Đề nghị Chính phủ có ý kiến về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trước 1/4/2022

0:00 / 0:00
0:00
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp thứ 9, tháng 3/2022.
Phiên thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Phiên thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quy định về bảo hiểm vi mô trong dự thảo Luật, đề nghị rà soát, hoàn chỉnh thêm để bảo đảm khả thi khi tổ chức thực hiện.

Theo kết luận thì giấy phép thành lập, hoạt động cũng chính là Giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp như quy định của Luật hiện hành, đồng thời, khi doanh nghiệp bảo hiểm mở, chấm dứt hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện chỉ cần gửi văn bản thông báo cho Bộ Tài chính nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề còn nhiều băn khoăn là Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, ông Cường cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí dừng trích nộp quỹ này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục duy trì Quỹ, vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này, nêu rõ sự cần thiết phải duy trì Quỹ này, hiệu quả sử dụng Quỹ thời gian qua, đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng liên quan.

Sau khi tiếp thu các ý kiến tham gia, Ủy ban Kinh tế gửi tài liệu dự án Luật được tiếp thu, chỉnh lý để Chính phủ tham gia ý kiến bằng văn bản. Văn bản ý kiến của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 01/4/2022, kết luận nêu rõ.

Trước đó, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành và dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

Mục đích thiết lập của 2 Quỹ này đều hướng tới bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. Nhưng việc duy trì đồng thời cả 2 Quỹ là không cần thiết, tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm vì số tiền trích nộp quỹ được tính theo tỷ lệ phần trăm của phí bảo hiểm do bên mua bảo hiểm đóng theo hợp đồng bảo hiểm.

Hơn nữa, sau gần 12 năm trích nộp, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.

Ngoài nội dung trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp, đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm…, bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Theo kết luận, Thường trực Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu theo quy định.

Các cơ quan này cũng được yêu cầu chuẩn bị hồ sơ báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan, tổ chức hữu quan; tập hợp đầy đủ các ý kiến tham gia để tiếp tục hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục