Để lĩnh vực rủi ro “không nóng cũng không lạnh”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai đồng bộ nhiều pháp để tín dụng lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán… “không nóng cũng không lạnh”.

Tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022 vào trung tuần tháng 7 vừa qua, ông Phạm Chí Quang, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến thực tế.

Theo đó, ông Quang nhấn mạnh, NHNN điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát; chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Trên thực tế, thông điệp không hạn chế nguồn vốn ngân hàng vào chứng khoán, địa ốc nhưng kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào lĩnh vực rủi ro đã được NHNN truyền thông rộng rãi. Về vấn đề này, ông Hồ Vân Long, Phó tổng giám đốc VIB chia sẻ, Việt Nam là một trong những quốc gia phát triển năng động nhất trên thế giới, do đó nhu cầu vốn tín dụng từ dân cư và doanh nghiệp là rất lớn. Theo đó, hệ số tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới, nên NHNN đã sử dụng hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng để điều hướng, kiểm soát và lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, duy trì hoạt động tín dụng ổn định trong thời gian dài.

“Tôi cho rằng, việc điều hành phân bổ tín dụng là phù hợp với tình hình hiện nay, phù hợp với năng lực của các ngân hàng và tình hình phát triển nguồn của thị trường vốn Việt Nam”, ông Long nói.

Thực tế, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính - ngân hàng, nên liên tục được cảnh báo bởi các định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tiền quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) hay các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Nhận xét về quy mô dư nợ tín dụng/GDP, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng khẳng định là ngày càng lớn và đang ở mức khoảng 140%, cho thấy nền kinh tế đang phụ thuộc vào tín dụng, dẫn đến việc lựa chọn kiểm soát tín dụng thận trọng.

Còn Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2021 (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng cung tiền M2 (tiền mặt trong lưu thông, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn) và tỷ lệ M2/GDP, tín dụng/GDP ở mức rất cao so với các nước trong khu vực, lần lượt đạt 200% và 150%.

Ông Quang cho biết, thời gian tới đặt ra thách thức đối với công tác điều hành tín dụng của hệ thống ngân hàng để phát triển hài hòa thị trường tiền tệ với thị trường vốn; từng bước chuyển vai trò cân đối vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân đoạn của thị trường vốn, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cụ thể hơn, để tăng cường quản lý, kiểm soát rủi ro đối với tín dụng bất động sản nhằm thúc đẩy thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tích cực cho tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, ông Quang cho biết, cơ quan quản lý tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách sau:

Một là, điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khẩn trương thực hiện các giải pháp phát triển, phục hồi kinh tế - xã hội tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Hai là, tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả gắn với chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có đầu tư, kinh doanh bất động sản; tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn để mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ.

Ba là, hoàn thiện hành lang pháp lý thông qua việc ban hành các văn bản về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện quy định pháp luật hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển bền vững, đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của TCTD.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục