Gỡ khó…
TT 130 cho phép bổ sung thêm đối tượng công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài được rút bảo hiểm hưu trí trước hạn. Trong khi trước đó, theo TT 115, nhóm đối tượng được rút trước bảo hiểm hưu trí chỉ gồm người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành và người được bảo hiểm mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định.
Bên cạnh đó, về độ tuổi của đối tượng nhận bảo hiểm hưu trí, TT 130 cũng bổ sung: “Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam, trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu thì thực hiện theo quy định pháp luật”.
Với 2 sửa đổi, bổ sung trên, các DN bảo hiểm cho rằng, phạm vi đối tượng tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã được mở rộng hơn, tạo điều kiện để sản phẩm này có thể “khai phá” nhiều nhóm khách hàng tiềm năng khác nhau.
Còn theo ghi nhận từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, những sửa đổi trên ngoài gỡ khó, gỡ vướng cho sản phẩm này, còn nhằm tương thích với các quy định hiện hành, trong đó có Luật Bảo hiểm xã hội cũng như phù hợp với tình hình thực tế.
Ngoài 2 sửa đổi trên, về điều kiện đối với đại lý bảo hiểm, TT 130 đã sửa đổi điểm c Điều 25 TT 115 theo hướng “thoáng hơn”, theo đó chỉ cần đại lý bảo hiểm được DN bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về bảo hiểm hưu trí tự nguyện và bỏ quy định có ít nhất 6 tháng kinh nghiệm hoạt động đại lý bảo hiểm nhân thọ liên tục, nhằm tạo điều kiện trao quyền tự chủ hơn cho DN bảo hiểm, phù hợp với quy định mới nhất liên quan đến đại lý bảo hiểm tại Thông tư 194.
… nhưng còn phải chờ
Tại nhiều nước, khách hàng tham gia bảo hiểm hưu trí tự nguyện khá phổ biến theo hình thức tự mua hay được DN mà mình đang công tác mua cho. Mặc dù vậy, tại Việt Nam, sau gần 2 năm triển khai, tính đến hết tháng 8/2015, tổng doanh thu phí bảo hiểm từ sản phẩm này đạt 254,1 tỷ đồng với tổng số 13.118 người tham gia, chỉ chiếm khoảng 2% doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của toàn thị trường nhân thọ, theo số liệu của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính).
Hiện có 5/6 DN bảo hiểm đủ chuẩn đã ra sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đó là AIA Việt Nam, Dai-ichi Việt Nam, Manulife Việt Nam, PVI Sunlife và Prudential Việt Nam. DN bảo hiểm còn lại là Bảo Việt Nhân thọ sau khi chờ cấp phép từ Bộ Tài chính sẽ sớm giới thiệu sản phẩm này ra thị trường.
Những điều chỉnh trên đang cho thấy, hành lang pháp lý liên quan đến sản phẩm bảo hiểm hưu trí đang ngày càng hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc hoàn thiện pháp luật mới chỉ là điều kiện cần. Để sản phẩm này phát triển, rất cần nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm hưu trí tự nguyện nói riêng, bảo hiểm nhân thọ nói chung bên cạnh việc điều chỉnh mức khấu trừ về thuế, đã được đề xuất nhiều lần nhưng chưa được chỉnh sửa.
“Bảo hiểm hưu trí tự nguyện sẽ góp phần giảm áp lực cho người dân về an sinh hưu trí tương lai, nhất là khi tốc độ già hóa dân số tại Việt Nam đang dẫn đầu châu Á và thuộc hàng cao nhất thế giới. 95% số người được được hỏi ở Việt Nam trong một thống kê của Viện Lão hóa toàn cầu bày tỏ nỗi lo lắng không đủ tiền sinh sống khi về hưu. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN cũng như thuế thu nhập cá nhân được quy định đóng khung, thiếu linh hoạt cho các đối tượng khách hàng như hiện tại là chưa phù hợp, vẫn khó lòng hấp dẫn khách hàng mua bảo hiểm hưu trí”, lãnh đạo một DN bảo hiểm nói.
Cụ thể, theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015, mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh, nhưng tối đa không quá 1 triệu đồng/tháng/người.
“Không nên ấn định một con số cụ thể như hiện tại mà nên để một tỷ lệ phần trăm phụ thuộc vào thu nhập của người tham gia bảo hiểm. Với cùng một mức khấu trừ 1 triệu đồng/tháng/người, có thể là phù hợp, thậm chí cao với người nông dân, nhưng sẽ là thấp với một giám đốc DN. Vì vậy, nên ấn định một tỷ lệ tối đa dựa trên mức lương cơ bản hay thu nhập của người tham gia bảo hiểm, khoảng 15 - 20% chẳng hạn,”, lãnh đạo một DN bảo hiểm khác cũng đồng quan điểm và cho biết thêm, các nước trong khu vực đang áp dụng mức 15 - 25%.