Đây là một trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hoá “Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông” được ký ngày 28/07/2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 4 tỉnh thành phố trong thỏa thuận.
Theo đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Thực trạng hoạt động các KKT, KCN
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin: Bốn địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 KKT và KCN, Trong đó, Hải Phòng có 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.
Riêng lĩnh vực phát triển công nghiệp, 4 địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Ngành công nghiệp - xây dựng của các địa phương là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, quan trọng có hàm lượng công nghệ cao, giá trị xuất khẩu lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô, đóng tàu, dệt may; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ trong các ngành này tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn. |
Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện mới đạt khoảng 50%.
Trong đó, Hải Dương dù đã thu hút được 348 dự án (tính đến 30/6/2023) nhưng mới đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình khoảng 51%; Hải Phòng cao nhất trục cao tốc với tỷ lệ lấp đầy trên 60% với tỷ suất đầu tư trung bình đạt 9 triệu USD/ha. Quảng Ninh với 8 KCN đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy mới dừng ở con số 43% - thấp hơn so với bình quân cả nước, số KCN đang trong giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư với tổng số vốn đạt 4.100 triệu USD và 40 dự án trong nước với số vốn là 21.000 tỷ đồng. Hưng Yên có 261 dự án đầu tư vào các KCN với vốn đầu tư đạt 4.434 triệu USD, tuy vậy tỷ lệ lấp đầy trong các KCN Hưng Yên với đạt 47,8%.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết: “Mặc dù tình hình phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư của Hải Phòng tương đối tốt so với mặt bằng chung toàn quốc nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn; chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi hoạt động logicstic liên hoàn. Diễn đàn liên kết lần này mang ý nghĩa vô cùng quan trọng, sẽ giúp cho TP. Hải Phòng cũng như các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên khắc phục những khó khăn cục bộ; liên kết các thế mạnh của từng địa phương”.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn. |
Diễn đàn cũng chỉ rõ một số tồn tại trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển KCN tại 4 tỉnh, thành phố như: Quy hoạch tổng thể phát triển KCN, khu kinh tế (KKT) còn thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn trong mối tương quan với các ngành kinh tế khác và với xã hội, chưa gắn với quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng và địa phương cả nước; tính liên kết vùng còn yếu.
Mô hình phát triển KCN chậm đổi mới, thời gian qua chủ yếu phát triển theo mô hình tập trung công nghiệp đơn thuần, tập trung cho không gian sản xuất, lao động, chưa chú trọng hoàn thiện không gian sống, không gian sinh hoạt cho người lao động làm cho đời sống công nhân một số KCN còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nhà ở và dịch vụ xã hội.
Quy hoạch khu công nghiệp chưa tính hết các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ngoài hàng rào, ở một số địa phương các KCN tập trung chủ yếu ven các tuyến quốc lộ dẫn đến sự quá tải cục bộ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân địa phương…
Bên cạnh những tồn tại về công tác quy hoạch, các KCN tại 4 tỉnh, thành phố của trục cao tốc phía Đông cũng còn một số tồn tại như: Tốc độ phát triển các KCN còn chậm, tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế. Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển KCN tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Ngành sản xuất công nghiệp tập trung thu hút, quốc gia thu hút khá giống nhau dẫn tới giảm sức hút, sức cạnh tranh. Là trục chính tập trung nhiều KCN, nhưng Quốc lộ 5 hiện đang trong tình trạng cũ và xuống cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn. Ngoài ra, hiện nay quy mô đất công nghiệp, đặc biệt là đất sạch với diện tích lớn cho KCN còn khá hạn chế.
Diễn đàn cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng KCN, CCN các tỉnh trục cao tốc phía Đông cho các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các tổ chức có liên quan.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 4 tỉnh nằm trên trục cao tốc phía Đông liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất của từng đơn vị, nguồn hàng, các dịch vụ hỗ trợ khác nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, chi phí trung gian của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
Tìm kiếm, đề xuất các giải pháp cho sự phát triển chung
Diễn đàn cũng là nơi thảo luận các vấn đề và giải pháp thúc đẩy phát triển hiệu quả các KCN, kết nối và phát triển hạ tầng, thiết chế quan trọng khác như cảng biển, trường đào tạo nghề, nhà ở xã hội… với KCN. Thúc đẩy việc phát triển các KCN theo định hướng xanh, bền vững.
Tham luận tại diễn đàn, ông Bùi Ngọc Hải, Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng cho biết: “Về việc triển khai thực hiện nội dung thỏa thuận đã ký kết của lãnh đạo 4 địa phương rất cần tổ chức xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các KCN, KKT để đảm bảo sự liên kết, sự kết nối phát triển chung cho cả 4 tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các tỉnh có KCN, KKT trên cả nước đề xuất xây dựng và ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và phát triển các KCN, KKT”.
Đồng ý với phát biểu của Phó trưởng ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý KKT Quảng Ninh cho biết thêm: “Trên cơ sở định hướng quy hoạch và ngành nghề thu hút đầu tư của các KCN, KKT, các địa phương cần phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT chung cho cả 4 địa phương và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung trên cơ sở đó tạo sự thống nhất và đảm bảo hiệu suất, tính liên kết của các KCN, KKT”.
Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý KKT Quảng Ninh phát biểu tại Diễn đàn. |
Còn theo ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương thì: “Về cơ chế chính sách, tiếp tục tham mưu với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng thể chế liên kết vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, liên kết trục cao tốc phía Đông trong Đề án thể chế liên kết vùng ở Việt Nam giai đoạn 2021-2030 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các bộ, ngành chủ động phân cấp, ủy quyền cho các Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành đảm bảo phát huy hiệu quả vai trò “một cửa, một đầu mối” của các Ban Quản lý KCN, KKT...”.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp Hải Dương phát biểu tại diễn đàn. |
“Các địa phương cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin dữ liệu quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển. Phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương, nhất là sự phối hợp giữa các Ban quản lý các KCN 4 tỉnh, thành phố. Các địa phương trong vùng cũng cần thống nhất việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kết cấu giao thông đồng mức, đồng bộ đảm bảo kết nối thông suốt giữa các địa phương trong trục kinh tế cao tốc phía Đông”, ông Phạm Trường Tam, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Bruno Jaspaet, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C cho biết, doanh nghiệp đang có mặt tại 2 tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh, với tổng số vốn thu hút được là 6 tỷ USD. Đặc biệt với 26 năm có mặt tại Hải Phòng, khi hệ thống cao tốc phía Đông được hình thành đã mang lại nhiều lợi thế, hỗ trợ cho sự phát triển cho các doanh nghiệp.
Ông Bruno Jaspaet, Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp DEEP C chia sẻ tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Sơn. |
“Để thu hút các dự án phát triển bền vững, bên cạnh tận dụng tốt các ưu đãi về đất, mặt bằng, cần sử dụng công cụ thuế một cách hiệu quả, các tỉnh cần có chung một quy định về sử dụng đất mặt bằng, nước thải, một cách hợp lý bởi trong thời gian tới nếu không có sự xử lý thì rất khó phát triển.Trong tương lai cần thiết phát triển các khu công nghiệp thành khu công nghiệp sinh thái, cần phát triển đường sắt, đường thủy nội địa một cách đồng bộ để thúc đẩy phát triển, vận hành các cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, cần có nhiều sáng kiến hơn nữa tương tự như sáng kiến phát triển trục cao tốc phía Đông này”, ông Bruno Jaspaet nhấn mạnh.