Dè dặt với cổ phiếu “vua” ưu đãi

(ĐTCK) Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tăng vốn thông qua các chương trình trả cổ tức hay chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, cổ đông hiện hữu…, nhưng việc thị trường chứng khoán trong xu hướng giảm mạnh khiến nhà đầu tư dè dặt hơn với cổ phiếu “vua”.
Kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng ít nhiều bị ảnh hưởng khi thị trường chứng khoán giảm sâu. Ảnh: Dũng Minh

Ngân hàng dồn dập tăng vốn

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2022 của VPBank (mã VPB) đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 lên hơn 79.000 tỷ đồng, chia thành hai đợt. Đợt 1, từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 50%, từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ... Số cổ phần phát hành để tăng vốn là hơn 2,24 tỷ cổ phiếu, thực hiện trong quý II hoặc quý III/2022.

Đợt 2, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài theo tỷ lệ 15%, qua đó nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên mức tối đa 30% vốn điều lệ. Với phương án, này số lượng cổ phiếu phát hành tối đa là 1,19 tỷ cổ phiếu, dự kiến thực hiện trong thời gian còn lại của năm 2022, ngay khi có sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài ra, VPBank còn có kế hoạch phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với số lượng dự kiến 30 triệu đơn vị từ nguồn cổ phiếu quỹ. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán và được giải tỏa dần theo tỷ lệ 30%, 35%, 35% qua các năm. Giá bán dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu và số tiền thu được dùng để bổ sung vốn lưu động.

Tại MBBank (mã MBB), ngân hàng này sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được ĐHCĐ thường niên 2021 thông qua bằng việc phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và 19,24 triệu cổ phiếu ESOP.

Đồng thời, MBBank cũng sẽ triển khai phương án tăng vốn điều lệ mới năm 2022 với việc phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 20%, tiếp theo là chào bán riêng lẻ mới 65 triệu cổ phiếu cổ phiếu. Giá bán không thấp hơn giá trị sổ sách.

Nếu các đợt phát hành diễn ra suôn sẻ, vốn điều lệ của MBBank sẽ tăng từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 9.100 tỷ đồng.

Tương tự, SHB (mã SHB) cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ năm 2022 từ mức 26.673 tỷ đồng hiện nay lên 36.459 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức, phát hành ESOP và chào bán cổ phần cho nhà đầu tư ngoại, cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, SHB sẽ phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 20% vốn tăng thêm. Được biết, số lượng cổ phiếu chào bán theo phương án này không vượt quá 20% số lượng cổ phần đã phát hành tại thời điểm hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư, giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Lượng cổ phiếu ESOP phát hành khoảng 45,12 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,69%. Cổ phiếu phát hành theo chương trình này bị hạn chế chuyển nhượng trong 18 tháng kể từ ngày kết thúc phát hành, dự kiến hoàn thành trong quý III/2022 và có giá bán bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu).

Để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 15%, SHB sẽ phát hành hơn 400 triệu cổ phiếu, đồng thời chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 20%. Giá chào bán được Hội đồng quản trị SHB đề xuất là 12.500 đồng/cổ phiếu. Thời gian dự kiến phát hành trong quý III/2022.

Nhà đầu tư dè dặt

Đào Vũ, một nhà đầu tư ở Nguyễn Khang, Cầu Giấy tính toán, tại đợt tăng vốn thứ 2 nhằm hút “tiền tươi”, với phương án phát hành 1,19 tỷ cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài, VPBank sẽ thu về khoảng 11.900 tỷ đồng, đồng thời với số lượng dự kiến 30 triệu cổ phiếu ESOP nếu phát hành thành công sẽ mang về thêm 300 tỷ đồng.

Câu chuyện cũng tương tự ở MBBank, nếu hoàn thành nốt kế hoạch tăng vốn đặt ra từ năm 2021, ngân hàng này sẽ thu về 700 tỷ đồng từ 70 triệu cổ phần cho Viettel và 192,4 tỷ đồng từ 19,24 triệu cổ phiếu ESOP. Còn với kế hoạch của năm 2022, MBBank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 7.556 tỷ đồng thông qua phát hành 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, đồng thời thu về 650 tỷ đồng từ việc chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ mới.

Tại SHB, chương trình ESOP với 45,12 triệu cổ phiếu sẽ mang lại 451,2 tỷ đồng, bên cạnh 5.330 tỷ đồng từ việc dự kiến chào bán hơn 533 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

“Chỉ riêng kế hoạch phát hành cổ phần của 3 ngân hàng trên, nếu thành công ước tính sẽ hút ròng tối thiểu 24.800 tỷ đồng từ thị trường”, nhà đầu tư trên tính toán.

Điều đáng nói, các kế hoạch tăng vốn được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang đón nhận nhiều yếu tố tích cực như người dân đã quen sống chung với dịch bệnh, các yếu tố nền tảng vĩ mô vẫn ổn định, các hoạt động giao thương trở lại bình thường, tiêu dùng nội địa phục hồi, hoạt động du lịch và các đường bay quốc tế mở cửa trở lại… Đây là những yếu tố rất quan trọng để tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt mức 6,5 - 7% như kỳ vọng.

Đáng chú ý, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Trong quý I/2022, khoảng 86% số công ty niêm yết và đại chúng quy mô lớn đăng ký giao dịch đã công bố có lãi, cao hơn so với mức 83% của cùng kỳ năm 2021; tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này cũng tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Qua thông tin sơ bộ công bố tại mùa ĐHCĐ 2022, phần lớn doanh nghiệp niêm yết đều đặt chỉ tiêu tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận cho cả năm 2022.

Tuy nhiên, song hành với sự tích cực, nền kinh tế còn đối mặt với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Thứ nhất, căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine kéo dài hơn dự kiến, Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Thứ hai, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự tính trước đó. Thứ ba, lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn. Thứ tư, thị trường chứng khoán trong xu hướng giảm mạnh…

Chủ tịch một công ty tư vấn nước ngoài nhận định, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước khi quyết định mua cổ phiếu sẽ nhìn về dài hạn hoặc lợi thế thương mại, chứ không như các nhà đầu tư nhỏ lẻ chủ yếu quan tâm đến lợi ích trong ngắn hạn, nên giá cổ phiếu bán được cao hay thấp sẽ do đàm phán của hai bên.

Còn nhà đầu tư Đào Vũ nói: “Mua cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu tuy có giá ưu đãi, nhưng cổ đông chỉ thích khi thị trường ổn định hoặc đi lên, còn nếu trong xu thế giá xuống như hiện nay sẽ không mấy hào hứng. Chưa kể, mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán chỉ cần T+3 là bán được, chứ không bị hạn chế thời gian chuyển nhượng cũng như thủ tục rườm rà như cổ phiếu ưu đãi”.

Thực tế cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường đang bị lung lay. Nhà đầu tư đang bán trong tâm trạng cố thu hồi vốn, chứ không kỳ vọng quá nhiều vào diễn biến tích cực trong ngắn hạn. Có lẽ bởi vậy, thị trường ngày một xuất hiện nhiều hơn những phiên bán tháo với hàng trăm mã giảm sàn như thời gian qua. Trong bối cảnh đó, liệu cổ đông ngân hàng có dám xuống tiền để mua cổ phiếu phát hành thêm, dẫu biết giá trị phát hành mới thường thấp hơn đáng kể so với thị giá trên sàn chứng khoán?

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục