Đẩy nhanh tiến độ đào tạo 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, sớm trình Chính phủ trong quý I/2024.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì buổi làm việc lấy ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. (Ảnh: Đức Trung) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì buổi làm việc lấy ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. (Ảnh: Đức Trung)

Chiều tối 27/2, tại Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì buổi làm việc lấy ý kiến dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” theo nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/8/2023.

Chương trình có sự tham dự của ông Vũ Hải Quân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh; đại diện các bộ ngành, các tỉnh, thành phố có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đại diện lãnh đạo các đại học, viện nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Đà Nẵng, Đại học Huế, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chương trình còn có sự góp mặt của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ đang phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước như Intel, Qualcomm, Cadence, Qorvo, Synopsys, Coherent, Marvell, Viettel, VNPT, FPT… cùng các chuyên gia thuộc Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn đang làm việc tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Đài Loan, Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Đức, Hà Lan…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ghi nhận sự đóng góp của các bên liên quan trong việc tham gia xây dựng Đề án, cũng như đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung tổng hợp ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện Đề án, sớm trình Chính phủ trong quý I/2024, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm đạt được mục tiêu đến năm 2030, kỹ sư Việt Nam có khả năng tham gia sâu vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn hiện đại (từ front-end đến back-end); tham gia sâu vào công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn, làm chủ được một phần công nghệ đóng gói và kiểm thử; kỹ sư Việt Nam tham gia làm việc trong các nhà máy sản xuất bán dẫn, từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất; và đào tạo được 50.000 kỹ sư phục vụ ngành trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.

Đồng thời, đến năm 2045, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.

Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Đức Trung)
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Đức Trung)

Trước đó, từ tháng 9/2023 đến tháng 2/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), cơ quan chủ trì dự thảo Đề án tổ chức nhiều hoạt động phục vụ nghiên cứu, xây dựng Đề án như: (1) khảo sát các doanh nghiệp vi mạch bán dẫn để đánh giá nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam; (2) khảo sát các viện nghiên cứu, trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam để đánh giá năng lực đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn; (3) lấy ý kiến chuyên gia về dự báo nhu cầu và khả năng đào tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đang làm việc tại Hoa Kỳ, Đài Loan, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ…;

(4) khảo sát, tham vấn các tổ chức tư vấn, các hiệp hội, các trường đại học và các tập đoàn lớn trên thế giới trong ngành công nghiệp bán dẫn về xu hướng phát triển, nhu cầu tuyển dụng, kinh nghiệm triển khai các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành; (5) tổ chức làm việc, đánh giá nhu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn, cơ sở đào tạo quốc tế trong lĩnh vực bán dẫn có tiềm năng đầu tư, hợp tác, cung cấp học bổng cho Việt Nam; (6) phối hợp với các chuyên gia người Việt Nam tại Sillicon Valley, Hoa Kỳ và các doanh nghiệp, đại học hàng đầu về ngành công nghiệp bán dẫn như Cadence, FPT, Đại học bang Arizona… tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn cho giảng viên, sinh viên, kỹ sư ngành gần mong muốn tham gia chuyển đổi sang ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), đại diện Ban soạn thảo đã giới thiệu tổng quan quá trình và kết quả nghiên cứu, xây dựng Đề án, qua đó làm rõ thêm về sự cần thiết, mục tiêu, các giải pháp, nhiệm vụ, phân công các cơ quan, đơn vị thực hiện Đề án. Đồng thời, đề xuất một số nội dung cần xin ý kiến để hoàn thiện Đề án trong thời gian tới.

Đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, chuyên gia người Việt Nam ở trong và ngoài nước đánh giá cao sự cần thiết và nội dung dự thảo Đề án để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Các đại biểu cơ bản nhất trí với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng như đóng góp nhiều ý kiến, kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt vai trò của các doanh nghiệp công nghệ lớn, các doanh nghiệp nhà nước, nguồn lực đầu tư của nhà nước, liên kết doanh nghiệp - trường đại học, hợp tác quốc tế trong đào tạo, nhập khẩu các chương trình đào tạo, thu hút nhân tài…

Các đại biểu cũng nhấn mạnh vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vai trò là cơ quan chủ trì, điều phối phối thực hiện Đề án và vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong việc triển khai các hoạt động nhằm phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam thông qua các hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học của các quốc gia, nền kinh tế có thế mạnh trong lĩnh vực bán dẫn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Hà Lan...

Việc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trong thời gian vừa qua đã phối hợp với Cadence, Đại học bang Arizona, FPT, Đại học Giao thông Dương Minh (Đài Loan)… hình thành các trung tâm đào tạo thiết kế chip, tổ chức các khóa đào tạo cho giảng viên, sinh viên và hỗ trợ bản quyền phần mềm, chương trình đào tạo, cấp học bổng cho các trường đại học có ý nghĩa rất quan trọng để bước đầu tạo tiền đề triển khai các nhiệm vụ của Đề án.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục