Để chứng khoán Việt ứng phó tốt với “cuồng phong”

Hội nhập luôn được xem là thông điệp tốt để nhà đầu tư và doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam có dịp so tài trên đường đua quốc tế, nhưng “sức khỏe” của họ có đủ bền để theo được đường đua trường kỳ hay không lại là chuyện khác.
Để chứng khoán Việt ứng phó tốt với “cuồng phong”

Qua sự trồi sụt đầy cảm xúc trên sàn chứng khoán Việt Nam những ngày gần đây, có thể thấy, thị trường chứng khoán trong nước ngày càng bị cuốn theo guồng quay chung của chứng khoán toàn cầu, đồng thời liên thông ngày càng chặt với thị trường quốc tế.

Cách đây gần 1 tuần, khi nhà đầu tư trong nước vừa trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần và Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, một trận “cuồng phong” đã đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam đổ dốc. Ngay đầu tuần này, trong phiên giao dịch ngày 19/4, Chỉ số VN-Index giảm tới 11,58 điểm (-2%), xuống 568,28 điểm, với 188 mã giảm, trong khi chỉ có 55 mã tăng. Trong khi đó, Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,84 điểm (-1,04%), xuống 79,42 điểm với 71 mã tăng, trong khi có tới 145 mã giảm.

Căn nguyên của trận “cuồng phong” trên là sự đỏng đảnh của chứng khoán thế giới. Theo đó, ngay khi thị trường Việt Nam vẫn đang trong ngày nghỉ bù, thì “cuồng phong” đã tấn công các thị trường chứng khoán châu Á. Cổ phiếu lớn nhỏ đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày 18/4, do đà sụt giảm mạnh của giá dầu sau khi các nhà sản xuất lớn không thể đạt được thỏa thuận đóng băng sản lượng. Riêng thị trường Nhật Bản còn chịu thêm tác động của trận động đất mạnh cuối tuần trước khi Chỉ số Nikkei 225 lao dốc 3,4% lúc đóng cửa hôm 18/4.

Tuy nhiên, cơn ác mộng của chứng khoán toàn cầu đã tạm thời qua đi và chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy chung. Chứng khoán châu Á đã tăng trở lại vào phiên 19/4 và tiếp tục ổn định trong phiên 20/4. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng duy trì được trạng thái cân bằng trong phiên 20/4.

Trở lại câu chuyện của sàn chứng khoán Việt, những biến động trên sàn chứng khoán rõ ràng đã có tính liên thông khá mạch lạc với động thái chung của các thị trường quốc tế. Đây là một tín hiệu tốt, nhưng cũng là áp lực không nhỏ đối với các chủ thể trên thị trường, đòi hỏi doanh nghiệp và nhà đầu tư phải chủ động hơn, nâng cao khả năng dự báo để từ đó có biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường chứng khoán khu vực.

Hiện tại, các cơ quan quản lý và tổ chức thị trường đang chuẩn bị vận hành thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cải thiện chất lượng quản trị…, nhằm nâng tầm thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn.  Đặc biệt, một trong những mối quan tâm lớn nhất là chất lượng quản trị công ty cũng đang được hâm nóng. Bởi lẽ, việc nâng cao chất lượng công bố thông tin minh bạch, quản trị công ty và quan hệ nhà đầu tư là một trong các trụ cột chiến lược giúp nâng cao chất lượng chứng khoán Việt Nam.

Sắp tới, sẽ có hơn 350 doanh nghiệp tham gia cuộc bình chọn “Công bố thông tin và minh bạch 2016”. Hy vọng rằng, những nỗ lực trên sẽ giúp chất lượng cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt được cải thiện, để chứng khoán Việt không quá lép vế so với khu vực về quy mô vốn hóa cũng như khối lượng cố phiếu giao dịch. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi ranh giới giữa các sàn chứng khoán quốc tế và khu vực ngày càng mờ nhạt, theo đó, dòng vốn quốc tế sẽ vận hành theo đúng quy luật “nước chảy chỗ trũng”.

Chí Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục