Thời điểm này, nông dân Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2020-2021. Để có sản phẩm chất lượng, chính quyền và ngành nông nghiệp đang tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo, thậm chí là tổ chức giám sát ngay từ khâu thu hoạch đảm bảo quả chín đạt trên 85%. Việc nâng cao được chất lượng cà phê từ khâu thu hoạch được xem là một trong những giải pháp đem lại lợi ích kép khi giá bán cao hơn so với thị trường và hướng đến sản xuất cà phê bền vững.
Những năm gần đây do sự thay đổi thất thường về thời tiết nên hơn 3 ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Quảng ở xã Ea Nam, huyện Ea Hleo ra hoa đậu quả nhiều đợt trong năm, rất khó để tất cả quả chín đồng loạt.
Nếu như trước kia để thuận tiện trong thuê nhân công, rút ngắn thời gian thu hái ông Quảng sẽ hái một lần, vì vậy tỷ lệ quả xanh rất nhiều, không đảm bảo chất lượng. Năm nay, tránh tình trạng bị ép giá do hái non, ông Quảng quyết định thu hoạch cà phê thành 3 đợt. Đợt đầu và đợt hai lựa hái những cây có tỷ lệ quả chín cao (khoảng 90%), đợt cuối cùng chờ hạt chín đều sẽ tuốt đồng loạt.
Theo ông Quảng, hái cà phê chín chọn lọc khá tốn công và mất nhiều thời gian nhưng bù lại khi bán giá cao hơn so với cà phê hái đại trà vì năng suất, chất lượng cà phê đảm bảo.
Ông Quảng chia sẻ: “Mấy năm trước tôi thường thuê 5-7 người hái khoảng 1 tuần là xong, nhưng đem bán họ cứ chê cà phê xanh quá, giá thấp lắm. Thấy mấy anh em quanh đây để cà phê chín hết mới hái bán được giá cao hơn từ 500 - 800 đồng/kg quả tươi. Năm nay tôi cũng chia ra hái từ từ, mất thời gian một chút nhưng vợ chồng cứ hái dần dần gọi thêm 1- 2 người thuê theo ngày chứ không theo đợt như trước kia nữa”.
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất thu mua và xuất khẩu cà phê, Công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) nhận thấy, để tăng được giá bán trong bối cảnh cà phê rớt giá hiện nay, cách duy nhất là phải sản xuất được cà phê chất lượng cao.
Và muốn làm được điều này, cùng với quá trình chăm sóc thì khâu thu hoạch cà phê là rất quan trọng. Công ty sẵn sàng liên kết và thu mua cà phê của nông dân với giá cao hơn thị trường nếu đáp ứng được tiêu chuẩn thu hái chín.
Ông Lê Đức Huy, Phó tổng giám đốc Simexco Đắk Lắk cho biết: "Để gia tăng chất lượng ngoài thu hái, phơi, sấy theo truyền thống thì có những biện pháp thu hoạch chín, phơi, chế biến nâng cao chất lượng được. Vì vậy nâng cao năng lực cho bà con về thu hoạch chín sẽ nâng cao chất lượng lên. Trong 5 năm vừa qua, nếu bà con nâng cấp chất lượng đảm bảo yêu cầu thì công ty đang mua với giá hàng thương mại chất lượng cao 10.000/kg, đã tăng hơn với giá thị trường là 30%. Giá này do cơ chế thị trường quyết định. Hy vọng 5 năm sau, 7 năm sau giá trị sẽ tăng gấp đôi”.
Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh hiện có hơn 203.000 ha cà phê, năng suất bình quân ước đạt hơn 25 tạ/ha; tổng sản lượng ước đạt khoảng 465.000 tấn. Để nâng cao được chất lượng cà phê, ngành nông nghiệp đã phối hợp với chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo an ninh trật tự để người dân yên tâm thu hái khi tỷ lệ cà phê chín đạt trên 85%; trường hợp thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín phải đạt tối thiểu 80% nhằm đảm bảo chất lượng cà phê sau thu hoạch.
"Về phía Chi cục trước hết, chúng tôi tuyên truyền vận động trong hệ thống của mình đến bà con nông dân cố gắng thực hiện thu hoạch phải đạt quả chín và không nên thu hoạch quả xanh. Vì nhiều bà con vẫn có tư tưởng xanh nhà hơn già đồng như vậy là không nên. Cùng với đó phối hợp với các đơn vị để vừa đảm bảo bảo vệ thu hoạch mùa màng cho bà con, vừa hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân thu hái theo đúng quy định” - ông Nguyễn Hắc Hiển nhấn mạnh.
Nâng cao nhận thức người sản xuất về việc đảm bảo chất lượng cà phê trong thu hái, phơi sấy, chế biến và bảo quản sau thu hoạch” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong “Đề án phát triển cà phê bền vững tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 định hướng đến năm 2030” nhằm thúc đẩy ngành hàng cà phê tỉnh Đắk Lắk phát triển theo hướng bền vững. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho dân cư nông thôn; quản lý tốt các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.