Để có một dự án xanh!

(ĐTCK) Như một thói quen thời thượng, không chỉ các chủ đầu tư vì yếu tố quảng bá cho dự án của mình, mà ngay cả nhiều nhà quản lý và khách mua nhà đều nói rằng dự án mà họ lựa chọn, dự án mà họ hướng đến phải là… dự án xanh.
Để có một dự án xanh!

Nhưng nói thế mà không hẳn thế, bởi khi đụng đến tiêu chí của một dự án bất động sản xanh mới thấy không dễ để thực hiện.

Với các chủ đầu tư, không chỉ là việc phải tốn thêm 5 - 7% chi phí phát triển dự án mà việc “hy sinh” bao nhiêu lợi nhuận để dành một diện tích đất không nhỏ cho không gian công cộng là điều không thể không đắn đo. Chưa kể, nhiều khi việc đưa các vật liệu thân thiện với môi trường vào dự án cũng không khiến chủ đầu tư thoải mái vì… trước nay chưa làm bao giờ.

Với khách hàng, dự án xanh thì thích đấy, nhưng dường như giá cả vẫn là yếu tố khiến họ tính đến đầu tiên, đặc biệt với nhóm khách hàng có tiềm lực kinh tế trung bình trở xuống.

Nhìn lại tình hình thị trường bất động sản trong giai đoạn tăng trưởng mạnh 2 năm vừa qua, số lượng dự án cung cấp ra thị trường cả ngàn dự án với nguồn cung lên tới cả trăm ngàn căn hộ trên cả nước.

Tuy nhiên, số lượng dự án đạt được các tiêu chí “xanh” lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Hiện nay, cả nước mới có khoảng 60 công trình được chứng nhận là công trình xanh, chủ yếu tập trung vào những dự án cao cấp do một số chủ đầu tư có uy tín thực hiện.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House cho biết, việc phát triển các dự án bất động sản xanh không chỉ là một trào lưu để bán hàng mà còn là xu hướng bắt buộc trên toàn thế giới với mục đích cắt giảm lượng lớn khí thải CO2 trong thời gian dài vận hành công trình. Tuy nhiên, tại Việt Nam, điều này chưa thực sự được đẩy mạnh, khi nhiều chủ đầu tư chưa có nhận thức về cách thức đầu tư một công trình theo tiêu chí “xanh”, và cho rằng sẽ ngốn chi phí đầu tư rất lớn nếu đầu tư các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.

Tuy nhiên, đại diện của một trong những chủ đầu tư tiên phong phát triển dự án xanh giá bình dân này cho rằng, nếu thực sự chia sẻ lợi ích với khách hàng thì bất kể công trình nào dù thuộc phân khúc cao hay thấp cũng đều có thể tiếp cận với mục tiêu xanh, chỉ khác là giải pháp cho mỗi công trình sẽ khác nhau. Bởi thực tế, các giải pháp kiến trúc xanh, hệ thống pin năng lượng mặt trời chỉ làm tăng chi phí đầu tư khoảng 3%.

Về phía nhà quản lý, Thứ trưởng  Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy thừa nhận, việc ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam chưa được nhiều chủ dự án áp dụng. Đến nay, chỉ một số dự án cao cấp áp dụng tiêu chí này. Trong khi với các dự án giá rẻ và trung bình, chiếm số lượng nhiều nhất, lại không được nhiều DN chú ý.

Trong khi đó, trái ngược hoàn toàn với lo ngại xây dựng công trình xanh rất tốn kém, thực tế, chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh chỉ từ 1 - 5%, phụ thuộc vào mức độ chứng nhận công trình xanh mong muốn và chi phí đầu tư ban đầu. Dựa trên nghiên cứu về các dự án công trình xanh tại Việt Nam, chi phí gia tăng trung bình là 1,8 - 2%. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu, chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh và chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh.

Ông Duy cho rằng, hiện nay, về cơ bản các tiêu chuẩn xanh đã được Chính phủ quy định khá rõ ràng trong Quy chuẩn quốc gia về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD), bên cạnh một số chính sách ưu đãi rất rõ ràng tại nhiều địa phương dành cho các công trình thân thiện với môi trường.

Do đó, điều còn lại chỉ là ý thức của chủ đầu tư dự án về việc phát triển các công trình “xanh”!

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về thị trường bất động sản do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần trước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCP đầu tư bất động sản Hải Đăng cho rằng, khi đầu tư dự án bất động sản, điều quan trọng là cần đặt vào vị thế của khách hàng, của cộng đồng dân cư sau này. Nếu có thể thỏa mãn được nhu cầu và đáp ứng lợi ích tối đa cho khách hàng thì giá trị uy tín cũng như thương hiệu của các chủ đầu tư theo đó cũng được khẳng định.

Những điều này thoạt nghe có thể là lý thuyết, nhưng khoảng thời gian thăng trầm của thị trường vừa qua đã cho thấy, giai đoạn kinh doanh bất động sản là ngành kiếm siêu lợi nhuận đã qua. Chủ đầu tư muốn đi lâu dài trên thị trường, chỉ còn cách chia sẻ lợi ích với khách hàng.

Vì vậy, để dự án xanh không chỉ là lời quảng cáo, sự “hy sinh” của chủ đầu tư cũng phải là thật!

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com


Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục