Chiều 21/10, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật việc làm và thảo luận một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
So với Dự thảo luật được trình Quốc hội tại kỳ họp trước, Dự thảo Luật lần này đã có sự chỉnh lý, tiếp thu một số vấn đề.
Dự thảo trình Quốc hội gồm 7 chương, 61 điều, trong đó có 32 điều liên quan đến các chính sách thị trường lao động chủ động (bao gồm các chính sách hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm) và 19 điều về chính sách thị trường lao động thụ động (bảo hiểm thất nghiệp).
Góp ý vào Dự thảo luật, các đại biểu tập trung nội dung hỗ trợ tín dụng cho các đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề
Về chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm, Dự thảo Luật quy định, Nhà nước thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.
Cụ thể, Điều 12 quy định, đối tượng được vay vốn từ Quỹ gồm hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động.
Riêng với hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng đặc biệt khó khăn sẽ được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.
Theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (tỉnh Đắc Nông), trong chính sách của Nhà nước về việc làm có quy định hỗ trợ đối với chủ sử dụng nhiều lao động nữ, khuyết tật, người dân tộc thiểu số, nhưng trong quy định về ưu đãi tín dụng lại không có quy định về đối tượng lao động nữ. Do đó, đại biểu Ngọc Hạnh đề nghị bổ sung hợp tác xã, hộ kinh doanh... sử dụng nhiều lao động nữ cũng được vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia với lãi suất thấp hơn.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương đề nghị làm rõ tiêu chí định lượng “nhiều lao động” để có căn cứ thực hiện Luật. Việc chỉ quy định chung chung nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, mà không làm rõ bao nhiêu là nhiều sẽ dẫn đến khó xác định đối tượng được ưu đãi. Nếu không quy định cũng cần giao Chính phủ hướng dẫn thi hành.
Đại biểu Lưu Thành Công tán thành quy định hỗ trợ tín dụng cho một số đối tượng như tại Điều 12 nhằm giúp người lao động vươn lên thoát nghèo. Song đại biểu Công cho rằng, cần lưu ý đến các đối tượng sử dụng nhiều lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn cao. Đây là các ngành nghề thường đòi hỏi công nghệ cao, suất đầu tư lớn nhưng lại có vai trò quan trọng để hoàn thành mục tiêu hướng nền kinh tế công nghệ cao. Do đó, đối tượng này cần được ưu đãi về tín dụng.
Đại biểu Lê Đắc Lâm đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng được vay vốn là các lao động thuộc hộ bị giải tỏa vì khi tới khu định cư thường không đảm bảo việc làm. Do đó cần có sự hỗ trợ đối với các đối tượng này. Sau buổi thảo luận chiều 21/10, ngày 16/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Việc làm.
Sáng nay 22/10, Quốc hộ sẽ nghe một số báo cáo gồm Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013...