Đẩy mạnh tín dụng, đã có cơ sở thực tế

(ĐTCK) Lạc quan vào triển vọng của nền kinh tế trong những tháng cuối năm, những ngân hàng TMCP nhỏ đầu tiên xin nới chỉ tiêu tín dụng cho rằng, sẽ không khó để đạt được chỉ tiêu tín dụng gấp đôi so với chỉ tiêu được giao hồi đầu năm.
Đẩy mạnh tín dụng, đã có cơ sở thực tế

"Ưu tiên hàng đầu là chất lượng tín dụng"

Bà Nguyễn Minh Thu, Tổng giám đốc OceanBank

 

OceanBank vừa được NHNN gia tăng giới hạn tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2012 đến 27%, vượt so với giới hạn hiện tại là 12% và vượt xa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân của toàn ngành hiện nay.

Một số cơ sở để OceanBank xin tăng hạn mức tín dụng và đã được NHNN chấp thuận lên mức 27% trong năm 2012, đó là:

Một là, số dư huy động tiền gửi của khách hàng tại OceanBank từ đầu năm luôn ổn định và tăng trưởng tốt nhờ vào việc Ngân hàng đã có những sản phẩm huy động linh hoạt, tiện ích và chất lượng dịch vụ tốt. Trong khi tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tính trên tổng nguồn vốn huy động tiền gửi của khách hàng mới chỉ ở mức 66,7%. Đây là mức thấp, trong khi theo thông lệ quốc tế mức trung bình của toàn ngành ngân hàng và được NHNN cho phép ở mức 80%.

Hai là, dư nợ cấp tín dụng của OceanBank trong thời gian qua ổn định và có những bước tăng trưởng dần vào các tháng giữa năm và lãi suất hợp lý. 6 tháng đầu năm, OceanBank tăng trưởng tín dụng đạt 8,7%. OceanBank đã và đang xây dựng một số chính sách, sản phẩm ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút, hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp thương mại, thúc đẩy giải phóng hàng tồn kho. Hiện nay, OceanBank có những chương trình cho vay ngắn hạn với lãi suất chỉ 12%/năm. Dòng vốn tín dụng của OceanBank tập trung lớn nhất ở các ngành công nghiệp; dịch vụ và lĩnh vực y tế và hỗ trợ xã hội…

Tại OceanBank, các chỉ tiêu an toàn hoạt động luôn đảm bảo quy định của NHNN và nằm trong tốp các NHTM có khả năng thanh khoản tốt. Cụ thể: Tỷ lệ an toàn vốn xoay quanh mức 12% cao hơn so với quy định của NHNN (9%) và theo thông lệ nhiều nước trên thế giới áp dụng Basel II (12%); Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn đã sử dụng để cho vay trung, dài hạn của OceanBank tính hết tháng 7/2012 là 20,58% (quy định của NHNN là tối đa 30%). Tỷ lệ dư nợ/tổng số dư tiền gửi của khách hàng vẫn còn thấp, trên 66%; tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn là 20,58%. Năm 2012, OceanBank được NHNN xếp hạng A và 6 tháng đầu năm 2012 xếp nhóm 1 về tăng trưởng tín dụng. Do đó, OceanBank không bị sức ép gì đến cơ cấu nguồn vốn cũng như đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tín dụng vì hiện tại các chỉ tiêu an toàn tín dụng đang ở mức cao.

HĐQT và Ban Điều hành OceanBank đã xác định vấn đề quan trọng và ưu tiên hàng đầu là chất lượng tín dụng rồi mới đến tăng trưởng tín dụng. Mục tiêu và cũng là thách thức lớn nhất của OceanBank chính là làm thế nào để việc tăng trưởng tín dụng đi kèm với cải thiện và đảm bảo chất lượng tín dụng, không để gia tăng nợ xấu. Chúng tôi tin tưởng Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục có những hành động tích cực và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nguồn vốn đưa vào nền kinh tế. Ngoài vai trò là ngân hàng cung ứng vốn, chúng tôi còn nỗ lực tạo ra các liên kết, làm trung gian giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để phía sản xuất và bên tiêu thụ gặp nhau, tạo điều kiện cùng phát triển. Một nội dung quan trọng khác là OceanBank đang thúc đẩy mảng tín dụng cá nhân với những chính sách, thủ tục hết sức linh hoạt và đơn giản để góp phần tăng sức mua của xã hội cũng như dành một tỷ trọng hợp lý nguồn vốn để đầu tư cho các ngành dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong chương trình “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Đã có dấu hiệu các doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TienPhong Bank

  Đẩy mạnh tín dụng, đã có cơ sở thực tế  ảnh 2
Với cơ cấu cổ đông chiến lược mạnh, TienPhong Bank có cơ sở khách hàng riêng và bền vững, có thêm hướng kinh doanh mới dựa trên sự hỗ trợ đắc lực của cổ đông như kinh doanh vàng, cung cấp dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, khách hàng Nhật Bản…

TienPhong Bank đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi, lãi suất hợp lý, phù hợp với từng đối tượng khách hàng và đặc thù vùng miền như  gói “90 ngày vàng dành cho doanh nghiệp” với  lãi suất cho vay từ12-14,5%/năm, 3.000 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ…, 1.000 tỷ đồng dành cho vay sản xuất lúa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, gói vay thấu chi ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân… Đầu tháng 9, sau khi có giấy phép của NHNN, TienPhong Bank sẽ chính thức tham gia thị trường vàng, kinh doanh vàng vật chất và các dịch vụ liên quan.

NHNN vừa nới room tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2012 đến 27% cho TienPhong Bank. Có một số lý do chính khiến chung tôi quyết định xin tăng mạnh định mức tăng trường tín dụng.

Thứ nhất, hiện nay đã có dấu hiệu các doanh nghiệp đỡ khó khăn hơn. Thông tin mới nhất cho thấy số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động đã giảm hơn so với trước, số doanh nghiệp tạm dừng đăng ký nộp thuế cũng giảm đáng kể và đây là dấu hiệu tích cực.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống mức khác hợp lý, có thể nói đã quay về mặt bằng trước giai đoạn khủng hoảng năm 2008. Bên cạnh đó, Chính phủ đang thực hiện một loạt chính sách đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế như kích cầu, tăng đầu tư công, giải quyết hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng, tạo điều kiện cho các ngành nông thủy sản… Như vậy, điều kiện phát triển tín dụng trong thời gian tới khá lý tưởng.

Thứ ba, dư nợ tín dụng hiện nay của TienPhong Bank có quy mô chưa lớn, Ngân hàng lại trong giai đoạn tăng tốc phát triển và có cơ sở khách hàng riêng nên mức tăng trưởng 27% không phải quá khó để thực hiện. 

Có thể nói trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, NHNN phải rất tin tưởng và ủng hộ mới cho phép TienPhongBank tăng trưởng tín dụng 27% so với năm 2011. Tại TienPhong Bank, tín dụng không đơn thuần là một nghiệp vụ mà tốc độ tăng tín dụng còn phản ánh sức khỏe chung, tình hình thanh khoản tốt, hệ thống khách hàng và năng lực thực sự của ngân hàng.

Hiện tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn của TienPhong Bank là tương đối tốt, nguồn vốn dồi dào, chi phí vốn không quá cao nên cho phép Ngân hàng có thể cho vay với mức lãi suất hợp lý dành cho các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp đồng thời đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tín dụng của Ngân hàng.

Bên cạnh đó, TienPhong Bank có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 4.500 tỷ trong năm 2012 nên TienPhong Bank có kế hoạch sử dụng toàn bộ số vốn cổ đông tăng thêm để đầu tư tín dụng. Kế hoạch này đã được NHNN ủng hộ, chấp thuận và ngân hàng đang chờ UBCK phê duyệt.

Về tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành, theo ý kiến cá nhân tôi, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2012 sẽ thực dương và ở mức hai con số.

Thừa công suất cho “room” tín dụng rộng gấp đôi  

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB

Đẩy mạnh tín dụng, đã có cơ sở thực tế  ảnh 3  

OCB đang có chủ trương đề xuất nới room tăng trưởng dư nợ tín dụng những tháng cuối năm 2012 để tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi, phát triển sản xuất - kinh doanh.

Tôi cho rằng chủ trương của NHNN ủng hộ các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp là rất đúng đắn, đây cũng là dấu hiệu tích cực để các ngân hàng có thể đẩy mạnh dư nợ tín dụng những tháng cuối năm và chắc chắn nguồn vốn cung ứng ra thị trường sẽ dồi dào. Dự báo tăng trưởng tín dụng của một ngân hàng dựa vào 2 yếu tố: phát triển khách hàng mới và hạn mức của các khách hàng cũ. Từ đầu năm đến giữa quý II/2012, rất nhiều khách hàng có hạn mức đến thời điểm giải ngân, nhưng doanh nghiệp lại đàm phán để giảm hoặc dừng không giải ngân. Lý do bởi doanh nghiệp vay với lãi suất rất cao nên ngại không muốn giải ngân, bên cạnh đó, tình hình kinh tế cũng không mấy sáng sủa. Nhưng tình hình hiện tại có thay đổi, lãi suất cũng ổn định hơn, các hoạt động kinh doanh giai đoạn này cũng bắt đầu vào mùa vụ có nhu cầu giải ngân lại.

Giai đoạn đầu năm, tình hình kinh tế khó khăn, nên sức thu hút vốn của thị trường thấp. Lãi suất cao cũng khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải cơ cấu lại hoạt động và nguồn tài chính theo hướng chủ động giảm doanh thu, không giải ngân tiếp hoặc tăng cường sử dụng nhiều vốn góp, vốn tự có. Hơn nữa, chính các ngân hàng cũng hạn chế giải ngân và tập trung vào củng cố thanh khoản, nên doanh nghiệp có muốn vay cũng khó.

Tuy nhiên, giai đoạn này lượng dư thừa thanh khoản tăng lên và lãi suất đã giảm rõ rệt. Doanh nghiệp thấy tình hình đã ổn hơn và quan trọng là họ cũng không thể ngồi chờ quá lâu để đánh mất các đơn đặt hàng. Với những yếu tố đó, OCB đã nhìn thấy có khả năng vượt mức tăng trưởng tín dụng 15% được NHNN giao hồi đầu năm.

Thực tế, từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, OCB cũng giống như một vài ngân hàng khác, có thanh khoản khá dồi dào, do tăng trưởng huy động vẫn được duy trì, còn cho vay thì hạn chế. Hơn nữa, OCB nhận được sự tín nhiệm cao từ các tổ chức tài chính quốc tế uy tín như BNP Paribas và IFC trong việc tài trợ vốn giá rẻ trung và dài hạn. Chính vì thế chúng tôi luôn dồi dào nguồn vốn cho vay. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh để cung ứng nguồn vốn này ra thị trường để tạo điều kiện các doanh nghiệp tiếp cận vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Từ cuối năm 2011, OCB đã cải tổ cơ cấu tổ chức, phân tách giữa kinh doanh và quản lý rủi ro, tăng cường năng lực trong quy trình quản trị rủi ro hợp chuẩn. Do vậy, không phải bỗng dưng, IFC, BNP Paribas cung cấp một hạn mức tín dụng lên đến 55 triệu USD cho Ngân hàng, mà là do chúng tôi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các tổ chức này đặt ra, đồng thời tuân thủ đầy đủ quy định liên quan đến quản lý rủi ro ngân hàng. OCB đã xây dựng “dàn máy” thích ứng với quy mô tín dụng lớn hơn gấp nhiều lần so với hiện tại có thể lên đến 90.000 tỷ đồng. Tóm lại, cả hệ thống Ngân hàng đang thừa công suất về quy trình, mô hình, kỹ thuật… và phấn đấu 3 - 5 năm nữa mới chạy hết công suất.

Hồng Dung ghi nhận.
Hồng Dung ghi nhận.

Tin cùng chuyên mục