Đẩy mạnh thanh tra doanh nghiệp

(ĐTCK-online) Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Trần Văn Truyền cho biết, 1 trong 4 mục tiêu mà TTCP đặt nhiệm vụ trọng tâm để tiến hành thanh tra năm 2008 là các DNNN chuẩn bị CPH và những CTCP có vốn góp của Nhà nước. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Văn Truyền. Ông Trần Văn Truyền.

Ông có cho rằng, đối với DNNN chuẩn bị CPH, CTCP có vốn góp nhà nước, việc thanh tra sẽ tác động rất lớn tới tiến trình CPH cũng như nhà đầu tư?

Lộ trình CPH đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp, CPH DNNN của đơn vị mình, nên việc thanh tra của TTCP không ảnh hưởng đến lộ trình CPH. Ngược lại, một trong những mục đích của thanh tra đối với các đối tượng này là góp phần đẩy nhanh tốc độ CPH theo đúng kế hoạch Chính phủ đã đặt ra, đồng thời TTCP còn giúp các bộ, ngành, địa phương theo dõi tiến trình CPH để đảm bảo lợi ích của các bên: Nhà nước, người lao động trong DN và nhà đầu tư. Đối với DN đã CPH, việc thanh tra là nhằm xem hoạt động của DN sau khi CPH có tốt hơn không, công tác quản trị DN ra sao, công tác quản lý tài chính có chặt chẽ không…? Đây là hoạt động bình thường trong công tác quản lý nhà nước, chứ không nên hiểu là khi DNNN hoặc CTCP có vấn đề về tài chính hay kiện cáo thì thanh tra mới thực hiện nhiệm vụ của mình.

 

Mặc dù năm 2008, TTCP mới đặt kế hoạch thanh tra khối DN, nhưng năm 2007 và những năm trước đây vẫn có một số đơn vị bị thanh tra, thưa ông?

Hàng năm, ngoài thanh tra theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TTCP cũng thực hiện các cuộc thanh tra nếu như nhận được đơn thư tố cáo về một đơn vị nào đó hoặc được Thủ tướng giao thêm nhiệm vụ thì TTCP sẽ vào cuộc với từng trường hợp cụ thể.

 

Thưa ông, kết luận của TTCP về những cuộc thanh tra khối DN trước đây ra sao?

Mỗi đối tượng thanh tra sẽ có kết luận riêng, nhưng nhìn chung, một số DNNN thực hiện CPH không nghiêm túc, việc định giá tài sản còn tùy tiện. Trong quá trình giải quyết các lợi ích khi CPH, phần thiệt thòi về tài chính bao giờ cũng thuộc về Nhà nước. Ngoài ra, tại không ít DN, việc kiểm soát phát hành cổ phiếu chưa chặt chẽ, dẫn đến phát hành tùy tiện, đối với cả cổ phiếu phát hành lần đầu, cổ phiếu phát hành trong nội bộ DN lẫn cổ phiếu phát hành ra bên ngoài. Chúng tôi đã báo cáo tình trạng này với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và kiến nghị chấn chỉnh.

 

Việc thực hiện kết luận của thanh tra đến đâu, thưa ông?

Chúng tôi đã kiến nghị cơ quan có trách nhiệm phải chấn chỉnh vi phạm và kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, thế nhưng một số cơ quan chỉ đạo việc này không nghiêm túc, thậm chí kiểm điểm cho qua chuyện. Trước thực tế này, TTCP đã kiến nghị với Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, đặc biệt là việc thu hồi tài sản bị thất thoát, lãng phí.

 

Có DN đã CPH, đã phát hành cổ phiếu, nhưng sau đó Nhà nước tiến hành thu hồi lại một phần mặt bằng mà DN đó đang sử dụng, gây bức xúc cho nhà đầu tư và ảnh hưởng xấu tới TTCK. Tại sao TTCP không vào cuộc để làm rõ vấn đề này?

Chúng tôi chưa tiến hành thanh tra bởi DN kể trên không nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2007 và chúng tôi cũng không nhận được đơn thư khiếu nại về vấn đề này.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi đã tiến hành thanh tra một số đơn vị khác và phát hiện có DN thực hiện không đúng việc xác định giá trị DN, đặc biệt là giá trị mặt bằng. Chính vì vậy, năm 2008, khi tiến hành thanh tra DNNN chuẩn bị CPH, CTCP có vốn góp nhà nước, TTCP đặt trọng tâm vào thanh tra việc xác định giá trị tài sản DN, đặc biệt là xác định giá trị mặt bằng mà DN sử dụng. Tôi cho rằng, khi thanh tra có kết luận, giá trị tài sản của DN được công khai, hoạt động sản xuất - kinh doanh, tình hình tài chính của DN được minh bạch sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan, chính xác về DN. Điều này không chỉ thúc đẩy quá trình CPH, mà còn làm lành mạnh việc phát hành cổ phiếu của DN.

 

Theo kế hoạch, sẽ có hàng loạt DNNN được sắp xếp, chuyển đổi trong năm 2008. Liệu TTCP có đủ thời gian và nhân lực để tiến hành thanh tra toàn bộ đối tượng này?

Chúng tôi không chỉ tiến hành thanh tra tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, tình hình tài chính đối với DN chuẩn bị CPH, mà còn thanh tra cả những DN đã chuyển đổi sở hữu. Chúng tôi đã lên danh sách đối tượng thanh tra theo hướng, TTCP tiến hành thanh tra đối với tổng công ty, tập đoàn kinh tế, DN có quy mô lớn, còn những DN khác thì giao cho thanh tra tại các địa phương thực hiện hoặc đề nghị thanh tra chuyên ngành của các bộ, ngành thực hiện.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,244.7 0.0 0.0% 162,835 tỷ
HNX 235.68 0.0 0.0% 1,903 tỷ
UPCOM 91.72 0.02 0.02% 825 tỷ