Cần chứng minh tầm quan trọng của bảo hiểm
“Cú sốc” truyền thông của thị trường bảo hiểm non trẻ tại Việt Nam vừa trải qua, thực tế cũng là những vấn đề từng xảy ra tại nhiều thị trường khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand… và gần đây nhất là Indonesia, khi thị trường này đang trải qua các vấn đề tương tự với thị trường bảo hiểm Việt Nam, hiện đang trong quá trình chấn chỉnh lại từ câu chuyện bán bảo hiểm liên kết đơn vị (ILB).
Cựu CEO một công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc chia sẻ, việc bán các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị tại thị trường Việt Nam cũng có những giai đoạn gặp khó khăn khi lãi suất suất xuống thấp, thị trường chứng khoán mất điểm…, dẫn tới việc một bộ phận khách hàng kéo đến các công ty bảo hiểm nhân thọ để khiếu nại việc giá trị hợp đồng của họ bị giảm sút và việc giải quyết những câu chuyện như vậy không hề đơn giản. Các doanh nghiệp bảo hiểm phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho khách hàng hiểu và các quy định bán những sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị được rà soát kỹ lưỡng để bổ sung các điều kiện chặt chẽ, rõ ràng hơn.
“Cuộc khủng hoảng truyền thông ở thị trường bảo hiểm Việt Nam dường như làm gia tăng những cái nhìn không mấy thiện cảm về bảo hiểm, nhưng dẫu sao người dân cũng đã chủ động tìm hiểu và việc của các công ty bảo hiểm là phải làm sao cho người dân quan tâm và có cái nhìn tích cực hơn về ngành. Các công ty bảo hiểm phải chứng minh cho người dân thấy tại sao nên tham gia bảo hiểm”, lãnh đạo một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn nhìn nhận.
Dù những trải nghiệm không vui của khách hàng với ngành bảo hiểm thời gian qua là có thật, nhưng đó là con số rất nhỏ với những gì ngành bảo hiểm đã làm cho khách hàng hay cho nền kinh tế suốt những năm tháng qua. Chính vì thế, các công ty bảo hiểm cũng mong muốn công chúng nhìn nhận khách quan hơn đối với bảo hiểm, bởi nếu không hữu ích thì các sản phẩm bảo hiểm đã không tồn tại hàng trăm năm trên thế giới và cũng trải qua vài thập kỷ phát triển tại Việt Nam.
Đại diện một công ty bảo hiểm cho hay, cuộc khủng hoảng truyền thông bảo hiểm vừa qua là lời nhắc nhở các doanh nghiệp bảo hiểm còn rất nhiều việc phải làm, cũng là động lực để mỗi doanh nghiệp chuyển đổi mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, góp phần xây dựng thị trường bảo hiểm minh bạch, chuyên nghiệp và đáng tin cậy.
Thực tế, dù thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua một đợt “rung lắc” niềm tin, dẫn tới doanh thu khai thác mới sụt giảm mạnh, nhưng vẫn được đánh giá còn nhiều tiềm năng khai phá. Điều đó phần nào lý giải cho việc các tập đoàn tài chính - bảo hiểm lớn liên tục gia tăng đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ngoài ra, thời gian gần đây, lãnh đạo cấp cao nhiều tập đoàn bảo hiểm nước ngoài thường xuyên có các chuyến công tác tại Việt Nam và đều thể hiện mối quan tâm sâu sắc tới thị trường bảo hiểm trong nước, qua đó mong muốn các cấp lãnh đạo nhánh nhân thọ của tập đoàn mẹ cũng như công ty tại Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp kịp thời để có thể phát triển ổn định, bền vững tại đây.
Giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức về bảo hiểm
Tại Việt Nam, mức độ bao phủ của bảo hiểm nhân thọ hiện rất thấp, chỉ khoảng 10-11% so với các thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Singapore…, cho nên tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn.
Chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về phát triển ngành bảo hiểm, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, Chính phủ đang mong muốn duy trì mức tăng trưởng đến năm 2030 để Việt Nam có thể trở thành quốc gia có mức thu nhập thuộc loại trung bình - cao trên thế giới, có nghĩa là thu nhập của người dân được kỳ vọng tăng lên bình quân 6%/năm trong 7 năm tới. Với tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm còn thấp, chỉ khoảng 2,7% GDP như hiện nay, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 3,5% GDP vào năm 2025.
“Tại Việt Nam, mức độ bao phủ của bảo hiểm nhân thọ hiện rất thấp, chỉ khoảng 10-11% so với các thị trường khác trong khu vực như Malaysia, Singapore…, cho nên tiềm năng phát triển của thị trường này còn rất lớn”, ông Lực nhấn mạnh.
Tiềm năng là vậy, song thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại cần được xử lý một cách rốt ráo bởi sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả sinh lợi của các doanh nghiệp, một trong số đó là minh bạch thông tin bảo hiểm, bao gồm các vấn đề: Tranh chấp khi xử lý bồi thường gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường; những phát sinh từ việc thực hiện bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng…); đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, điều kiện bảo hiểm chưa rõ ràng...
“Một điều quan trọng nữa là chúng ta phải triển khai toàn diện chương trình ‘Giáo dục tài chính quốc gia’ và hiện là thời điểm thích hợp để thúc đẩy chương trình này, bởi chỉ có như vậy chúng ta mới thúc đẩy được chiến lược tài chính toàn diện”, ông Lực nhìn nhận.
Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thúc đẩy tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.
Chẳng hạn, Hanwha Life Việt Nam đã đồng hành cùng các trường đại học và doanh nghiệp xã hội để triển khai nhiều chương trình nâng cao kiến thức bổ ích cho học sinh, sinh viên, một trong số đó là chuỗi hoạt động cộng đồng nâng cao kiến thức tài chính - bảo hiểm hướng đến đa dạng nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Sau TP.HCM, hành trình mang kiến thức tài chính đến giới trẻ tiếp tục được Hanwha Life Việt Nam mở rộng đến các tỉnh miền Tây, với 2 điểm trường đầu tiên tại Bến Tre và Tiền Giang. Đối tượng thụ hưởng chương trình tại đây đa phần là các gia đình khó khăn, hiểu biết và nhận thức về tài chính - bảo hiểm còn hạn chế…
“Thế giới ngày càng phát triển, độ tuổi tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngày càng trẻ. Vì thế, không bao giờ là quá sớm khi dạy các em về giá trị của đồng tiền hay ý nghĩa của việc tích lũy tài chính. Chúng tôi cho rằng, hiểu biết về tài chính nói chung, bảo hiểm nói riêng cần được xem như một kỹ năng cần thiết và khi đó, giới trẻ sẽ tự tin hơn trong cuộc sống”, đại diện Hanwha Life Việt Nam cho hay.