Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

(ĐTCK) Cho vay tiêu dùng đang được xem là mảng kinh doanh hấp dẫn với các tổ chức tín dụng, nhưng tốc độ tăng trưởng nóng của lĩnh vực này đang khiến nhiều chuyên gia quan ngại.  
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng: Nhiều rủi ro tiềm ẩn

Tín dụng tiêu dùng tăng mạnh

Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 11/2017, dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống tín dụng tăng xấp xỉ 28% so với tháng 1/2017, cao hơn hẳn so với tốc độ tăng của tổng tín dụng đối với nền kinh tế (12,16%). Cho vay tiêu dùng đã chiếm tới 16,4% tổng tín dụng của toàn hệ thống.

Thực ra, tín dụng tiêu dùng tăng mạnh trong thời gian qua cũng không phải là điều khó hiểu. Dân số đông, cơ cấu dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao đang làm gia tăng nhu cầu về nhà ở, nên nhu cầu vay mua nhà, sửa chữa nhà ở tăng lên. Bên cạnh đó, người dân đang chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng và có xu hướng sẵn sàng vay nợ để phục vụ cho các nhu cầu cuộc sống.

Theo Công ty Tài chính FE Credit, mỗi tháng, Công ty phê duyệt đến 240.000 khoản vay, tương đương 2,8 triệu khoản vay mỗi năm. Với hoạt động cho vay sôi động, FE Credit đã đóng góp đến hơn một nửa vào lợi nhuận năm 2016 của ngân hàng mẹ VPBank.

Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới

- Một lãnh đạo cao cấp
Ngân hàng Nhà nước

Công ty Tài chính HD SaiSon cũng báo lãi liên tục tăng trưởng trong những năm qua. Năm 2016, Công ty lãi 440 tỷ đồng, đóng góp xấp xỉ 1/3 tổng lợi nhuận của HDBank. Trước đó, Công ty đạt lợi nhuận 175 tỷ đồng và 280 tỷ đồng lần lượt trong hai năm 2014 và 2015.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, Công ty Tài chính tiêu dùng SHB chính thức hoạt động vào quý III, dự kiến ghi nhận 100 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2017 và tăng lên đáng kể từ các năm sau.

Với mức sinh lời cao và tăng nhanh, tài chính tiêu dùng đang được nhiều tổ chức tín dụng xem là mảnh đất màu mỡ. Nhiều công ty tài chính, trực thuộc ngân hàng được thành lập mới hoặc đổi tên nhằm khai thác thị trường này.

Giữa tháng 2017, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký Quyết định số 1217/QĐ-NHNN sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động đối với việc thay đổi tên, địa điểm đặt trụ sở chính của Công ty tài chính TNHH một thành viên Maritime Bank với tên mới là Công ty Tài chính trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cộng đồng (FCCOM). 

Đầu tháng 9/2017, Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL) đã chính thức khai trương. Đây là công ty liên doanh giữa BIDV và Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (SuMi TRUST) của Nhật Bản. Công ty BSL có vốn điều lệ 895,6 tỷ đồng, trong đó BIDV sở hữu 50%, SuMi TRUST nắm 49% và các tổ chức khác nắm 1%.

Nhận định về triển vọng của thị trường tài chính tiêu dùng, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, tỷ trọng tín dụng tiêu dùng Việt Nam trong tổng tín dụng toàn ngành vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trên thế giới, như vậy, về trung hạn, dư địa của thị trường này vẫn còn rất lớn.

Một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng nhận định: “Trong thời gian tới, tín dụng tiêu dùng vẫn là một trong những mảng hoạt động tiềm năng và chiến lược của các tổ chức tài chính và dự báo tăng trưởng cao”.

Tiềm ẩn rủi ro

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, thu thập thông tin của năm 2015 ở 16 nước châu Âu cho thấy, trong tổng tín dụng, phần dành cho sản xuất là 7%, cho vay mua nhà ở và bất động sản là 14%; cho vay tiêu dùng cá nhân và phương tiện vận chuyển cá nhân là 71%, trong đó tiêu dùng cá nhân là 47% và phương tiện là 21%; 7% còn lại dành cho phương tiện vận tải, thương mại.

Theo TS. Nghĩa, tín dụng tiêu dùng tại các nước tiên tiến chiếm phần lớn, nhưng ở Việt Nam nếu làm vậy thì rủi ro rất lớn, vì hoạt động cho vay tiêu dùng hiện đang được đẩy ra cho các công ty tài chính. 

Có thể nhìn vào bài học năm 1997, Trung Quốc và Thái Lan đổ bể hàng loạt công ty tài chính, kể cả cho vay tiêu dùng lẫn cho vay bất động sản. Trung Quốc hiện vẫn gặp khó khăn với các công ty tài chính địa phương, do các công ty này nằm ngoài sự kiểm soát của hệ thống ngân hàng, nằm ngoài sự kiểm soát rủi ro.

Thừa nhận tín dụng tiêu dùng tăng là tín hiệu tích cực để thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, tuy nhiên, trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước quan ngại: “Việc đẩy mạnh cho vay tiêu dùng nếu không được kiểm soát tốt theo đúng mục đích và đối tượng sẽ tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới”.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, nợ xấu cho vay tiêu dùng tăng khoảng 22% so với tháng 1/2017, chiếm gần 10% nợ xấu toàn hệ thống. Một số tổ chức tín dụng hiện có tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng trên 3%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục