Đề nghị "siết" hoạt động mở tài khoản ngân hàng để kiểm soát tội phạm lừa đảo qua mạng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) khi tham gia thảo luận về giải pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)

Mua, bán tài khoản ngân hàng diễn ra công khai trên mạng xã hội

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 8/11, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho biết, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực tư pháp mà ông quan tâm là tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng.

Vị đại biểu nói, loại hình tội phạm này đang có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội và thực tế, việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.

Tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.

Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)

"Cụ thể, việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản, sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ", ông Huấn nói và nhấn mạnh: "Chính vì lý do trên, các đối tượng phạm tội đã sử dụng các tài khoản này để chuyển tiền nhằm hợp pháp hóa đồng tiền sau khi chiếm đoạt".

Bên cạnh đó, việc điều tra loại tội phạm này cũng rất khó khăn, bởi vì các chủ tài khoản này có địa chỉ ở các tỉnh khác nhau. Bản thân các chủ tài khoản không biết ai đang sử dụng các tài khoản của mình. Chính vì lý do này, việc điều tra thường không xác định được bị can, dẫn đến vụ án kéo dài phải tạm đình chỉ.

Bàn về giải pháp khắc phục, đại biểu đoàn Thái Nguyên cho rằng, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản, việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân; có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua, bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng.

"Mặc dù Bộ luật Hình sự đã có quy định nhưng tôi thấy chưa chặt chẽ, cơ chế chưa đảm bảo", ông Huấn khẳng định.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng.

Tội phạm công nghệ cao nhắm đến ăn cắp thông tin thẻ tín dụng

Cũng tham gia thảo luận về tội phạm qua mạng, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) trăn trở về mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên không gian mạng, nền tảng số, nguy cơ về mất an toàn thông tin đang có chiều hướng gia tăng.

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)

Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)

Ông Bình chỉ rõ, sự cố nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tình trạng rò rỉ dữ liệu người dùng chưa được kiểm soát. Nhiều trang mạng trong nước và quốc tế vẫn liên tục rao bán dữ liệu chứa thông tin về căn cước công dân số, điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người Việt Nam.

Các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đáng lo ngại hơn nữa là sự tràn lan của các tin giả. Mặt khác, các tổ chức tội phạm đang coi không gian mạng là môi trường kiếm lợi và che đậy hành vi phạm tội.

Đại biểu Bình đánh giá, nguyên nhân của tình trạng trên là do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay biện pháp cần phải tiến hành để bảo vệ thông tin, giải pháp ứng cứu, khắc phục hay ngăn chặn xâm nhập.

Luật cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đền bù khi xảy ra hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh)

Bên cạnh đó, ý thức trong việc truy cập Internet sử dụng dịch vụ nền tảng số của người Việt Nam còn tương đối thấp và còn rất chủ quan.

Việt Nam hiện đứng thứ 80 trên thế giới về ứng dụng công nghệ thông tin nhưng tỷ lệ người dân có ý thức trong việc bảo đảm an toàn thông tin chỉ khoảng 11%. Cùng với đó là hạn chế về cơ sở hạ tầng liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Từ đó ông Bình kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành quan tâm tiếp tục ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Đồng thời, có giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên, người tiêu dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin; nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ miễn dịch trước những thông tin độc hại.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục