Đề nghị DOC khách quan, công bằng trong điều tra phòng vệ thương mại

0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị Bộ Thương mại Mỹ khẩn trương nối lại đối thoại với Việt Nam về kinh tế thị trường, khách quan, công bằng trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại,
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải làm việc với đoàn Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA). Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải làm việc với đoàn Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA).

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã có nhiều kiến nghị về các vấn đề liên quan đến thương mại, phòng vệ thương mại, năng lượng... trong buổi làm việc với đoàn Bộ Thương mại Mỹ (DOC), Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ (USTDA) cùng một số doanh nghiệp Mỹ tại Trụ sở Bộ Công thương.

Ông khẳng định quan hệ Việt - Mỹ đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong bối cảnh cả Việt Nam, Mỹ đang tích cực triển khai các kết quả đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, đồng thời cùng 11 quốc gia vừa thống nhất khởi động quá trình thảo luận về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF).

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị DOC khẩn trương nối lại đối thoại với Việt Nam về vấn đề kinh tế thị trường, khách quan và công bằng trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.

Đại diện ngành Công thương cũng đề nghị DOC có ý kiến với Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) và Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cần xây dựng cơ chế thực thi Đạo luật chống sử dụng lao động cưỡng bức (UFLPA) một cách khách quan, công bằng, đảm bảo lợi ích của người lao động Việt Nam và người tiêu dùng Mỹ, không tạo ra rào cản không chính đáng cho xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giải trình với CBP về nguồn gốc nguyên liệu.

Lãnh đạo Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận những quan tâm của Việt Nam, cập nhật một số tiến triển trong hoạt động đối thoại chính sách trong thời gian gần đây, đồng thời bày tỏ mong muốn hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo thực hiện thành công các cam kết về khí hậu tại COP 26.

Sau hơn 26 năm bình thường hóa quan hệ (từ năm 1995), quan hệ song phương Việt - Mỹ phát triển rất nhanh, đạt nhiều kết quả tốt đẹp trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với việc ký kết Hiệp định thương mại song phương (năm 2000); Mỹ thông qua Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho Việt Nam (năm 2006); hai nước ký Hiệp định khung về thương mại và đầu tư (năm 2007); xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ (năm 2013)...

Thương mại song phương Việt - Mỹ đã tăng khoảng 250 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên hơn 111 tỷ USD năm 2021, tăng gần 21 tỷ USD so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 96,29 tỷ USD, tăng 24,9% so với năm 2020. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 28,6% kim ngạch xuất khẩu.

Nhiều năm qua, Mỹ là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với gần 1.150 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 10,3 tỷ USD, xếp thứ 11/141 nền kinh tế có đầu tư tại Việt Nam.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục