Đầu xuân, dòng vốn ngoại chảy mạnh

(ĐTCK) Trong tuần giao dịch đầu tiên của năm Kỷ Hợi, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng mua ròng, giá trị đạt 1.938 tỷ đồng. Thống kê cho thấy, khối ngoại mua ròng và các quỹ ETF huy động vốn cũng như giải ngân là giai đoạn thị trường chứng khoán có diễn biến thuận lợi.
Ảnh shutterstock Ảnh shutterstock

Một số mã được khối ngoại mua nhiều

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần giao dịch khởi đầu năm Kỷ Hợi tích cực. Trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), VN-Index đóng phiên giao dịch cuối tuần tại 950,89 điểm, tăng 4,65%, với sự bứt phá về giá của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn. Trên sàn Hà Nội (HNX), HNX-Index tăng 2,68%, đạt 106,11 điểm.

Một động lực quan trọng hỗ trợ đà tăng giá của thị trường là xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài được duy trì, với tổng giá trị mua ròng trên cả 3 sàn (bao gồm UPCoM) đạt 1.938,3 tỷ đồng. Trong đó, trên HOSE, giá trị mua ròng là 1.930 tỷ đồng, nâng tổng giá trị mua ròng lũy kế từ đầu năm 2019 lên 3.425 tỷ đồng. Trên HNX, khối ngoại mua ròng 0,4 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đạt 193,2 tỷ đồng.

Giao dịch đáng chú ý trong tuần qua là khối ngoại mua ròng 14,6 triệu cổ phiếu MSN của Công ty cổ phần Tập đoàn Masan trong phiên giao dịch ngày 14/2 thông qua giao dịch thỏa thuận, trị giá 1.230,8 tỷ đồng, góp phần tạo nên phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất trên thị trường chứng khoán kể từ đầu năm 2019.

Giao dịch mua trực tiếp trên sàn thông qua khớp lệnh tại nhiều cổ phiếu cũng diễn ra tích cực, góp phần hỗ trợ thị giá. Sau tuần giảm giá mạnh trước Tết Nguyên đán khi đón nhận tin tức kém khả quan về kết quả kinh doanh quý IV/2018, cổ phiếu HPG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát đã được khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng cộng 11,6 triệu đơn vị, trị giá 358 tỷ đồng. Lực cầu tốt giúp thị giá HPG tăng 15,75% trong tuần sau Tết.

Cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín được khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 8,18 triệu đơn vị, thị giá cổ phiếu tăng 16,1%. Sau những thông tin kết quả kinh doanh năm 2018 khả quan, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, STB là một trong những cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên thị trường về khối lượng, với 23,2 triệu đơn vị, trị giá 287,1 tỷ đồng.

Đầu xuân, dòng vốn ngoại chảy mạnh ảnh 1

 Một số cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trong tuần đầu năm Kỷ Hợi

Các quỹ ETF tích cực huy động vốn và giải ngân

Song song với động thái mua ròng của khối ngoại trên thị trường, một loạt quỹ đầu tư cũng công bố báo cáo cho thấy hoạt động huy động vốn thành công và tích cực giải ngân từ đầu năm đến nay.

Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 - quỹ đầu tư vào danh mục cổ phiếu VN30 do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) quản lý đã được nhà đầu tư nước ngoài mua vào 4,2 triệu chứng chỉ quỹ trong tuần qua, trị giá 62,2 tỷ đồng.

Là quỹ ETF nội, không bị giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room) và không bị giới hạn đầu tư vào các cổ phiếu bị giới hạn sở hữu nước ngoài, E1VFVN30 được xem là chứng chỉ quỹ hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại. Đến cuối tháng 1/2019, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại E1VFVN30 lên đến 98% số lượng chứng chỉ quỹ lưu hành.

Thống kê cho thấy, mỗi giai đoạn VFMVN30 ETF tăng mạnh phát hành chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh là giai đoạn thị trường chứng khoán thường diễn biến thuận lợi. Ngược lại, khi chứng chỉ quỹ bị khối ngoại bán ròng, rút vốn, diễn biến thị trường thường kém tích cực. Bởi vậy, việc Quỹ liên tục phát hành thành công chứng chỉ quỹ và đẩy mạnh giải ngân từ đầu năm được xem là chỉ báo cho xu hướng tích cực của thị trường.

Quỹ ETF ngoại VanEck Vectors Vietnam (VNM ETF) cũng liên tục huy động thêm vốn và mua ròng trên thị trường. Tính đến ngày 15/2, tổng giá trị tài sản ròng của VNM ETF đạt 373,1 triệu USD, tăng 17,8% so với cuối năm 2018. Tổng cộng, VNM ETF đã phát hành thêm hơn 1,5 triệu chứng chỉ quỹ trong 1,5 tháng qua,.

Với PYN Elite Fund, báo cáo tháng 1/2019 của quỹ này cho biết, Quỹ đã giải ngân khoảng 19,5 triệu EUR trong tháng đầu năm, tương đương khoảng 520 tỷ đồng, giảm tỷ lệ tiền mặt trong danh mục từ 10% cuối tháng 12/2018 xuống còn 5% vào cuối tháng 1/2019, trong khi tỷ lệ cổ phiếu tăng từ 90% lên 95%. Một số cổ phiếu trong Top phân bổ tỷ trọng đã được PYN mua mạnh là HDB, TPB, VEA...

Sau các khoản giải ngân thêm vào KDH, DXG, HPG… giai đoạn cuối năm 2018, nhóm các quỹ đầu tư do Dragon Capital quản lý đã công bố mua thêm 1,7 triệu cổ phiếu MWG trong tháng 1/2019, nâng tỷ lệ sở hữu từ 11,7% lên 12,1%. Trong đó, Amersham Industries Limited mua thêm 450.000 đơn vị, Wareham Group limited mua thêm 440.000 đơn vị, Norge Bank mua thêm 200.000 đơn vị…

Với các nhà đầu tư cá nhân, dù không có thống kê cụ thể quy mô giao dịch, nhưng xu hướng mở tài khoản cho thấy những tín hiệu tích cực. Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 1/2019, VSD đã cấp mới 265 mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng 28,9% so với tháng 12/2018, bao gồm 43 tổ chức và 222 nhà đầu tư cá nhân. Riêng trong 4 ngày sau Tết Nguyên đán, từ 12/2 đến 15/2, có 50 cá nhân và 8 tổ chức nước ngoài đã được VSD cấp mã số giao dịch. 

Kỳ vọng dòng vốn ngoại chảy mạnh trong năm 2019

Kinh tế vĩ mô tăng trưởng tốt, tỷ giá được giữ ổn định, triển vọng kinh doanh của nhiều doanh nghiệp niêm yết thuận lợi, tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do… đang được đánh giá là những yếu tố giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2019, nhất là sau giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh cuối năm 2018 đã đưa mức định giá của nhiều cổ phiếu về vùng hấp dẫn.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp chú trọng nâng cao chất lượng quản trị, công bố báo cáo tài chính, công bố thông tin chủ động theo chuẩn mức quốc tế… Việc cổ phần hóa, thoái vốn gắn nhà nước với việc niêm yết và đăng ký giao dịch của nhiều doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh giúp số lượng và chất lượng hàng hóa trên thị trường cải thiện, tăng sức hút dòng tiền khối ngoại.

Đặc biệt, câu chuyện nâng hạng thị trường đang được đánh giá là chủ đề nổi bật để thu hút dòng vốn ngoại năm 2019. Tại Hội thảo MBS’ Talk 16 của Công ty Chứng khoán MB (MBS) tổ chức cuối tháng 1/2019, công ty này dự báo, đầu năm 2020, Việt Nam có thể được FTSE công bố nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp, sau khi được đưa vào theo dõi nâng hạng vào tháng 9/2018.

Đối với xếp loại của Morgan Stanley Capital International (MSCI), MBS đánh giá, dù Việt Nam mới chỉ đạt được 5 tiêu chí và còn tới 9 tiêu chí cần cải thiện, nhưng triển vọng đáp ứng các tiêu chuẩn chí này rất khả quan, khi có tới 7/9 hoàn toàn có thể sớm được cải thiện. Theo kịch bản lạc quan, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong tháng 6/2020 và nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6/2021.

MBS ước tính, nếu được FTSE Russell nâng hạng, giá trị dòng vốn thụ động vào Việt Nam có thể đạt từ 184 - 555 triệu USD. Đối với MSCI, nếu được nâng hạng lên mới nổi, Việt Nam sẽ chiếm 0,3% rổ chỉ số MSCI, tương ứng thu hút dòng vốn có giá trị khoảng 4,5 tỷ USD.

Nếu được nâng hạng, thị trường Việt Nam có thể chiếm 0,3% rổ chỉ số MSCI, tương ứng thu hút khoảng 4,5 tỷ USD vốn ngoại.   

Dù kết quả nâng hạng khó có thể đến trong năm nay, nhưng năm 2019 sẽ là bước đệm quan trọng khi các cơ quan quản lý (Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…) nỗ lực thực hiện các công việc nhằm đáp ứng tiêu chí nâng hạng như nâng cấp hệ thống giao dịch, sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán.

Cơ chế giao dịch được hoàn thiện sẽ là yếu tố thu hút dòng vốn ngoại tìm đến Việt Nam để đón đầu tiềm năng tăng trưởng, bao gồm cả các quỹ chuyên đón đầu “game” nâng hạng, chẳng hạn Tundra Vietnam Fund.

Tính đến cuối tháng 1/2019, quy mô tài sản ròng của Tundra Vietnam Fund đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 88,3 triệu USD, với các khoản đầu tư được phân bổ tài sản ròng lớn như FPT (8,4%), MSN (6,9%), DXG (6,2%), VIC (5,6%), VNM (5,3%). Giá trị đầu tư của quỹ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng hoàn thiện, tiệm cận hơn với tiêu chí nâng hạng.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục