Chọn mặt gửi vàng
Ngày 12/11/2014, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, PVCFC) tổ chức IPO thành công với gần 129 triệu cổ phần được đấu giá hết tại mức giá bình quân 12.251 đồng/cổ phần. Có 1.178 nhà đầu tư trúng giá, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 1.579,8 tỷ đồng. Con số này đã đưa Đạm Cà Mau đứng đầu danh sách các thương vụ IPO “nghìn tỷ” trong năm 2014.
Trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bán được cổ phần với giá thấp hoặc “ế”, thì thương vụ của Đạm Cà Mau nổi lên như một điểm sáng của TTCK Việt Nam năm qua. Thành công này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào chiến lược hoạt động, sản xuất - kinh doanh của Đạm Cà Mau.
Niềm tin ấy được xây dựng dựa vào những căn cứ thuyết phục. Là thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), theo kế hoạch sản xuất trong những năm tới, PVN sẽ đảm bảo về giá khí giai đoạn 2015 - 2018 để Đạm Cà Mau có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân là 12%/năm, từ hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón (thông qua hợp đồng mua bán khí). Chỉ tiêu doanh thu của Đạm Cà Mau năm 2015 là 5.582 tỷ đồng, năm 2016 là 6.250 tỷ đồng, năm 2017 là 6.433 tỷ đồng và năm 2018 là 7.442 tỷ đồng.
Theo ông Bùi Minh Tiến, Tổng giám đốc Đạm Cà Mau, với những nền tảng vững chắc, Đạm Cà Mau đang tự tin triển khai thực hiện chiến lược dài hạn với quy mô ngày càng lớn, năng lực cạnh tranh được nâng cao và kinh doanh hiệu quả hơn vì lợi ích của tất cả các cổ đông và lợi ích của khách hàng.
Tuy mới ra mắt sản phẩm thương mại lần đầu tiên vào đầu năm 2012, nhưng đến nay Công ty đã tung ra thị trường gần 3 triệu tấn sản phẩm chất lượng. Điều đó không chỉ khẳng định năng lực tổ chức, quản lý vận hành của Ban lãnh đạo, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, công nhân Đạm Cà Mau, mà còn khẳng định niềm tin, sự tín nhiệm hàng đầu của bà con nông dân đối với thương hiệu Đạm Cà Mau - Hạt Ngọc Mùa Vàng.
Được tin dùng ở thị trường trong nước và là sự lựa chọn hàng đầu của bà con nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, Đạm Cà Mau tiếp tục khẳng định mình khi chủ động mở rộng thị trường ra nước ngoài với việc xuất khẩu hơn 180.000 tấn sản phẩm sang các nước: Campuchia, Philippines, Thái Lan, Bangladesh, đặc biệt là các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Điều này không chỉ tạo dấu ấn mạnh mẽ của thương hiệu Đạm Cà Mau ở thị trường khu vực, khẳng định được chất lượng quốc tế trong sản phẩm, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong vai trò ổn định và thúc đẩy phát triển thị trường phân bón của quốc gia.
Tiếp nối những thành công đó, 6 tháng đầu năm 2015, Đạm Cà Mau đã sản xuất được 422.350 tấn phân bón, sản lượng tiêu thụ đạt 420.360 tấn. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Công ty đạt 2.834 tỷ đồng, lãi ròng cổ đông công ty mẹ đạt 454 tỷ đồng, tương ứng 71% kế hoạch năm 2015. Với kết quả đó, Đạm Cà Mau đã khiến cổ phiếu của mình trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn.
Ông Bùi Minh Tiến (bên trái), Tổng giám đốc Đạm Cà Mau tại buổi giao lưu trực tuyến “Sức bật của TTCK quý II/2015”
Khẳng định niềm tin
Ông Bùi Minh Tiến cho biết, trong chiến lược kinh doanh giai đoạn trung và dài hạn, Đạm Cà Mau tiếp tục củng cố và giữ vững thị trường Tây Nam Bộ, phát triển thị trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Campuchia.
Vừa qua, Công ty đã ký kết hợp đồng đại lý với 4 đối tác tại thị trường Campuchia và tổ chức lễ ra mắt sản phẩm, qua đó từng bước giúp người nông dân Campuchia tiếp cận với sản phẩm đạm hạt đục chất lượng cao do Việt Nam sản xuất qua đường chính ngạch.
Chia sẻ về công tác quản lý kinh doanh, lãnh đạo Đạm Cà Mau cho hay, Đạm Cà Mau điều hành chính sách giá bán linh hoạt, sát với thực tế thị trường, nhu cầu mùa vụ và giá cả phân bón trong nước và trên thế giới. Công ty chủ động điều chỉnh linh hoạt giá bán nhằm đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh với các đối thủ và giữ vững thị phần tiêu thụ tại các khu vực. Mặt khác, Công ty thường xuyên rà soát, đánh giá hệ thống phân phối nhằm bổ sung, sàng lọc khách hàng phù hợp với định hướng phát triển chiến lược kinh doanh.
“Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau sẽ tiếp tục đầu tư vào công tác nghiên cứu và phát triển; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm mới trên cơ sở định hướng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm; ứng dụng các công nghệ như SAP ERP, RBI, CMMS, KPI... là các công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay để nâng cao hiệu quả tối đa trong hệ thống quản lý, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, ông Tiến nhấn mạnh.
Không dừng lại ở năng lực sản xuất hiện tại, Đạm Cà Mau đang có hàng loạt dự án đầu tư để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tiêu biểu là các dự án: nâng cao năng lực về logistic, đầu tư kho chứa phân bón 10.000 tấn (dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2015); nâng cấp và mở rộng cảng xuất nhập hàng hoá lên 1,5 triệu tấn năm (dự kiến hoàn thành vào năm 2016).
Công ty cũng đang chuẩn bị đầu tư vào nhiều dự án như: Nhà máy sản xuất phân bón phức hợp, công suất 300.000 tấn/năm (dự kiến hoàn thành vào năm 2018); Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, vi sinh và các sản phẩm phân bón khác... Ngoài ra, Công ty tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án về hoá dầu theo chiến lược phát triển khâu chế biến dầu khí tại khu vực Tây Nam Bộ.
Kế hoạch kinh doanh cụ thể theo phân mảng thị trường trong và ngoài nước, tăng cường đầu tư vào sản xuất để nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm, ứng dụng các công nghệ mới nhằm đáp ứng, thỏa mãn những yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, đồng thời sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với sản phẩm của các quốc gia khác trên thế giới trong lĩnh vực mà Công ty đang hoạt động, Đạm Cà Mau đã khiến các nhà đầu tư lạc quan về các kết quả đã đạt được, cũng như các mục tiêu, chiến lược phát triển bền vững của Công ty trong các năm tiếp theo.