Làm tốt 3 nội dung chính, không lo gì nhà đầu tư không bỏ vốn
Gọi vốn là một vấn đề hết sức quan trọng mà các startup phải đặt ra khi bắt tay vào triển khai dự án. Không có vốn thì ý tưởng đằng trời cũng chỉ nằm trên giấy, sản phẩm có xuất sắc mấy cũng không thể sản xuất được, nói chi đến đưa ra thị trường.
Cho nên, gọi vốn là câu chuyện trọng tâm của người khởi nghiệp.
Các lý thuyết gia đưa ra nhiều lời giải cho vấn đề này, còn tôi, với kinh nghiệm của cá nhân qua quá trình khởi nghiệp, xin chia sẻ ba nội dung chính, nếu làm tốt thì không lo gì các nhà đầu tư không nhảy vào.
Đầu tiên là sản phẩm, phải có sản phẩm thuyết phục các nhà đầu tư.
Nếu như trên thị trường đã có những sản phẩm đó, người khởi nghiệp làm ra thêm một mẫu tương tự, thậm chí có khác biệt đôi chút thì chỉ là vô nghĩa dưới mắt nhà đầu tư.
Sản phẩm đó phải mới, độc, lạ, nếu như là độc quyền thì càng tốt. Làm cái người khác chưa làm mới mong ăn được trong rừng hàng hóa sản phẩm và dịch vụ hiện nay.
Và tất nhiên, sản phẩm đó phải có bản quyền sở hữu trí tuệ, có pháp luật bảo vệ và khó bị sao chép, mẫu mã cũng như quy trình công nghệ.
Điều lưu ý là sản phẩm độc đáo là một việc, nhưng quan trọng là sản phẩm đó có phù hợp với xu hướng của thị trường hay không, có được người tiêu dùng đón nhận hay không?
Để thuyết phục các nhà đầu tư, người khởi nghiệp phải khảo sát và nghiên cứu thị trường, đưa ra kết luận khách quan, có cơ sở khoa học và thực tiễn, không thể nói suông được.
Các nhà đầu tư luôn có những chuyên gia giàu kinh nghiệm, đủ sức đánh giá các loại sản phẩm có phù hợp với nhu cầu tiêu dùng hay không.
Nội dung thứ hai là xu hướng thị trường, hay nói đúng hơn là bắt kịp với đòi hỏi của tư duy tiêu dùng hiện đại. Các sản phẩm cần có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng cao.
Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, Steve Jobs “lật nghiêng” cả quả đất. Chính vì vậy, xu hướng sản phẩm công nghệ luôn được các nhà đầu tư ưu tiên.
Ngoài sản phẩm công nghệ, các nhà đầu tư quan tâm đến sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc là các sản phẩm xử lý các loại ô nhiễm môi trường. Ngày nay, doanh nhân không chỉ làm giàu cho mình mà mong muốn cống hiến cho xã hội, vì vậy khi có những dự án sản xuất những sản phẩm phục vụ cho cộng đồng, đem đến giá trị về sức khỏe, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp thì nhà đầu tư tham gia, không đặt lợi nhuận làm mục đích, mà vì lợi ích chung cho đất nước, thậm chí cho nhân loại.
Nội dung thứ ba là nhân sự. Các nhà đầu tư rất quan tâm đến những người khởi nghiệp đó là ai. Nhân sự đáp ứng được các vị trí quan trọng về chuyên môn công nghệ, quản trị, marketing, PR…
Nếu như dàn “chiến tướng” của một startup là những người giỏi, xuất sắc, có tài và có tâm, thì các nhà đầu tư sẽ tin cậy đổ vốn vào. Không ai đưa tiền cho những người tài năng nửa vời, làm thì ít, huênh hoang thì nhiều cả.
Hiện nay, có quá nhiều startup chào mời các nhà đầu tư, cho nên bị lẫn vào đám đông đó, không bao giờ huy động vốn thành công. Muốn huy động vốn thành công phải tạo sự khác biệt mới gây được sự chú ý của các nhà đầu tư và tạo được niềm tin để họ tham gia.
Tạo được niềm tin là thành công một nửa
Sách vở nói về gọi vốn quá nhiều, nhưng từ bài học chính cuộc đời mình, từng mời gọi vốn và từng được người ta gọi mời lại mình, tôi chia sẻ một số nguyên tắc để gọi được vốn:
Trước hết là minh bạch: Nói đúng sự thật về sản phẩm và tình trạng kinh doanh. Các startup trẻ thường hăng máu, quá “nổ” về sản phẩm của mình để đưa ra giá cao. Chỉ cần nghe con số trên trời là các nhà đầu tư nản, không cần quan tâm nữa.
Bảo đảm chắc chắn, không nói hai lời khi huy động vốn, đồng thời cần chứng minh một cách rạch ròi từng con số, từ chi phí doanh nghiệp đến dòng tiền lưu động, làm sao để nhà đầu tư thấy rằng đúng chính xác là số tiền cần sử dụng.
Xây dựng kế hoạch chi tiết: Kế hoạch hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là thước đo đối với các nhà đầu tư.
Người gọi vốn cần chia ra bao nhiêu giai đoạn, mỗi giai đoạn bao nhiêu tháng và đưa ra cam kết thực hiện đúng kế hoạch.
Căn cứ vào kế hoạch, nhà đầu tư chỉ góp vốn giai đoạn đầu, nếu kinh doanh thành công theo kế hoạch thì đóng tiếp vòng sau.
Đồng vốn huy động được chia từng giai đoạn để giảm áp lực cho nhà đầu tư và tăng tính hiệu quả trong sử dụng vốn. Khi đã có được niềm tin vì thực hiện đúng cam kết đối với từng vòng gọi vốn, thì càng về sau doanh nghiệp càng bớt nỗi lo gọi vốn.
Các nhà đầu tư sẽ hỏi cần bao nhiêu để họ đưa cho, đơn giản vì doanh nghiệp đã cho họ thấy năng lực thực sự và quan trọng là niềm tin. Trong kinh doanh, khi tạo được niềm tin thì đã thành công một nửa.
Phong trào khởi nghiệp ồn ào mấy năm nay, đi đâu cũng nghe khởi nghiệp, điều này có mặt tích cực là khơi nguồn cảm hứng trong giới trẻ, kêu gọi các bạn tự tin, bước ra khỏi vùng an toàn của mình, khởi nghiệp để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho đất nước.
Tuy nhiên, có những việc chạy theo phong trào thì hết phong trào sẽ vụt tắt, khởi nghiệp cũng thế thôi. Việc kinh doanh không đơn giản cho nên không thể gióng trống khua chiêng, các bạn trẻ cảm thấy sôi bầu nhiệt huyết, lao vào tham gia.
Kinh doanh là đồng tiền, mà đồng tiền là xương máu. Kinh doanh không phải là phong trào bơi lội hay chạy ma ra tông hay chiến dịch mùa hè xanh.
Kinh doanh đòi hỏi nhiều kiến thức, kinh nghiệm, không phải một sớm một chiều mà có được.
Hai bàn tay trắng, không có sản phẩm có thể cạnh tranh được trên thị trường, vay vốn kinh doanh, làm sao sống sót được.
Có không ít trường hợp rất vội vàng, mở công ty, thành lập bộ máy rất oai, ông này giám đốc, bà kia phó giám đốc, nhưng hoạt động vài năm là tiêu tùng.
Muốn khởi nghiệp phải hiểu về những cái chết của startup, phân tích một cách khách quan, khoa học, để rút ra những bài học cho mình.
Để khởi nghiệp thành công đó là phải có sản phẩm độc đáo, giá trị khác biệt. Sản phẩm là yếu tố quyết định, bộ máy cũng cần thiết nhưng chỉ là yếu tố phụ.
Bộ máy sẽ củng cố sau. Tân Hiệp Phát có được ngày hôm nay là do có sản phẩm độc đáo, chất lượng, mới cạnh tranh được với các công ty đa quốc gia.
Việt Nam cần sớm có Luật Đầu tư mạo hiểm
Liên quan đến đầu tư vốn của các quỹ và nhà đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, ngoài các cách gọi vốn mà các bạn trẻ thường hỏi, còn có vấn đề khác lớn hơn đó là tính pháp lý của quan hệ này, hay nói cho đúng là hoạt động đầu tư vốn này phải được luật hóa.
Hầu như toàn bộ startup không thể có vốn đủ để kinh doanh mà phải huy động vốn. Nếu đi vay ngân hàng thì không thể được hoặc rất khó khăn vì startup chưa chứng minh được khả năng sinh lời. Cho nên, họ chỉ trông chờ vào nguồn vốn của các quỹ đầu tư và nhà đầu tư.
Đối với quan hệ này, trên thực tế cũng phát sinh nhiều tranh chấp, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp, thậm chí từ đó dẫn đến sập tiệm. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải có luật để điều chỉnh hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư, quỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp.
Luật hóa hoạt động này làm cho các nhà đầu tư tin cậy, được bảo vệ vốn bằng luật, thì họ sẽ mạnh dạn bỏ tiền ra cho các startup.
Và như vậy, có nghĩa là đồng tiền trong xã hội được huy động hiệu quả, hỗ trợ cho các doanh nhân khởi nghiệp cũng là mang lại lợi ích cho xã hội, cho nền kinh tế đất nước.
Con số thống kê 90% startup thất bại, nhưng chỉ ra nguyên nhân vì sao mới cần thiết, để qua đó tìm cách khắc phục. Có lẽ, khó khăn về nguồn vốn là nguyên nhân chính, nó khiến cho startup bế tắc, hoặc bị hạn chế sức sáng tạo.
Chính vì lẽ đó, các chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư đặt vấn đề về xây dựng và ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm.
Tôi cho rằng, việc ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm là một giải pháp tích cực, sẽ mang lại hiệu quả. Nhiều nước trên thế giới đã có luật này và bản thân nó đã chứng minh được vai trò của mình trong thị trường vốn đầu tư, Việt Nam nên tham khảo.
Gần đây, một số chuyên gia kinh tế phân tích về mối quan hệ giữa satrtup và nhà đầu tư, một bên là muốn bảo đảm được vốn và quyền lợi, một bên huy động được vốn nhưng không bị mất quyền kiểm soát.
Muốn đảm bảo được lợi ích của hai bên, thì vấn đề không chỉ là xây dựng lòng tin theo cảm tính, mà phải được ràng buộc bằng pháp luật.