Đẩy mạnh liên kết để tránh thôn tính

(ĐTCK-online) Sẽ có làn sóng sáp nhập và mua lại trên thị trường tài chính là điều được dự báo lâu nay và để tránh sự thôn tính này, các ngân hàng đang chạy đua liên kết, thành lập tập đoàn để nâng cao sức cạnh tranh. Đây được xem là một trong những biện pháp tốt nhất giúp các ngân hàng tránh bị thôn tính bởi các tập đoàn tài chính nước ngoài đang chuẩn bị lấn sân thị trường tài chính Việt Nam.
Đẩy mạnh liên kết để tránh thôn tính

Sợi dây liên kết đang được tạo lập giữa ngân hàng với ngân hàng cũng như ngân hàng với các doanh nghiệp ngoài ngành. Và không chỉ ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ mà ngay cả những nhà băng quy mô lớn cũng ra sức chạy đua liên kết, hợp tác. Chẳng hạn như Ngân hàng BIDV đã liên kết với Nam A Bank, Agribank bắt tay với ABBANK… Bên cạnh đó, các ngân hàng trong hệ thống cổ phần cũng nhanh chóng hình thành chuỗi liên kết, như ACB đã mua lại 11% cổ phần của KienLongBank, đồng thời góp vốn thành lập Ngân hàng Việt Nam Thương Tín và mua cổ phần của Eximbank.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn bị cho quá trình hội nhập quốc tế hậu WTO, liên tiếp trong hai ngày 11 và 12/9, Ngân hàng Sacombank đã ký kết thỏa thuận hợp tác kinh doanh toàn diện với Ngân hàng Habubank và Ngân hàng Quân đội (MB). Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, đây là một trong những chiến lược quan trọng được Ngân hàng quan tâm. Theo ông Thành, trước mắt ở khu vực phía Bắc Sacombank chỉ chọn 2 ngân hàng trên để tạo chuỗi liên kết. Dự kiến, trong thời gian tới Sacombank tiếp tục bắt tay với một số ngân hàng ở phía Nam cũng với mục tiêu trên. “Để tạo sức mạnh và tránh sự thâu tóm, cách tốt nhất mà chúng tôi cảm thấy cần phải làm là hợp tác toàn diện với một số đơn vị trong ngành”, ông Thành nhấn mạnh. Với hợp đồng hợp tác vừa được ký kết, Sacombank sẽ liên kết chéo cùng Habubank, MB trong các chuỗi sản phẩm, nhằm đem lại sự tiện lợi cho người sử dụng. Tuy nhiên, điểm cốt lõi vẫn là tạo thêm sức mạnh cho cả hai bên trước khi cách cửa tài chính Việt Nam mở rộng đón thêm nhiều nhà đầu tư ngoại.

Theo lộ trình thực hiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, bắt đầu từ năm 2010 doanh nghiệp nước ngoài thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh đều được đối xử bình đẳng như doanh nghiệp trong nước. Các hàng rào về thuế cũng như chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sẽ được gỡ bỏ. Do vậy, tính cạnh tranh chắc chắn sẽ trở nên khốc liệt hơn và lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Chính vì vậy, theo các chuyên gia, việc liên kết là một trong những động thái tích cực của ngân hàng Việt Nam nhằm chủ động tăng cường năng lực, củng cố sức mạnh để sẵn sàng cạnh tranh bình đẳng với các tổ chức tài chính quốc tế trên một sân chơi chung.

Mặt khác, thông qua việc hợp tác này, các ngân hàng nhỏ sẽ được hỗ trợ về đào tạo, chiến lược phát triển. Chẳng hạn như KienLongBank được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cũng như chiến lược phát triển từ ACB sau khi bán 11% cổ phần cho ngân hàng này. Nam A Bank nhận được sự chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn từ BIDV để xây dựng các sản phẩm huy động vốn; kinh doanh ngoại tệ… Tương tự, Sacombank sẽ cùng Habubank và MB hợp tác trong đào tạo nhân viên, hỗ trợ nghiệp vụ trong quản lý tài sản nợ - tài sản có, kinh doanh ngoại tệ… Đáng chú ý, qua thỏa thuận này hai bên cam kết không thực hiện các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành khách hàng và tác động, lôi kéo nhân viên của nhau. Đây là một trong những biện pháp tích cực làm hạn chế tình trạng “chảy máu” nhân lực trong ngành. Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài việc tự thân vận động để tăng cường năng lực tài chính thông qua hình thức mở rộng mạng lưới hoạt động, phát triển hệ thống sản phẩm, hiện đại hóa công nghệ… ngân hàng trong nước cần tìm kiếm thêm nhiều đối tác uy tín trong và ngoài nước để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Theo ông Hồ Hữu Hạnh, Phó giám đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. HCM, xu hướng liên kết giữa các ngân hàng hiện nay sẽ nhanh chóng tạo được tiềm lực và sức mạnh cho nhà băng trong nước để có thể cạnh tranh trên thị trường mở. Đồng thời, tạo điều kiện nâng cao tính thanh khoản cổ phiếu của hai bên bằng các dịch vụ tiện ích hỗ trợ cho các cổ đông. Ông Hạnh cho rằng, đối với các ngân hàng quy mô nhỏ, cần liên kết để học hỏi kinh nghiệm, đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm và tạo tiềm lực về vốn thông qua việc bán cổ phần. Đồng thời, trong khuôn khổ của sự thỏa thuận hợp tác, các ngân hàng lớn sẽ khai thác được mạng lưới giao dịch của nhau.          

Thuỳ Vinh
Thuỳ Vinh

Tin cùng chuyên mục