Để du khách mở rộng hầu bao

(ĐTCK) Mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của ngành du lịch sẽ rất khó khăn nếu không giải quyết được bài toán phát triển hạ tầng kết nối các địa phương trọng điểm và thiếu sản phẩm du lịch dành cho cho khách.
Du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hay không nằm ở bài toán phát triển hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Ảnh: Dũng Minh Du lịch có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hay không nằm ở bài toán phát triển hạ tầng và các sản phẩm du lịch. Ảnh: Dũng Minh

Hạ tầng yếu, du lịch khó bứt tốc

Câu chuyện phát triển hạ tầng du lịch không phải đến bây giờ mới được bàn tới, mà đã được đem ra thảo luận trong nhiều năm vừa qua. Thực tế, trong một vài năm trở lại đây, cơ sở vật chất ngành du lịch đã phát triển mạnh mẽ, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Đến nay, nước ta đã có hơn 20.100 cơ sở lưu trú với trên 420.000 phòng, tăng hơn 1,5 lần trong giai đoạn 2011 - 2015.

Đầu tư vào du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng với nhiều dự án lớn của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước như Sun Group, Vingroup, Mường Thanh, FLC, VinaCapital… Các địa phương cũng đã nỗ lực gắn kết, hợp tác phát triển, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới, tạo sức hấp dẫn, thu hút khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch được thế giới bình chọn, vinh danh là khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng hàng đầu thế giới.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, một trong những dấu hiệu thể hiện sự phát triển mạnh mẽ của du lịch chính là hệ thống cơ sở vật chất du lịch cao cấp phát triển mạnh, tạo cơ sở cho việc đón khách du lịch nghỉ dưỡng có khả năng và nhu cầu chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.

Để du khách mở rộng hầu bao ảnh 1

Nhiều chuỗi khách sạn hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế đã được đầu tư tại các điểm du lịch trọng điểm như chuỗi khách sạn Vinpearl Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long, hệ thống cáp treo tại Đà Nẵng, Sapa, Hạ Long, hệ thống khách sạn Mường Thanh có mặt 30 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cùng với đó là xu hướng nhiều thương hiệu quốc tế lớn về du lịch có mặt tại Việt Nam như Accor, Marriot, Hyatte, InterContinental, HG, Four Seasons..., góp phần nâng cao năng lực quản trị và chất lượng của du lịch Việt Nam.

Việc đầu tư cho hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao đã đem lại hiệu quả kinh doanh tốt hơn cho ngành du lịch và phù hợp với định hướng phát triển theo chiều sâu mà ngành đã đặt ra. Theo đó, du khách cũng có nhiều sự lựa chọn phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu nghỉ dưỡng có chất lượng tốt.

Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch không chỉ nằm ở bài toán về chất lượng cơ sở lưu trú, mà cả từ các hạ tầng giao thông phục vụ cho việc di chuyển giữa các vùng du lịch. Người ta đã từng kỳ vọng về sự kết nối như thế với “con đường du lịch miền Trung”, nhưng thực tế việc phát triển vẫn manh mún ở từng địa phương mà chưa tạo ra được một sự liên kết đồng bộ để tăng giá trị cho các sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách lưu trú tại Việt Nam dài ngày hơn.

Theo công bố mới nhất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trong năm 2016 có khoảng 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng 26% so với năm 2015. Đà tăng trưởng này dự kiến được kéo dài, ước đạt 18 triệu khách du lịch vào năm 2030 và số liệu này góp phần khẳng định thêm sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam với vị thế là điểm đến du lịch nổi bật trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, lượng thời gian lưu trú vẫn rất thấp.

Chẳng hạn, tại TP.HCM, mặc dù có lượng phòng khách sạn cao nhất cả nước nhưng khách đến TP.HCM chỉ tiêu không quá 300 USD và ở không quá 1 ngày; thời gian lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Nha Trang là 3,5 ngày, so với 2,8 ngày ở Đà Nẵng và 2,6 ngày ở Phú Quốc - những con số rất thấp so với thị trường trong khu vực.

Ông Vũ Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ khách sạn thuộc Tổng cục Du lịch cho biết, du lịch đang có sự bứt tốc khá mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây với lượng khách du lịch tăng mạnh, nhưng không thể phủ nhận rằng sự phát triển chưa tương xứng của hệ thống giao thông, đặc biệt là đường không, đường biển đang là một trong những thách thức không chỉ với khách quốc tế mà cả sự lưu chuyển khách du lịch trong nước đăng tăng trưởng với tốc độ hai con số mỗi năm.

"Đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú là một vế, nhưng vế còn lại cần phải quan tâm là làm sao để đưa khách đến các khu du lịch một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất. Thực tế, rất nhiều khu du lịch, resort được đầu tư khá bài bản, nhưng tại sao không đón được khách. Vấn đề không nằm ở chất lượng dịch vụ tại khu du lịch đó, mà vấn đề nằm ở việc du khách họ ngại di chuyển trên một quãng đường quá xa bằng ô tô hay các phương tiện khác do cơ sở hạ tầng như sân bay, tàu cảng,…không đáp ứng nổi", ông Thanh cho biết.

Lấy dẫn chứng về câu chuyển của FLC Quy Nhơn, ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC cho biết:"“Những doanh nghiệp như FLC rất quan tâm đến vấn đề làm sao để đưa khách đến các khu du lịch. Chúng tôi đầu tư rất nhiều vào Thanh Hoá, Quảng Bình, nhưng hệ thống sân bay chưa đáp ứng được nhu cầu. Những dự án lớn của Tập đoàn đã thay đổi diện mạo du lịch tại nhiều địa phương chúng tôi triển khai và thu hút nhiều hơn khách du lịch đến đây. Nhưng với các hệ thống hạ tầng như sân bay đã quá tải, thì sẽ khó khai thác hết công suất của các khu du lịch nghỉ dưỡng".

Tại hội thảo "Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung với vùng Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia" tổ chức mới đây tại Bình Thuận, TS. Trần Du Lịch chia sẻ, định hướng, quy hoạch du lịch đã có nhưng hạn chế là giao thông kết nối giữa các vùng chưa đóng vai trò khai phá. Hiện nay, hệ thống đường bộ, đường sắt của Việt Nam vẫn còn lạc hậu.Trên thực tế, dù một số tuyến đường cao tốc đầu tư vốn lớn nhưng chưa khai thác hết công suất.

Chẳng hạn như việc đón khách từ sân bay Tân Sơn Nhất về Mũi Né nhưng phải mất đến 4 - 5 giờ đi xe vì hiện có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nhưng từ Dầu Giây đến Phan Thiết 100km thì chưa có cao tốc kết nối.

Cởi trói như thế nào?

Trong 15 năm qua, diện mạo ngành du lịch cũng đã có bước phát triển rõ rệt nhờ sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư các tuyến đường liên tỉnh, mở rộng các sân bay cầu cảng đã giúp cho hoạt động du lịch có nhiều thay đổi. Báo cáo từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Dự báo, năm 2017 con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,5 triệu lượt và đến năm 2020 là 17 - 20 triệu lượt, và đóng góp tới hơn 10% vào GDP.

Đây là tin vui của ngành du lịch. Thế nhưng, nếu so sánh với các các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, với số khách quốc tế từ 15 - 30 triệu lượt khách/năm, con số này có thể xem là mức khá khiêm tốn và cho thấy khả năng khai thác du lịch của Việt Nam đang ở dưới mức tiềm năng. Với 3.260 km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hoá trải rộng khắp đất nước, đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế chung chưa đạt kỳ vọng của xã hội.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, du lịch được xác định là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Với vị thế ấy, nhu cầu đầu tư cho ngành này từ Nhà nước hàng năm chỉ khoảng 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm 2020, đầu tư cho hạ tầng du lịch sẽ ngày càng ít đi. Chính vì vậy, đây là thời điểm cần các địa phương có thế mạnh về du lịch năng động hơn, doanh nghiệp quan tâm đến du lịch chủ động hơn để hợp tác khơi thông nguồn vốn phát triển du lịch...

Hiện nay, Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có đề ra ưu tiên cho phát triển hạ tầng, các địa phương có thể bám sát vào đó để huy động vốn. Theo ông Lê Thành Vinh, các quy định về mô hình PPP hiện nay đã có nhiều cải thiện so với trước đây, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.

Chẳng hạn như danh mục thực hiện dự án BT nên mở rộng hơn. Bên cạnh đó, thủ tục thực hiện đấu thầu cũng gặp phải nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi chu kỳ quay vòng vốn bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi phải nhanh, nếu chậm dễ thất bại.

"Tôi cho rằng, không việc gì phải hạn chế, Nhà nước không làm thì tư nhân làm. Có nhiều dự án phục vụ cho hạ tầng phát triển du lịch mà không được làm. Ngoài ra, thủ tục thực hiện đấu thầu cũng khá đau đầu. Những doanh nghiệp đầu tư lớn họ tâm niệm phải quay vòng vốn nhanh. Bây giờ chúng ta đã có chu kỳ phát triển rất cao về bất động sản nghỉ dưỡng, nếu chậm chân thì sẽ mất cơ hội. Nhưng thủ tục còn quá phức tạp, mất thời gian" , ông Vinh chia sẻ.

Ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Vietstar Airlines, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch thuộc Tổng cục Du lịch cho rằng, vai trò của Nhà nước là có cơ chế chính sách đúng chứ không cần phải lo vốn dự án này, dự án kia.

"Hạ tầng du lịch resort thì tư nhân làm hết, Nhà nước không cần quan tâm. Vấn đề là làm sao để tư nhân thực hiện dự án một cách thuận lợi, không vướng mắc. Còn mảng sân bay, cảng biển, tôi nói luôn tư nhân Việt Nam thừa sức đầu tư nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách hợp lý", ông Nam nói và cho biết thêm, lâu nay người ta nghĩ theo hướng Nhà nước phải làm, tư nhân không được thì quan điểm này cần phải thay đổi. Miễn là Nhà nước tạo điều kiện, hành lang pháp lý cho tư nhân làm thì họ sẽ làm được hết.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dương
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục