nhất, là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai sau Mỹ.