Để kinh tế ban đêm không phải là “đi nhậu đêm”

(ĐTCK) Kinh tế ban đêm tại Việt Nam vốn đã tồn tại. Ở bất kỳ một đô thị nào cũng sẽ tìm thấy một khu “ăn đêm” nhưng thực chất là “nhậu đêm”. Nhưng có một thứ “kinh tế ban đêm” khác đang tồn tại trên thế giới. Đó là khi vốn xã hội được huy động tổng lực để làm nên một đời sống ban đêm có cả âm nhạc, festival, có cả giao thông công cộng lẫn an ninh, có cả người thích nhậu và người yêu nhạc jazz cùng thức đến sáng, đa dạng như ban ngày.
Sydney có cả một chiến lược bài bản cho nền kinh tế ban đêm (Ảnh: Internet).

Công thức Sydney

 “Hỏi thăm Angela” là một phần của chính sách kinh tế ban đêm tại Sydney. Đây là mật mã được thiết kế riêng cho tình huống: một người dù là nam hay nữ gặp tình huống khẩn cấp trong một tụ điểm giải trí, nhưng lại không thể nhờ người lạ xung quanh giúp đỡ.

Họ chỉ cần gặp nhân viên, và hỏi thăm Angela – một cách chơi chữ của Angel (thiên thần).

Cảnh sát Sydney đã tuyên truyền chương trình “Hỏi thăm Angela” theo tư vấn từ “Tổ tư vấn kinh tế ban đêm” của thành phố này.

Đó chỉ là một phần trong một hệ thống chính sách dày đặc của Sydney để tạo nên một đời sống kinh tế trị giá hàng tỷ USD khi mặt trời đã lặn. 

Chuyện này thì liên quan gì đến kinh tế? Họ hiểu rằng “kinh tế ban đêm” không chỉ là cho phép nhà hàng hay quán bar mở thông đêm. Để có một nền kinh tế thực sự, cần thêm rất nhiều giá trị thặng dư, cũng như sự quan tâm dành cho mọi khía cạnh của hoạt động về đêm.

Để biết thế nào là “kinh tế ban đêm” theo cách hiểu của Sydney, hãy nhìn vào Tổ tư vấn kinh tế ban đêm của họ. Nhóm này được thành lập năm 2018, gồm đại diện của nhiều lĩnh vực.

Họ có CEO của một công ty sở hữu 30 quán bar khắp đất nước; một chuyên gia về chính sách quản lý bia rượu; chủ một quán bar nhỏ (để đảm bảo tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ).

Nhưng ngoài ngành lưu trú và ẩm thực, hội đồng có tới 4 đại diện của các hãng thu âm, 2 chuyên gia về tổ chức festival và giám đốc sân khấu, âm nhạc.

Đời sống ban đêm ở đây còn phải được bổ sung các giá trị văn hóa, trình diễn, nghệ thuật. Họ có đại diện của phòng thương mại địa phương - vì kinh tế ban đêm bao gồm cả mua sắm.

Sydney cũng mời Philipp Wards, một tiến sĩ về tội phạm học và Michael Wynn-Jones, chuyên gia đầu ngành về an toàn xây dựng, phòng chống cháy nổ.

Nền kinh tế không bóng mặt trời đem lại hàng tỷ USD cho Sydney (Ảnh: Shutterstock).
Công thức Sydney, tạm coi bao gồm: (nhà hàng, quán bar + festival/âm nhạc/nghệ thuật trình diễn + thương mại + chính sách an ninh).

“Nightlife” - đời sống ban đêm được định nghĩa rất rộng. Nếu ai đó đã từng đến một thành phố đầu tư cho “nightlife”, họ sẽ thấy những chuỗi bán lẻ mở cửa 24/24 ở khắp các góc phố, không phải cửa hàng tiện lợi nhỏ.

Bạn có thể nhìn thấy một phụ nữ đẩy xe hàng chất đầy rau củ quả ở quầy thanh toán của Carrefour vào lúc nửa đêm tại Dubai.

Đó cũng là nơi dễ dàng tìm thấy một nhà hàng phục vụ bạn đồ ăn tươm tất và rượu ngon lúc gần sáng, hay là một club có cả nhạc sống. Tất nhiên, ở Hong Kong, nơi các chuyên gia tài chính tan sở vào lúc 23h, họ sẽ đi đến phòng gym.

Để xây dựng nền kinh tế không bóng mặt trời này, các thành phố lớn trên thế giới đã phải đổ ra một số lượng vốn xã hội khổng lồ: vốn đầu tư hạ tầng; vốn tri thức; vốn kinh nghiệm.

Ngoài hệ thống thương mại dịch vụ ban đêm, họ phải có hạ tầng giao thông, công tác an ninh, dịch vụ công… các bộ chính sách riêng cho ban đêm.

Nan đề của Việt Nam

Tại Việt Nam, “kinh tế ban đêm” tồn tại ở dạng những quán ăn đêm sẵn sàng xào đồ nhậu thơm lừng cho bạn uống bia đến 1-2 giờ sáng, nhưng chỉ dừng lại ở đó.

Ngay cả các mô hình “thí điểm” đang được thực hiện cũng dừng lại ở việc cho “bar, nhà hàng” mở đến 2 giờ sáng. 

Kinh tế ban đêm không phải là nhậu đêm đến 1-2 giờ sáng (Ảnh: Shutterstock).
Nhận thức về kinh tế ban đêm là “nhà hàng và quán bar” có thể dẫn tới những kịch bản mà nhiều nước trong khu vực đã gặp phải.
Tại Cambodia, bên dòng Mekong chảy qua thủ đô Phnom Penh, bạn bắt gặp những quán bar nghèo nàn với một bàn bi-a và vài cô gái ăn mặc hở hang được mở thông đêm.
Họ thắp đèn màu đỏ - theo đúng nghĩa đen và cả nghĩa bóng của hình ảnh này. Nói đó là kinh tế ban đêm cũng chẳng sai. Bởi đó là một loại giao dịch, diễn ra vào ban đêm.

Ban đêm đem đến những vấn đề rất phức tạp mà người ta cần sự chuẩn bị theo kiểu Sydney chứ không phải một quyết định hành chính “cho nhà hàng quán bar mở cửa đến x giờ”.

Công thức Sydney sẽ là một tổ hợp xa xỉ với Việt Nam, ngay cả ban ngày.

Nền dịch vụ của chúng ta thiếu yếu festival/âm nhạc/nghệ thuật trình diễn thường xuyên.

An ninh trật tự cũng là một vấn đề khi các cơ sở kinh doanh thường xuyên lẫn vào trong khu dân cư theo một đặc trưng quy hoạch kiểu Việt Nam. 

Thương mại là một thử thách khác: các chuỗi cửa hàng mở 24/24 tại Việt Nam hiện nay đa phần do doanh nghiệp FDI đầu tư. Đó là một cuộc chơi tốn tiền, vì chưa có khách, chưa hình thành đời sống ban đêm, mà vẫn phải duy trì hệ thống.

Chỉ có một số nhà đầu tư đang thực sự đổ tiền cho các festival và nghệ thuật trình diễn như một loại giá trị thặng dư trong ngành dịch vụ.

Các khu giải trí lớn, đủ biệt lập với khu dân cư cũng chưa nhiều. Một vài thành phố du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang hay Hạ Long đang hình thành các khu như vậy. 

Thủ phủ du lịch Đà Nẵng buồn tẻ về đêm (Ảnh: Shutterstock).
Nhưng như ở Đà Nẵng, những tổ hợp giải trí quy mô và biệt lập đủ sức hút du khách như thế mới chỉ hoạt động ban ngày. Du khách đến Đà Nẵng chưa thể trải nghiệm những công viên trên biển, công viên dưới đại dương, hay những khu giải trí lớn mở cửa tới 6h sáng. 

Nhìn vào công thức Sydney, để có kinh tế ban đêm thực sự, các thành phố lớn ở Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Song chắc hẳn, thứ quyết định cho công cuộc khai phá này không gì khác chính là tư duy.

Bởi, bài toán khó của Việt Nam là cách nghĩ in hằn suốt nhiều thập kỷ: “kinh tế ban đêm” vốn đã có, kiểu ăn nhậu - chem chép xào rau muống uống với bia đến 1-2h sáng. 

Đặng Khôi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục