Nhận định đó đã trở thành hiện thực sau khi TNT, một công ty chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới (quốc tịch Hà Lan), vừa chính thức ra mắt “dịch vụ chuyển phát nhanh nội địa” tại Việt Nam. Như vậy, TNT trở thành công ty chuyển phát nhanh (CPN) quốc tế đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ CPN nội địa theo tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế.
TNT: Khởi động “cuộc đua đầu tư”
Ông Onno Boots, Giám đốc điều hành TNT khu vực châu Á cho biết, TNT nhận vận chuyển tất cả các loại hàng hóa, đủ quy cách với các yêu cầu khắc nghiệt nhất từ độ lạnh, chất lượng bảo quản, bao bì... với các mốc thời gian được ấn định trước là 9, 10, 12 giờ của ngày hôm sau hoặc tùy theo thời gian ấn định của khách hàng. Mọi hàng hóa khi nhận đều được cài đặt thiết bị định vị vệ tinh toàn cầu để giúp TNT và khách hàng có thể dễ dàng theo dõi lô hàng với lộ trình cụ thể, rõ ràng.
Dự án cung cấp dịch vụ này có tổng vốn đầu tư 7 triệu euro. Ngoài ra, Công ty sẽ mở thêm 5 văn phòng tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thành phố Vinh, An Giang và Cà Mau, nâng tổng số chi nhánh của TNT tại Việt Nam lên 23.
Ngoài dự án này, ông Mark Van Den Assem, Giám đốc TNT Việt Nam cho biết, TNT đang đầu tư Dự án xây dựng “Mạng lưới đường bộ xuyên Á” nối từ Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào với Việt Nam. Khi dự án này hoàn thành, TNT sẽ đảm bảo cung cấp dịch vụ giao nhận đủ 3 hình thức cho khách hàng là đường không, đường bộ và đường biển và kết nối liên thông với mạng lưới TNT toàn cầu tại hơn 200 quốc gia.
Thực tế, TNT không phải là DN đầu tiên muốn “có phần” trong mảng dịch vụ giao nhận trên thị trường 84 triệu dân của Việt Nam. Trước đó, DHL Express tuyên bố sẽ đầu tư 14 triệu USD vào thị trường Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Theo ông Scott Price, Tổng giám đốc điều hành DHL Express khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nguồn vốn này sẽ được đầu tư nâng cấp và mở rộng cơ sở dịch vụ, trong đó có việc xây dựng 3 trung tâm khai thác hàng hóa mới, 2 trung tâm vận chuyển và 4 điểm tập kết hàng hóa ở TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Trong khi đó, Hãng vận tải Cargo Italia cũng vừa chính thức tham gia vào thị trường giao nhận vận tải bằng đường hàng không tại Việt Nam . Công ty giao nhận này coi Việt Nam là một mắt xích trong mối liên kết với các thị trường Bắc Mỹ, Ấn Độ, Viễn Đông...
Cạnh tranh thế nào?
Đây là câu hỏi lớn đặt ra đối với gần 600 DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ từ giao nhận đến dịch vụ hậu cần. Theo cam kết WTO, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường giao nhận thông qua việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài liên doanh với DN trong nước.
Thị trường dịch vụ CPN là thị trường đem lại lợi nhuận rất cao. Chính vì vậy, các DN hoạt động trong mảng thị trường này đã và đang cạnh tranh nhau gay gắt và yếu tố để khẳng định đẳng cấp của DN, của dịch vụ chính là chất lượng dịch vụ, trong đó yếu tố tiên quyết là thời gian giao hàng.
Theo một nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thị trường vận tải, giao nhận, năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam đang ở thế yếu toàn diện so với các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là DN Việt Nam không có cơ hội cạnh tranh. Theo một đại diện của Hiệp hội Giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), DN Việt Nam nếu biết liên kết hệ thống vận tải, kho vận thì vẫn có “thế” để đàm phán với DN nước ngoài. Đó là chưa kể, các DN nước ngoài tập trung đầu tư vào dịch vụ chất lượng cao, nên còn nhiều phân khúc khác trên thị trường vẫn còn trống. Tiềm năng kinh doanh vẫn còn, vấn đề là cách thức khai thác, cạnh tranh như thế nào.