Năm khởi sắc mạnh mẽ
Ngành du lịch đã có một năm thực sự khởi sắc, tổng doanh thu của ngành ước đạt khoảng 500.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD), đóng góp khoảng 7% vào GDP.
Vị trí của du lịch Việt cũng được thăng hạng trên bản đồ du lịch thế giới. Báo cáo của Tổ chức Bloom Consulting về du lịch và thương mại trên thế giới năm 2017 đánh giá Việt Nam xếp hạng thứ 47 so với thế giới, tăng 10 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 15 trong khu vực châu Á, tăng 2 bậc so với năm 2015 và được đánh giá thuộc nhóm có sự thăng hạng khá ấn tượng. Việc đăng cai tổ chức sự kiện Hội nghị thượng đỉnh cấp cao APEC 2017 đã góp phần nâng cao hình ảnh Việt Nam trong mắt du khách quốc tế.
Năm qua, lần đầu tiên trong lịch sử, doanh nghiệp Việt Nam đạt thứ hạng cao nhất trong một hạng mục của Giải thưởng Du lịch thế giới World Travel Awards (WTA) 2017. Vietravel đã rinh về giải thưởng “Nhà điều hành tour trọn gói hàng đầu thế giới”, một giải thưởng danh giá mà bất kỳ công ty du lịch nào trên thế giới cũng ao ước được chạm tay tới. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho biết, chính sách nới lỏng visa cho khu vực Tây Âu và áp dụng e-visa cho công dân 46 nước tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Nhờ vậy mà lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng cao trong năm qua, đặc biệt lượng khách từ khu vực Tây Âu tăng 11% so với năm 2016. Số lượng du khách quốc tế gia tăng cộng hưởng với nhu cầu du lịch trong nước tăng đột biến đã làm nên bức tranh sôi động của ngành du lịch trong năm qua.
Còn theo ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtours, khách quốc tế đến Việt Nam ngày một đông hơn, ngoài yếu tố chính sách visa, thị thực cởi mở hơn thì các doanh nghiệp lữ hành đã liên tục có những nghiên cứu, sáng tạo đưa ra các tour, tuyến du lịch mới hấp dẫn, giá cả phù hợp nhằm kích cầu du lịch.
Bên cạnh đó, 2017 là năm bùng nổ về công nghệ mạng xã hội. Các thông tin về du lịch Việt Nam và dịch vụ hầu như được chia sẻ liên tục qua các ứng dụng, mạng xã hội… góp phần giúp du lịch Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.
Năm qua, nhiều dự án, hạng mục du lịch đẳng cấp, hiện đại do các tập đoàn, doanh nghiệp lớn triển khai cách đây 4 - 5 năm đi vào hoạt động, tăng thêm sức hút cho du lịch Việt Nam, vốn nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp.
Nhiều khu nghỉ dưỡng, resort cao cấp được tập trung xây dựng như hệ thống khách sạn Vinpearl tại Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Cửa Hội (Nghệ An), Cửa Sót (Hà Tĩnh)… hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng của Tập đoàn Sun Group, Tập đoàn FLC, CEO Group, Bim Group, Empire, Novaland… Đặc biệt, khu nghỉ dưỡng 6 sao InterContinental Danang Sun Peninsula Resort của Tập đoàn Sun Group lần thứ tư liên tiếp được vinh danh "Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới".
Theo Tổng cục Du lịch, thủ tục nhập cảnh được đơn giản hoá, rút ngắn thời gian một bước, hạ tầng giao thông tốt hơn, ngành du lịch đang tiếp tục thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vào các dự án xây dựng cơ sở lưu trú có quy mô lớn, khu vui chơi giải trí đẳng cấp và hiện đại.
Những năm trở lại đây, thói quen đi du lịch của người dân Việt Nam có nhiều thay đổi, người dân đi du lịch quanh năm. Các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú cũng đưa ra nhiều sản phẩm mới và chiến lược kích cầu, đặc biệt trong các dịp lễ tết, mùa cao điểm.
Tại HanoiRedtours, mới đầu tháng Chạp nhưng những tour du lịch xa vào mấy ngày Tết Nguyên đán gần như đã kín chỗ. CEO Nguyễn Công Hoan cho biết, cách Tết 6 tháng, Công ty đã lên kế hoạch lựa chọn sản phẩm, điểm đến phù hợp với lịch nghỉ Tết và đặt phòng, đặt vé sớm để có giá tốt.
Phát triển bền vững, hướng đi cho du lịch Việt
Dù có những bước tiến lớn, nhưng theo CEO Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, du lịch Việt Nam vẫn tồn tại những căn bệnh cố hữu như sản phẩm đơn điệu, ít có sự sáng tạo về hành trình tour khiến nhiều du khách quốc tế thấy nhàm chán. Theo ông Kỳ, ngành du lịch cần đa dạng hóa sản phẩm, quy hoạch tổng thể, bài bản, dần xóa bỏ cách khai thác du lịch tự phát, manh mún. Bên cạnh đó, cần phải có sự hợp tác đồng bộ giữa các hãng lữ hành, hãng hàng không, khách sạn, resort với các cơ quan chức năng và các nhà đầu tư phát triển để cải thiện chất lượng sản phẩm du lịch.
Một hạn chế khác của du lịch Việt được đề cập nhiều lần là khi đến Việt Nam, du khách khó có cơ hội để chi tiêu nhiều hơn vì tình trạng thiếu các hoạt động vui chơi giải trí về đêm vẫn chậm được khắc phục. Theo một số chuyên gia trong ngành, các doanh nghiệp kiến nghị nếu có thêm nhiều hoạt động vui chơi giải trí như casino, show giải trí… sẽ thu hút khách ở lại Việt Nam lâu hơn.
Để ngành công nghiệp không khói trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế, câu chuyện phát triển du lịch bền vững đang được đặt ra.
Theo Phó tổng giám đốc HanoiRedtour, phát triển du lịch bền vững cần nhìn ở cả ba góc độ: bền vững về khách hàng, bền vững về điểm đến và bền vững về nguồn nhân lực.
Theo ông Hoan, điểm đến là nhân tố rất quan trọng trong phát triển du lịch, nếu khai thác điểm đến không tốt sẽ làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương. Đây chính là câu chuyện khai thác du lịch Sapa đang gặp phải và về lâu dài Sapa có thể sẽ mất dần sức hút với du khách.
Về phát triển khách hàng bền vững, thị trường ngoài nước luôn là một bài toán cần tìm lời giải. Theo lãnh đạo Vietravel, Việt Nam cần có các cơ quan xúc tiến du lịch tại nước ngoài, nhất là tại các thị trường khách du lịch trọng điểm. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá du lịch chuyên nghiệp, bài bản hơn. Thời gian qua, du lịch Việt Nam nổi lên như một điểm đến lý tưởng, đặc biệt dành cho du khách quốc tế, nhưng việc quảng bá du lịch vẫn mang tính tự phát. Đồng thời, Việt Nam cần hướng công tác xúc tiến du lịch vào các thị trường mang lại giá trị tiềm năng, làm lại các nghiên cứu để xem thị trường nào là tiềm năng, khả năng khách lưu trú cao để tập trung quảng bá và xúc tiến mạnh.
“Chúng ta đã xây dựng được quỹ du lịch dành cho xúc tiến quảng bá, nhưng phải có kế hoạch tổng thể cũng như phân bổ vốn đầu tư cho các sự kiện xúc tiến phù hợp với ngân sách hiệu quả tốt nhất”, ông Kỳ nói.
Xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch để du lịch Việt được biết đến nhiều hơn trên bản đồ du lịch thế giới vẫn là một câu chuyện dài chưa có lời giải. Trong thời đại 4.0, để phát triển du lịch bền vững, thương hiệu là vấn đề cần đặc biệt đẩy mạnh và có những bước chuyển mới thay đổi, ứng dụng công nghệ để giảm thiểu tối đa việc quảng bá du lịch, cũng như các công tác quản lý khác trong ngành du lịch.
Năm 2018, các doanh nghiệp lữ hành nhìn nhận sẽ là một năm tiếp tục tăng trưởng mạnh. Vietrantour dự kiến doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng 40%. Hanoi Redtour dự báo tiếp tục tăng trưởng hai con số, với doanh thu tăng 46%, lợi nhuận tăng 25%. Vietravel từ nhiều năm nay duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ 20 - 25%, con số này được kỳ vọng tăng cao trong năm 2018.
Du lịch Việt đang có bức tranh phát triển nhiều điểm sáng và hứa hẹn sẽ tiếp tục gặt thêm những mùa vàng bội thu.