Việt Nam 2020: Ngôi sao sáng trong bầu trời đêm
Năm 2020, Việt Nam là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Một người bạn của tôi làm ở Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, rất ít kinh tế gia nghĩ Việt Nam lại có thể có tăng trưởng kinh tế cao hơn 2,5%. “Vậy mà nước bạn lại làm được, thật đáng kinh ngạc”, bạn nói với tôi vào đầu năm 2021 như thế.
Quan trọng hơn con số tăng trưởng kinh tế là việc dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Đây là một thành quả rất quan trọng. Sự đối lập giữa đêm giao thừa tấp nập ở Việt Nam với sự vắng lặng của Quảng trường Thời đại ở New York của Mỹ, khu vực xung quanh cầu London của nước Anh hay tháp Eiffel của Pháp đã nói lên tất cả.
Các nước như Anh, Mỹ, Pháp không có cảm giác đang “sống”. Người ta đã trải qua một đêm giao thừa vắng lặng, mặc dù pháo hoa vẫn bắn như bình thường. Ở thời điểm giao thừa những năm bình thường, tìm được một chỗ chen chân ở những địa điểm nổi tiếng nói trên để đứng xem pháo hoa là cả một nhiệm vụ khó khăn.
|
Ông Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên Đại học Bristol, Anh) |
Sự vắng lặng bất thường đó đối lập với không khí tràn đầy sức sống ở Việt Nam. Bức tranh đêm giao thừa là một bằng chứng rõ ràng nhất cho chiến lược chống dịch đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cũng như nỗ lực giúp nhau vượt khó trong một năm đầy khó khăn của mọi người dân.
Sự đồng thuận của nhân dân, tin tưởng vào chính sách chống dịch của Chính phủ là điều làm nên một kỳ tích 2020. Trong một bài blog trên trang chủ của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả Jacques Morisset gọi Việt Nam là “ngôi sao sáng trên bầu trời đêm”. Xét trên thực tế năm 2020, đó không phải là lời khen quá mức.
Lựa chọn đúng đắn trong chiến lược chống dịch trong khi vẫn kiên định mục tiêu phát triển kinh tế đã giữ lại cho Việt Nam một thứ mà tôi tin là quý giá nhất: hy vọng và niềm tin vào tương lai. Theo kết quả cuộc khảo sát vừa được công bố của Gallup International, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về chỉ số kỳ vọng kinh tế, chỉ xếp sau Nigeria và Azerbaijan.
Ở ngay trong một nền kinh tế đang bị Corona virus tàn phá dữ dội nhất của năm 2020 là Anh, tôi có thể nhận thấy được rõ ràng tầm quan trọng của hy vọng. Không có hy vọng, không còn niềm tin, người ta dễ buông xuôi. Doanh nghiệp không đầu tư mới, lui về cố thủ. Người dân giảm chi tiêu, khiến doanh số bán lẻ sụt giảm. Đầu tư và chi tiêu giảm sẽ dẫn đến kinh tế thu hẹp, số doanh nghiệp phá sản và số người thất nghiệp tăng, nợ xấu ngân hàng tăng. Nó như một vòng xoáy sẽ lại khiến người dân bi quan hơn về tương lai.
Việt Nam đã tránh được vòng xoáy đó với chính sách đúng đắn về chống dịch của mình. Thế nhưng, mặc dù chúng ta đạt tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm hàng đầu thế giới và thành công khi kiểm soát dịch bệnh cực kỳ hiệu quả với nguồn lực hạn hẹp của mình, cái giá phải trả cho cuộc chiến “chống giặc Covid-19” cũng không nhỏ.
Theo Tổng cục Thống kê, tính gần đúng thì cứ 3 người dân, có một người bị giảm thu nhập do dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp phản ánh với truyền thông rằng, họ chỉ dám mong “tồn tại”, chứ chưa dám nghĩ “cá hóa rồng”. Các hãng hàng không, lữ hành và khách sạn vẫn đang chật vật đối mặt với thua lỗ nặng nề.
Vì vậy, vẫn còn rất nhiều điều cần làm trong năm 2021 để khôi phục nền kinh tế, để tăng trưởng kinh tế quay lại khu vực xấp xỉ 7%. Quan trọng hơn, đó phải là tăng trưởng bền vững, không để ai tụt lại phía sau, chứ không phải là “hồi phục kinh tế hình chữ K”, nghĩa là một bộ phận nhỏ “bay cao” lên trời, còn một bộ phận lớn tụt lại phía sau (phần dưới của chữ K).
Một cuộc Đại phục hồi kinh tế cần có những trụ cột nào?
Trước tiên là phải giữ lại việc làm và sinh kế cho càng nhiều người lao động càng tốt. Muốn như vậy, tiền phải đến được những người kinh doanh nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vậy thì phải nói đến chuyện chi tiền và đầu tư trong nền kinh tế.
Tình hình giải ngân đầu tư công của năm 2020 khả quan là một trong những động lực khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt thành quả đáng khích lệ trong năm qua. Cụ thể, giải ngân đầu tư công tăng 34% so với năm 2019, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.
Mặt khác, dư nợ tín dụng của nền kinh tế cũng tăng khoảng 12% so với cuối năm 2019, đặc biệt là chỉ trong 10 ngày cuối cùng của năm 2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng khá mạnh thêm 2%.
Lựa chọn đúng đắn trong chiến lược chống dịch trong khi vẫn kiên định mục tiêu phát triển kinh tế đã giữ lại cho Việt Nam một thứ mà tôi tin là quý giá nhất: hy vọng và niềm tin vào tương lai.
Những con số trên cho thấy, chi tiêu của Chính phủ và tín dụng của ngân hàng có những mặt rất khả quan. Nhưng có một vấn đề. Đó chính là câu hỏi “tiền đi đâu?”.
Theo phản ánh trên truyền thông, những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và người kinh doanh nhỏ lẻ không tiếp cận được những nguồn vốn này. Khảo sát doanh nghiệp về thực trạng nhận các gói hỗ trợ Covid-19 lần 1 do Trường đại học Kinh tế quốc dân công bố vào tháng 10/2020 cho thấy, 80% doanh nghiệp không nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ.
Điều này không phải chỉ Việt Nam mới có. Ngay ở các nước khác, chẳng hạn Mỹ với những gói chi tiêu ngàn tỷ USD, thậm chí chi tiền trực tiếp tới tay người dân, thì lợi ích của đa số gói hỗ trợ kinh tế rơi vào tay các công ty lớn. Nỗi lo các công ty lớn sẽ ngày một lớn hơn, trong khi các công ty nhỏ phá sản và teo tóp dần đã trở thành hiện thực ở Mỹ.
Trong một phát biểu với báo chí, bà Janet Yellen, người vừa trở thành nữ Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên của Mỹ, đã gọi tình hình các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bị đóng cửa và người lao động thất nghiệp là “thảm kịch của nước Mỹ”. Trong bài trả lời phỏng vấn với truyền thông, bà nhấn mạnh, các gói kích thích kinh tế cần phải tạo ra “cơ hội bình đẳng để tất cả đều tiến lên phía trước”, ngầm nhấn mạnh việc các đại công ty đang được “nuông chiều” và hỗ trợ quá mức trong thời gian dịch bệnh, dễ dàng tiếp cận vốn hỗ trợ, trong khi các công ty nhỏ đang dần “héo úa”.
Gregory Peters, quản lý Quỹ đầu tư PGIM Fixed Income gọi đây là “gót chân Achilles của tiến trình hồi phục kinh tế”. Còn Robin Wigglesworth gọi nó là “một nền kinh tế hai đường chạy” (“two-track economy”), trong đó đường chạy của công ty lớn thì rộng thênh thang, còn đường chạy của công ty nhỏ thì ngày càng bị bó hẹp lại. Điểm đối lập là chỉ có vài trăm đến một ngàn đại công ty chạy trên xa lộ thênh thang, còn mấy trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ thì phải chen chúc trong một đường chạy vô cùng hẹp.
Những câu chuyện đó để chỉ ra, trụ cột quan trọng nhất của hồi phục kinh tế, không để ai rơi lại phía sau, tạo ra cơ hội bình đẳng để tiến về phía trước, là phải làm sao để doanh nghiệp nhỏ, bộ phận thu hút nhiều lao động nhất của nền kinh tế, tiếp cận được vốn càng sớm càng tốt. Nhưng điểm khó ở đây là các doanh nghiệp này thường có rủi ro cao, ngân hàng thường không muốn mạo hiểm cho họ vay và có cho vay thì lãi suất cũng không rẻ. Do đó, cần có những chương trình hỗ trợ vốn của chính phủ cho doanh nghiệp nhỏ, với tiêu chí cho vay cực kỳ minh bạch và đơn giản, đảm bảo giải ngân vốn nhanh. Chương trình này có thể thông qua trung gian ngân hàng hoặc không, nhưng phải đơn giản và minh bạch đến mức mà doanh nghiệp cứ đủ điều kiện là phải được giải ngân, ai không giải ngân đúng quy trình phải chịu trách nhiệm. Có như vậy, trụ cột thứ nhất mới được đảm bảo.
Trụ cột thứ hai của cuộc phục hồi kinh tế là phải tiến tới bền vững. Mohamed El-Erian, Cố vấn kinh tế trưởng của Allianz và là Chủ tịch Hội đồng Phát triển toàn cầu dưới thời ông Obama chỉ ra rằng, hồi phục bền vững phải bao gồm các yếu tố: đổi mới hạ tầng, đầu tư vào kinh tế xanh, tái đào tạo nguồn nhân lực và cải cách thuế. Ba nhân tố đầu tiên cần có nhiều tiền đầu tư của chính phủ, hoặc hợp tác công - tư vào hạ tầng kinh tế, đặc biệt là “hạ tầng xanh”, gần gũi với môi trường và đào tạo lại kỹ năng nghề nghiệp cho những ngành nghề đang bị mất đi do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Covid-19 tạo ra. Làm sao để những tiếp viên hàng không, người phục vụ nhà hàng bị mất việc có thể trở thành lập trình viên, chuyên gia phân tích dữ liệu.
Ở lĩnh vực cải cách thuế, đó là cách để cân bằng lại những chi tiêu của chính phủ. Chúng ta cần một hệ thống thuế công bằng hơn. Nhiều người giàu, có nhiều tài sản, dễ tiếp cận vốn ngân hàng, đã hưởng lợi từ cơn sốt tài sản do môi trường lãi suất thấp của Covid-19 tạo ra. Họ cần phải trả nhiều thuế hơn. Nhiều công ty FDI, đại công ty chỉ phải trả thuế suất thực tế 1/3 hay ít hơn những gì họ phải trả cũng phải trả đúng phần thuế mà họ nên trả. Đó là thông điệp của ông Biden khi phát biểu về gói hỗ trợ kinh tế 1.900 tỷ USD vừa được đề xuất gần đây ở Mỹ.
Trụ cột cuối cùng, các nhà hoạch định chính sách phải làm gì đó để hạn chế sự tách biệt kiểu “đường tình đôi ngả” của nền kinh tế và thị trường tài chính. Kinh tế thì tăng trưởng chật vật, nhưng thị trường cổ phiếu tăng điểm không ngừng và đã có dấu hiệu một số phân khúc bất động sản cũng bật lên theo. Sự “vênh” giữa kinh tế và thị trường tài chính đặt ra không ít rủi ro có tính hệ thống cho nền kinh tế, nhất là khi lãi suất bắt đầu tăng trở lại. Khi tài sản tài chính tăng nhanh trong thời điểm lãi suất rẻ, nó có thể rớt rất mạnh khi lãi suất bắt đầu tăng.
Những cuộc tháo chạy hoảng loạn không chỉ sẽ khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ bị mất tiền, mà còn có thể kéo theo sự sụp đổ của những định chế tài chính đã mạo hiểm cho họ vay quá mức trong thời kỳ “tiền rẻ”. Để đại phục hồi kinh tế không đi kèm với quả bong bóng phình quá to của tài sản tài chính, các nhà hoạch định vĩ mô cần phải sớm áp đặt các tiêu chí phòng ngừa rủi ro phù hợp lên định chế tài chính và thị trường cổ phiếu trước khi mọi việc ra khỏi tầm kiểm soát.